Print Thứ Năm, 19/12/2019 13:07 Gốc

Hiện cả nước có khoảng hơn 25 triệu công chức, viên chức, công nhân lao động trong khu vực chính thức. Trong hệ thống phúc lợi xã hội (PLXH) quốc gia, chăm lo PLXH cho công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) có vị trí đặc biệt quan trọng. Nhưng việc nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách PLXH cho CNVCLĐ đang cần có nhiều giải pháp.

Thiếu nhà trẻ, trường học, trạm y tế

Lấy ví dụ cụ thể về thực trạng chế độ PLXH cho công nhân lao động (CNLĐ) các khu công nghiệp, khu chế xuất, bà Phạm Thị Hằng – Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Khu kinh tế (KKT) Hải Phòng cho biết, đến thời điểm hiện nay, Thành phố Hải Phòng có 11 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động với tổng số trên 131.500 lao động. Mặc dù điều kiện sống những năm gần đây được cải thiện nhưng đời sống của đa số CNLĐ trong các KCN Hải Phòng chưa đủ sống. Vẫn còn nhiều trường hợp không có nhà, phải ở nhờ hoặc thuê trọ, dẫn đến việc công nhân chưa yên tâm công tác, hay nhảy việc. Trong khi đó, các công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở… xung quanh KCN chuyên phục vụ CNLĐ KCN chưa được đầu tư thoả đáng.

Thực tế trên cả nước cũng cho thấy, khả năng đáp ứng nhu cầu về nhà trẻ, trường mầm non, trường học, trạm y tế… tại các khu vực tập trung đông CNLĐ còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Các trường công lập quá tải, ít nhận trẻ nhỏ dưới 36 tháng, thiếu cơ sở vật chất. Các trường tư thục thì có học phí cao so với thu nhập của CNLĐ.

Việc xây dựng, phát triển hệ thống các bệnh viện công và bệnh viện tư hoạt động theo cơ chế không vì mục đích lợi nhuận còn gặp nhiều khó khăn. CNLĐ tại các KCN chủ yếu tiếp cận các cơ sở khám chữa bệnh ngoài giờ và ngày nghỉ nên phải khám chữa bệnh tại các cơ sở ngoài công lập. Các công trình phúc lợi công cộng, các thiết chế văn hóa, thể thao sau giờ làm việc cũng còn thiếu so với nhu cầu đời sống tinh thần của CNLĐ.

Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao ở các KKT, KCN còn nhiều khó khăn, do liên quan đến quỹ đất, vốn đầu tư. Đối với vấn đề nhà ở xã hội, khi triển khai, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định cụ thể tỉ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà thương mại, khu đô thị mới. Đó là, các dự án nhà thương mại, khu đô thị mới có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải dành 25% diện tích đất ở hoặc 25% diện tích nhà để phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hiện rất ít dự án nhà ở thương mại làm đúng quy định trích quỹ đất làm nhà ở xã hội hoặc có làm cũng chậm. Mặt khác, theo quy hoạch phân khu, một số dự án chỉ được quy hoạch xây dựng nhà ở thấp tầng, nên việc dành quỹ đất 20%, 25% làm nhà ở xã hội chưa phù hợp, hiệu quả sử dụng đất thấp, thời gian thu hồi vốn dài với lợi nhuận định mức nên không có nhiều nhà đầu tư mặn mà tham gia…

Cần cả “chân nhà nước” và “chân doanh nghiệp”

Theo ông Nguyễn Đình Khang – Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, với sứ mệnh của mình, tham gia như là một chủ thể quan trọng góp phần thúc đẩy PLXH, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức CĐVN đã và đang có nhiều cố gắng trong việc đảm bảo tốt nhất chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVC, NLĐ. Những năm qua, CĐ đã có nhiều đổi mới cả về nội dung, phương thức hoạt động; đề xuất và tổ chức được nhiều chương trình hoạt động mới như: Chăm lo phúc lợi và triển khai Chương trình phúc lợi cho đoàn viên CĐ; tổ chức “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân”, “Mái ấm CĐ”, “Quỹ trợ vốn” cho NLĐ; chương trình sử dụng thẻ đoàn viên hưởng các ưu đãi giảm giá; nâng cao chất lượng bữa ăn giữa ca; đề xuất xây dựng các thiết chế CĐ, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vấn đề bức xúc cho CNLĐ các KCN.

Vấn đề chăm lo PLXH cho CNVCLĐ cần được nghiên cứu sâu, nhất là các hình thức PLXH và nguồn lực thực hiện. Bên cạnh nguồn lực của nhà nước, cần nghiên cứu đẩy mạnh các hình thức huy động nguồn lực xã hội cùng chung tay chăm lo PLXH cho xã hội nói chung và CNVCLĐ nói riêng.

Qua kinh nghiệm của các nước, PGS.TS Mạc Văn Tiến – Trường Đại học Trưng Vương – chia sẻ: Để đảm bảo PLXH bền vững cho NLĐ, cần phải thực hiện bằng cả “hai chân”, đó là “chân nhà nước” và “chân doanh nghiệp”. Đối với nhà nước, chương trình PLXH bao gồm các chương trình chung hướng tới mọi người dân và các chương trình chuyên biệt hướng tới những nhóm lao động đặc thù, nhưng đều hướng tới đảm bảo sự công bằng cho mọi người. Tuy nhiên, nhà nước chỉ là người định hình chính sách, nhưng chuyển giao cho các đối tác xã hội khác thực hiện. Ví như chương trình nhà ở xã hội cho công nhân, xây dựng các khu công viên, vườn trẻ, để đảm bảo an ninh và an sinh cho NLĐ, để họ vừa yên tâm lao động, vừa có điều kiện để tái tạo sức lao động. Điều này gắn với vấn đề quy hoạch đô thị và quy hoạch các KCN.

Không nên định hướng tăng trưởng kinh tế trước (phát triển KCN) rồi mới giải quyết công bằng xã hội (xây nhà trẻ, trường học, bệnh viện, công viên,…) mà phải được thực hiện ngay từ khâu lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch.

Đối với các doanh nghiệp, bên cạnh các PLXH bắt buộc, cần gia tăng các loại PLXH tự nguyện dựa trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tạo thêm động lực lao động đối với CNLĐ. Các chương trình PLXH của doanh nghiệp trong xu hướng mới, đó là: Tạo môi trường làm việc (trong bối cảnh 4.0); Chương trình chăm sóc sức khỏe của doanh nghiệp; Cải thiện các bữa ăn công nghiệp; Tạo điều kiện cho NLĐ gia tăng các hoạt động cộng đồng, hoạt động giao lưu.

Kiều Vũ

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Người lao động phải thực sự được thụ hưởng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác