Print Chủ Nhật, 02/06/2019 09:09

Họa sĩ Đỗ Năm sáng tác hàng loạt bức tranh độc đáo về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nhiều chất liệu thường gặp trong đời sống hằng ngày

Họa sĩ Đỗ Năm đang cùng vợ sinh sống trong một căn nhà rộng rãi ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Sinh năm 1939 tại Nam Định, năm 20 tuổi, ông xung phong đi bộ đội. Khi xuất ngũ, ông theo học Trường Trung cấp Mỹ thuật Hà Nội rồi sau đó là ĐH Mỹ thuật Việt Nam. Khi tốt nghiệp, ông được phân công về công tác tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hà Nam Ninh. Năm 1981, ông tình nguyện vào Nam công tác và nghỉ hưu vào năm 1989.

Ghép chân dung Bác từ dây điện

Họa sĩ Đỗ Năm chia sẻ ông thích vẽ nên từ nhỏ đã có ước mơ theo đuổi mỹ thuật. Đi bộ đội, trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nung nấu ước muốn tái hiện hình ảnh đấu tranh kiên cường của dân tộc nên 2 chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm của ông là Bác Hồ và chiến tranh cách mạng Việt Nam.

“Bác Hồ là một vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam nên giới văn nghệ sĩ ai cũng muốn sáng tác về Bác. Riêng tôi, chọn chủ đề về Bác để làm tranh một mặt tỏ lòng kính yêu, mặt khác để động viên lớp thanh thiếu niên học tập ở Bác từ những điều giản dị nhất” – họa sĩ Đỗ Năm bày tỏ.

Phong cách và chất liệu thể hiện tác phẩm được ông Đỗ Năm lựa chọn khá phong phú, từ sơn dầu, tranh lụa… đến dây điện. Đó là năm 1988, lúc còn công tác tại Bưu điện Cần Thơ, một lần tình cờ thấy các công nhân khui dây cáp, bên trong cáp có rất nhiều dây điện đủ màu, trong đầu ông lóe lên ý nghĩ dùng dây điện để làm tranh về Bác. “Ban đầu làm gặp nhiều khó khăn do dây điện thì màu nào ra màu đó, khi ghép thành tranh phải phân phối màu cho hợp lý mới ra cái hồn của tác phẩm” – họa sĩ Đỗ Năm nói.

Để giúp chồng hoàn thành tác phẩm, vợ ông đã tỉ mỉ ngồi cắt từng sợi dây điện ra thành những khúc nhỏ li ti, cỡ bằng hạt gạo. Sau đó, chất liệu này được ghép lại thành chân dung Bác Hồ và phủ một lớp keo dạng nước để chúng cố định trên bức tranh. Họa sĩ Đỗ Năm cho biết thêm: “Bức tranh về Bác Hồ làm bằng dây điện đầu tiên tôi thực hiện vào năm 1988, chủ đề là Bác Hồ nghe điện thoại, bức này tôi tặng cho Bưu điện Cần Thơ. Sau đó, tôi có làm thêm 4 bức tương tự và hiện nay được trưng bày tại Quân khu 9 và 3 cơ quan ở Hải Phòng”.

Khi được hỏi có gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần nào hay không mà làm tranh về Bác rất sống động, họa sĩ Đỗ Năm mỉm cười cho biết lý ra ông có thể gặp Bác được một lần. Đó là lúc ông còn học Trường Trung cấp Mỹ thuật Việt Nam. Ngày 2-9-1962, trường chọn ra 10 người – trong đó có ông – để đi dự mít tinh quan trọng có Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng dự. “Nhưng khi đó, gia đình có chuyện quan trọng đột xuất nên tôi không thể đi dự mít tinh được và trường đã chọn người khác đi thay” – họa sĩ tiếc nuối.

Hoạ sĩ Đỗ Năm ghép vỏ măng cụt đã phơi khô thành tranh về Bác Hồ

Họa sĩ Đỗ Năm làm tranh chân dung Bác Hồ khi còn trẻ bằng tre và thân, lá dừa nước

Tranh “Bác Hồ với Bác Tôn” ghép từ dây điện của họa sĩ Đỗ Năm

Tuy không gặp được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng để có thêm những tác phẩm về Bác, ông đã sưu tầm rất nhiều tranh, ảnh, tượng về Người và tìm tòi cái mới để sáng tác. “Nhưng không vì vậy mà làm mất đi việc thể hiện tâm hồn, trí tuệ của Bác thông qua dáng đi, hành động, chòm râu, mái tóc…” – họa sĩ Đỗ Năm khẳng định.

Vì những nét độc đáo mà sống động, các tác phẩm của họa sĩ Đỗ Năm được khắp nơi đặt hàng với nhiều tác phẩm như: “Bác Hồ đi chiến dịch”, “Bác Hồ trồng cây”, “Bác Hồ với Bác Tôn”, “Bác Hồ và thiếu niên nhi đồng”, “Bác Hồ về thăm quê”… Những tác phẩm này hiện nay vẫn còn được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TP HCM; Bảo tàng Tôn Đức Thắng ở An Giang…

Họa sĩ Đỗ Năm khẳng định chất liệu bằng dây điện khá bền màu, tranh để trong phòng trưng bày lưu giữ được rất lâu, không hề bị mốc.

Sáng tạo với vỏ măng cụt, dừa nước

Họa sĩ Đỗ Năm là người luôn tìm tòi những chất liệu mới để làm phong phú hơn những bức tranh tái hiện chân dung về Bác Hồ. Ngoài dây điện thì vỏ măng cụt cũng được người họa sĩ tài hoa này thử nghiệm. “Tôi phát hiện vỏ măng cụt có màu tím sẫm rất đẹp, lúc nó chín thì vỏ mềm nên không thể ghép tranh được. Vì vậy phải đem vỏ cắt lát rồi phơi khô và ghép thành tranh, cuối cùng phủ một lớp keo dạng nước cho chúng dính lại” – họa sĩ hào hứng kể.

Ngoài ra, vỏ và lá dừa nước, tre, gạch ngói… cũng được ông nghĩ đến. Tuy nhiên, đặc điểm của những chất liệu này là không giữ được màu vốn có. Như vỏ dừa nước, khi luộc lên phơi khô thì màu tím sẫm bị nhạt hơn. Hay vỏ tre xanh sau khi được luộc, phơi khô thì chuyển màu trắng đục. Dù không được màu như mong muốn nhưng họa sĩ Đỗ Năm cũng dùng những chất liệu này trong sáng tác về Bác của mình.

Ông Trần Đình Thảo, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Cần Thơ, nhận xét: “Không theo lối mòn, họa sĩ Đỗ Năm đã thể hiện chủ đề về Bác bằng sự sáng tạo riêng của mình. Ngoài làm tranh về Bác, họa sĩ Đỗ Năm còn thể hiện các chủ đề khác bằng điêu khắc, tranh lụa, sơn dầu…”. 

Luôn tìm tòi cái mới

Ngoài sáng tác chủ đề về Bác Hồ, họa sĩ Đỗ Năm còn thể hiện sự tài hoa của mình ở những chủ đề khác với nhiều chất liệu độc đáo. Tiêu biểu như dùng gỗ cây quao khắc thành 108 tượng với chủ đề “Hồ Chí Minh – Người cầm lái con thuyền cách mạng Việt Nam thế kỷ XX”. Dùng 13 loại hạt như gạo, nếp cẩm, đậu các loại, mè, hạt é ghép thành bức tranh với chủ đề “Chiến thắng Tầm Vu (được tặng thưởng huy chương bạc trong Triển lãm Nghệ thuật Thủ công Mỹ nghệ toàn quốc năm 1986). Dùng trái còng khô khắc thành 52 cặp tay đua ghe ngo (đoạt huy chương đồng cũng trong cùng triển lãm nói trên)…

Họa sĩ Đỗ Năm tâm sự: “Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng tôi vẫn muốn tìm chất liệu mới để thể hiện trong tác phẩm của mình, nhất là chủ đề về Bác Hồ. Thấy tôi làm tranh từ dây điện khá lạ nên có nhiều người ở Thái Lan, Nhật, Úc, Pháp… cũng liên hệ làm tranh ảnh về gia đình họ”.

Bài và ảnh: Ca Linh

Nguồn. Người Lao động

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Người mê làm tranh về Bác Hồ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác