Giáo dục

Người lớn gương mẫu, con trẻ noi theo

Tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023-2024, bên ngoài phòng thi, cạnh những hình ảnh đẹp, rất đáng trân trọng của cán bộ, chiến sĩ Công an, thanh niên tình nguyện… áo đẫm mồ hôi, mặt sạm đi vì nắng nóng để hướng dẫn, hỗ trợ thí sinh, giữ giao thông an toàn, thông suốt, vẫn có những hình ảnh “xấu xí”, thậm chí phản cảm của một số cha mẹ học sinh trong việc chấp hành quy định, hướng dẫn của lực lượng chức năng nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông…

Vẫn biết, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có ý nghĩa quan trọng, mang tính bước ngoặt với nhiều gia đình và học sinh. Việc đưa đón con đi thi; đợi chờ tại điểm thi với tâm trạng bồn chồn, lo lắng, hay ghi lại những khoảnh khắc, hình ảnh đáng nhớ của con… thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái. Tuy nhiên, ý thức của một bộ phận cha mẹ học sinh trong chấp hành Luật Giao thông đường bộ, ứng xử nơi công cộng còn hạn chế, khi thản nhiên để xe máy ở lòng đường, mạnh ai người nấy chen lấn, xô đẩy, phá “hàng rào người” do đội thanh niên xung kích tình nguyện lập ra nhằm chiếm “vị trí đắc địa” để chụp ảnh, livestream hình ảnh của con… gây bất bình trong dư luận.

Hành động của một số cha mẹ chen lấn, xô đẩy, nhất là vào thời điểm thí sinh rời khỏi phòng thi không chỉ cản trở lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ, gây ùn ứ, ách tắc giao thông cục bộ tại các điểm thi, mà còn ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của chính con em mình sau những giây phút làm bài thi căng thẳng, khiến các em thêm mệt mỏi dưới cái nắng hè chói chang, oi bức.

Ảnh hưởng từ cha mẹ có tầm quan trọng nhất đối với con cái. Trong cuộc sống, trẻ thường chú ý quan sát, tìm hiểu, ghi nhớ và học hỏi các hành vi, thói quen hằng ngày của cha mẹ. Nói cách khác, các em luôn coi cha mẹ là những tấm gương đầu tiên để noi theo. Muốn con học điều hay, làm việc tốt, trước hết cha mẹ phải gương mẫu làm điều hay việc tốt, không thể chỉ nói suông, dạy bảo con cái phải làm thế này, thế kia trong khi mình không thực hiện, nói một đằng làm một nẻo. Việc cha mẹ không nêu gương, tự biến mình thành “gương mờ” trước con cái sẽ để lại những hậu quả tai hại trong tương lai.

Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, tuân thủ quy tắc ứng xử văn hóa nơi công cộng cũng giống như nết ăn nết ở trong gia đình, cần được uốn nắn, làm gương thường xuyên mới trở thành nền nếp, thói quen. Cha mẹ cần bắt đầu từ những hành vi nhỏ như: Dừng, đỗ phương tiện đúng nơi quy định; chấp hành tín hiệu đèn giao thông, hướng dẫn, phân luồng của biển báo; có ý thức vì cộng đồng, ứng xử văn minh khi tham gia giao thông. Không chỉ trong các kỳ thi, mà thực hiện thường xuyên qua việc đưa đón con đi học hằng ngày. Tuân thủ quy định giao thông, trật tự nơi công cộng không chỉ góp phần chia sẻ những vất vả của lực lượng chức năng, giải tỏa ùn tắc, lộn xộn trước mỗi cổng trường mà còn góp phần “tiếp sức” chính con em mình trong mỗi lúc tan trường, mỗi mùa thi. Giáo dục trẻ tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông hôm nay là góp phần hướng con em trở thành những công dân tốt, cũng là bảo đảm an toàn cho con trong tương lai sau này./.

Bùi Hạnh

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Thủ khoa của cả nước đạt 29,75 điểm

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mức điểm cao nhất năm 2024 là thí sinh…

17/07/2024

Sẵn sàng cho Lễ thông xe Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng

Chiều 16/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Thọ kiểm tra công tác…

16/07/2024

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024

Sáng 16/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc…

16/07/2024

EVN lỗ thêm 13.000 tỉ đồng nửa đầu năm 2024

Đề cập bức tranh tài chính 6 tháng đầu năm nay, lãnh đạo EVN tiết…

16/07/2024

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường tiếp Đoàn chuyên gia về kinh tế vĩ mô của Lào

Chiều 16/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường tiếp Đoàn Chuyên gia về kinh…

16/07/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More