Hai vụ xét xử về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sai quy định với người lao động (NLĐ) ở Đồng Nai và Hải Phòng vừa kết thúc đều có phần thắng thuộc về NLĐ.
Bỗng dưng bị mất việc
Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Đồng Nai vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Hồng (ngụ phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) và bị đơn là Công ty CP Chế biến Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm Đồng Nai (phường Long Bình, TP.Biên Hòa), gọi tắt là Công ty Dona foods.
Bà Hồng cho biết, được Công ty Dona foods tuyển dụng vào làm việc từ tháng 10.2001 và sau đó được công ty ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn 1 năm. Khi hợp đồng hết hạn, công ty không ký lại hợp đồng khác. Theo quy định, HĐLĐ của bà Hồng đương nhiên trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn.
Trong thời gian làm ở công ty, bà Hồng trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau. Cuối tháng 6.2017, công ty ra quyết định bổ nhiệm bà làm Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Nhà máy chế biến sản phẩm điều ăn liền. Đầu tháng 7.2017, bà đến nhận nhiệm vụ tại nhà máy.
Tuy nhiên, khi bà Hồng đến công ty làm việc thì bất ngờ nhận quyết định về việc giải thể Nhà máy chế biến sản phẩm điều ăn liền và thành lập Xưởng chế biến sản phẩm điều ăn liền. Theo đó, công ty đã bãi nhiệm chức vụ hiện có của bà Hồng cùng 2 người khác và tạm thời đưa 3 người về Phòng Tổ chức hành chính để chờ phân công nhiệm vụ mới. Sau đó, bà Hồng bị công ty ra quyết định cho thôi việc với lý do: Thay đổi cơ cấu và không bố trí được việc làm.
Thắng kiện hơn 300 triệu đồng
Tại phiên tòa phúc thẩm, phía Công ty Dona foods giải thích, sau khi cổ phần hóa, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty gặp khó khăn. Để định hướng phát triển, công ty có thành lập Nhà máy chế biến sản phẩm điều ăn liền và bổ nhiệm bà Hồng làm Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của nhà máy. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn đưa vào hoạt động nhưng không hiệu quả, công ty buộc phải tổ chức lại lao động tại nhà máy này bằng cách giải thể nhà máy và thành lập Xưởng chế biến sản phẩm điều ăn liền với quy mô nhỏ gọn, giảm chi phí… Theo đại diện công ty này, do thay đổi cơ cấu và không bố trí được việc làm cho bà Hồng nên công ty đã ra quyết định cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc.
Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc Hà – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai – lại cho rằng, việc công ty ban hành quyết định cho bà Hồng thôi việc với lý do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động là không có căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 44 của Bộ luật Lao động. Cơ cấu của công ty trước và sau khi thay đổi tổ chức vẫn là 4 phòng ban và 4 nhà máy trực thuộc.
Ngoài ra, khi công ty giải thể nhà máy, thành lập xưởng và điều động bà Hồng về nhận nhiệm vụ chuyên viên Phòng Tổ chức hành chính chờ phân công nhiệm vụ mới, nhưng cũng trong ngày này công ty đã ban hành quyết định cho bà Hồng nghỉ việc. Điều đó thể hiện việc công ty không bố trí, sắp xếp cho bà Hồng làm việc mới và cũng không thông báo trước hoặc lắng nghe ý kiến nguyện vọng của NLĐ…
Sau khi lắng nghe ý kiến giữa các bên ở phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm, chấp nhận nội dung đơn khởi kiện của bà Hồng và buộc phía công ty phải giải quyết cho NLĐ các khoản liên quan với tổng số tiền trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, công ty phải truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Thắng kiện, nhưng mức bồi thường chưa thỏa đáng
Với vụ Công ty TNHH Seething (Khu công nghiệp Đồ Sơn, Hải Phòng) chấm dứt hợp đồng NLĐ sai quy định thì sau nhiều ngày nghị án, sáng 5.12, TAND quận Đồ Sơn (Hải Phòng) ra tuyên án: Chấp nhận nội dung đơn khởi kiện của NLĐ, buộc phía doanh nghiệp bồi thường theo quy định pháp luật.
Theo đó, Công ty TNHH Seething Việt Nam phải trả lương, BHXH, BHYT trong những ngày anh Bùi Quang Hiệu (sinh năm 1989, trú tại tổ dân phố Dân Tiến, phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) không được làm việc tại công ty; cộng với ít nhất 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động, trợ cấp thôi việc theo quy định tại khoản 1, 2 điều 42, 48 Bộ luật Lao động tính đến ngày anh Hiệu từ chối quay trở lại làm việc tại Cty Seething (ngày 21.1.2019). Trong đó, tiền lương tính từ ngày 27.6.2018 đến ngày 21.1.2019 là hơn 30,1 triệu đồng.
Ngoài ra, công ty trả anh Hiệu 4 tháng tiền lương tối thiểu là hơn 17 triệu đồng và trợ cấp thôi việc 7.453.000 đồng. Tổng số tiền công ty này phải bồi thường và trả cho anh Bùi Quang Hiệu là hơn 54 triệu đồng.
Tuy nhiên, mức bồi thường mà hội đồng xét xử đưa ra khiến cả nguyên đơn anh Bùi Quang Hiệu và nhiều người tham dự phiên toà cảm thấy chưa thoả đáng. Bà Phạm Thị Hằng – Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng – nói rằng, đến thời điểm diễn ra phiên xét xử sơ thẩm (ngày 28.11.2019), phía doanh nghiệp vẫn chưa có quyết định chấm dứt hợp đồng với anh Hiệu. Vì vậy, việc phiên toà chỉ tính mức bồi thường tiền lương, BHXH, trợ cấp thôi việc đến ngày 21.1.2019 (thoả thuận không có văn bản giữa doanh nghiệp và người lao động) là không thoả đáng, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.
“Điều này đồng nghĩa với việc toà chấp nhận hành vi chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần ra quyết định của doanh nghiệp. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đồng hành với người lao động để kháng cáo tới toà án nhân dân cấp cao hơn, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động” – bà Hằng khẳng định.
HÀ ANH CHIẾN – Mai Dung