Print Thứ Ba, 10/03/2020 14:58 Gốc

Sở hữu kho ảnh quý về các văn nghệ sĩ nổi tiếng tại Việt Nam, gần đây nhiếp ảnh gia Hà Tường mới “bung” ra để công chúng thưởng thức. Đó là những khung ảnh đen trắng hết sức đời thường, giản dị về những con người tài hoa, tiêu biểu ở các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ nước nhà…

Nhiếp ảnh gia Hà Tường sinh năm 1942, là người Hà Nội gốc. Ông bắt đầu chụp ảnh từ những năm 60 của thế kỷ trước, và có hơn 50 năm cầm máy. Đến nay, lão nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường không nhớ bấm được bao nhiêu bức ảnh ông đam mê nhất: chân dung và phong cảnh miền núi.

Nhà nhiếp ảnh Hà Tường (trái) và nhà văn Nguyễn Tuân tại khoảng năm 1988-1990 tại Hà Nội.

Trong quãng thời gian cầm máy ở giai đoạn 1975- 1995, nhiếp ảnh gia Hà Tường là người duy nhất ở Việt Nam theo đuổi đề tài chụp văn nghệ sĩ. Trước hết, Hà Tường có lợi thế hơi nhiều người vì là bạn thân thiết và quen biết những tên tuổi của nền nghệ thuật Việt bấy giờ như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Đào Duy Anh, Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ, Thanh Tịnh, Trần Văn Cẩn, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Thái Bá Vân, Phan Kế An, Mai Văn Hiến, Kim Lân, Hữu Loan…Vì quen thân và đam mê chụp ảnh chân dung nên nhiếp ảnh gia Hà Tường dành khoảng 20 năm để chụp chân dung các văn nghệ sĩ Việt. Nhiếp ảnh gia Hà Tường chia sẻ, khi biết mình muốn chụp ai, nhất là những khoảnh khắc đời thường, ông sẽ “canh” đến lúc tìm thấy khoảnh khắc ưng ý nhất. Lão nghệ sĩ nhiếp ảnh cho biết thêm “chụp ảnh văn nghệ sĩ, tôi không bao giờ tính tiền họ, vì họ thường rất nghèo. Nhưng những lúc bán được tranh thì các ông ấy lại dúi tiền cho tôi. Đó là tình cảm”.

Sở hữu khối lượng ảnh đồ sộ về văn nghệ sĩ Việt từ lâu, nhưng mới đây nhiếp ảnh gia Hà Tường mới đem những bức ảnh ấy đem in thành sách và trưng bày triển lãm tại Hà Nội với tên gọi “Những người muôn năm cũ”. Triển lãm gồm 30 bức ảnh chọn lọc trong cuốn sách lấy tên từ bài thơ “Ông đồ” (Vũ Đình Liên) do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Triển lãm phần lớn là những hình ảnh quý giá về các văn nghệ sĩ tiêu biểu của nước nhà mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường gặp gỡ và lưu lại trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến 1995. Trong đó, có thể kể đến các gương mặt như: các nhà văn Kim Lân, Nguyễn Tuân; các nhà thơ Tế Hanh, Vũ Đình Liên, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng; các nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Trịnh Công Sơn; các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên; nhà viết chèo Tào Mạt; nghệ nhân Quách Thị Hồ…

Triển lãm “Những người muôn năm cũ” đem đến công chúng nhiều hình ảnh rất xúc động được Hà Tường chụp lại. Như bức ảnh những ngày cuối đời của nhà viết kịch Tào Mạt. Trên chiếc giường gấp, chống chọi với căn bệnh ung thư, Tào Mạt hiện lên với gương mặt khắc khổ, vẫn đọc Kinh Dịch, xem “Thế giới mới” và mỉm cười. Hoặc bức ảnh gồm nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Thu Bồn, Phương Thanh được Hà Tường chụp năm 1983 ở ngay buổi tiệc trong căn gác sân thượng ở ngôi nhà 60 phố Hàng Bông (Hà Nội), nay phần lớn họ đến cõi thiên thai. “Những người còn trên dương thế chiêm ngưỡng lại kỷ niệm cũ mà tràn ngập nhớ thương còn tươi ròng trong bức ảnh” – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha xúc động chia sẻ.

Họa sĩ Lê Thiết Cương đánh giá, Hà Tường có tình yêu đặc biệt với nhiếp ảnh. Ông coi ống kính máy ảnh của mình là cây bút để ghi chép trung thực những gương mặt, những chân dung văn nghệ sĩ tiêu biểu của một thời. Nếu coi nhiếp ảnh là lịch sử bằng hình ảnh, Hà Tường chính là người ghi lại lịch sử văn nghệ sĩ Việt Nam một thời. Điều này hoàn toàn chính xác nếu ai đã đến triển lãm “Những người muôn năm cũ” và cầm trên tay cuốn sách cùng tên của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hà Tường vừa ra mắt.

Hoàng Anh

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Người “giữ lại” hình ảnh văn nghệ sĩ một thời
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác