Print Thứ Ba, 05/03/2019 11:46

Thời điểm này, mặc dù ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đang quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, nhưng dịch bệnh này vẫn diễn biến phức tạp, khiến nhiều người nuôi lợn lao đao vì “mất trắng”.

Anh Lê Văn Quyền, ở thôn Trúc Động, xã Lưu Kiếm  (huyện Thủy Nguyên) nặng trĩu nỗi buồn khi nhìn trại lợn để không.

Một ngày “mất trắng” trăm triệu đồng

Ngày 1-3, hộ anh Vũ Văn Quyết, ở xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) phải tiêu hủy 30 con lợn nái và lợn thịt với tổng khối lượng hơn 1,8 tấn với giá trị 100 triệu đồng. Cả cơ nghiệp mất trắng vì dịch bệnh tả lợn châu Phi, khiến anh Quyết chưa hết bàng hoàng. Bí thư Đảng ủy xã Liên Khê, Bùi Trung Mạnh cho biết, liên tiếp trong 2 ngày 28-2 và 1-3, toàn xã phải tiêu hủy 80 con từ lợn thịt, lợn nhỡ đến lợn nái. Hiện nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó tập trung chăn nuôi lợn là thế mạnh phát triển kinh tế của địa phương. Dịch bệnh tả lợn châu Phi phát sinh ở địa phương gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho các hộ chăn nuôi.

Cùng ngày, tại xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên), người chăn nuôi lợn tại thôn Trúc Động cũng “đứng ngồi không yên” vì đoàn thú y của xã lại tiếp tục tiêu hủy lợn mắc bệnh của 2 hộ. Trước đó, tại thôn này, vào ngày 24-2, hộ anh Lê Văn Quyền, ở khu vực ngoài đầm Năm Mẫu thiệt hại nặng nề nhất vì dịch tả lợn châu Phi. Anh Quyền ngậm ngùi kể: “Tôi làm trang trại và nuôi lợn được 3 năm nay, thời điểm nuôi nhiều nhất là 70 con. Trước đó, gia đình vay ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư trang trại và nhờ được giá lợn trong thời gian qua, nên trả ngân hàng được 100 triệu đồng, dự định dồn tiền từ bán lứa lợn vụ này để trả số nợ ngân hàng còn lại. Nhưng, không ngờ dịch bệnh lợn lại “đổ ập” đến. Cả trại lợn có 28 con nái và thịt với tổng gần 1,2 tấn đều bị dịch bệnh tả châu Phi phải tiêu hủy. Hiện giờ, 8 gian trong trại lợn để không, chỉ còn trắng xóa màu vôi bột khử trùng. Tôi không biết đến khi nào mới có thể trở lại nuôi lợn tiếp vì không còn vốn, trong khi còn nợ tiền cám ngô gần 30 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền giống mua 1,3 triệu đồng/con, tính ra mất hơn 36 triệu đồng.

Không chỉ những người chăn nuôi có lợn bệnh vì dịch này lao đao mà những hộ chăn nuôi ở các vùng an toàn cũng lo lắng vì giá lợn hơi xuống thấp trong thời gian này. Tại xã Minh Tân (huyện Thủy Nguyên), chị Lê Thị Vân, ở xóm Mây lo lắng: Là hộ gia đình tận dụng cám từ hoạt động dịch vụ xát gạo, vụ nào cũng nuôi trên dưới 10 con lợn. Hiện giờ, trong khu nuôi lợn có 10 con lợn, nặng trung bình hơn 70 kg được bán. Sợ dịch bệnh dịch tả châu Phi lây lan, gia đình vừa phòng bệnh, rắc vôi quanh khu nuôi lợn, vừa gọi thương lái đến để bán lợn. Nhưng thương lái “ép giá” xuống chỉ còn 40 – 42 nghìn đồng/kg (trước và sau Tết Nguyên đán,  giá lợn hơi cao từ 45 đến 47 nghìn đồng/kg). Tâm trạng của chị Vân cũng là tâm trạng của nhiều hộ chăn nuôi khác khi đang có dịch bệnh tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn thành phố.

Mong hỗ trợ kịp thời

Hiện nay, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và nguy cơ lợn chết cao 100% khi đàn lợn nhiễm bệnh. Dịch bệnh đi đến nơi nào là nơi đó, người chăn nuôi chịu thiệt hại nặng về kinh tế. Bí thư Đảng ủy xã Liên Khê, Bùi Trung Mạnh cho rằng: Việc hỗ trợ các hộ dân có lợn phải tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi kịp thời sẽ là nguồn hỗ trợ lớn đối với họ. Đồng thời, đây cũng là biện pháp ngăn chặn dịch bệnh vì khuyến khích các hộ chăn nuôi có lợn phát bệnh kịp thời khai báo tiêu hủy với chính quyền địa phương, tránh tình trạng một số hộ “bán tháo” lợn để chạy dịch bệnh này.

Được biết, theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, mức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất có gia súc phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh là 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn. Chánh văn phòng UBND huyện Thủy Nguyên, Bùi Mạnh Hưng cho biết: Ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện trên địa bàn huyện, UBND huyện kịp thời hỗ trợ các hộ dân xã Chính Mỹ có lợn bị dịch tả lợn Châu Phi với mức 38 nghìn đồng/kg.

Tuy nhiên, theo anh Lê Văn Quyền, ở thôn Trúc Động, xã Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên) cho biết cán bộ thú y thông tin sau khi tiêu hủy lợn bị dịch bệnh tả châu Phi, huyện sẽ hỗ trợ hộ chăn nuôi 38 nghìn đồng/kg lợn bệnh. Với mức hỗ trợ trên thấp so với giá lợn hơi trên thị trường, người chăn nuôi vẫn lỗ. Song, dù tiêu hủy ngay khi có thông báo, nhưng đến nay, gia đình chưa được hỗ trợ. Tôi mong sớm được huyện quan tâm hỗ trợ để gia đình có vốn chuyển đổi mô hình sản xuất trong thời điểm chờ dập tắt hoàn toàn dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Mới nhất, tại hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội vào sáng 4-3, liên quan tới công tác hỗ trợ ngành chăn nuôi lợn, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho rằng mức hỗ trợ 38 nghìn đồng/kg lợn hơi theo quy định còn thấp so với giá thị trường và đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với heo nái và heo đực giống buộc phải tiêu hủy.

Đây sẽ là giải pháp các gia đình chăn nuôi có lợn mắc dịch chủ động tiêu hủy lợn, từ đó hạn chế mức thấp nhất dịch bệnh lây lan. Đồng thời, các xã có dịch bệnh cần kịp thời thống kê, hỗ trợ để các hộ chăn nuôi có điều kiện chuyển đổi mô hình sản xuất, chờ thời điểm hết dịch để tái đàn lợn.

Bùi Hương – Báo Hải Phòng 

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Người nuôi lợn mong được hỗ trợ kịp thời
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác