Print Thứ Bảy, 26/01/2019 20:45

Với mong muốn tìm hiểu về lịch sử, truyền thống công tác đối ngoại thành phố, đầu năm 2006, đoàn công tác Sở Ngoại vụ thành phố đến thăm đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hải Phòng tại nhà riêng. Ở tuổi 89 nhưng đồng chí Đỗ Mười vẫn rất minh mẫn, vui vẻ nhớ lại thời gian làm việc ở Hải Phòng, trực tiếp chỉ đạo công tác đối ngoại thành phố từ những ngày đầu thành lập.  

Qua lời kể của đồng chí Đỗ Mười, từ năm 1954, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Hải Phòng trở thành nơi tập kết 300 ngày cuối cùng của quân đội Pháp tại miền Bắc. Khi đó, Hải Phòng là địa phương có hàng vạn người nước ngoài sinh sống- đông nhất miền Bắc, với 17 quốc tịch khác nhau. Ngoại kiều có vai trò, vị trí quan trọng đối với kinh tế – xã hội thành phố lúc đó vì họ nắm và chi phối những lĩnh vực kinh tế trọng yếu như cảng, bưu điện, xuất nhập khẩu…. Trước tình hình phức tạp, Thành ủy, Ủy ban Quân chính thành phố quan tâm chỉ đạo từ sớm để chuẩn bị thật tốt, bảo đảm công cuộc tiếp quản thành phố thắng lợi. Trong đó, quyết định thành lập Ban Ngoại vụ thành phố vào cuối tháng 3-1955.

 

Hải Phòng hiện là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài trong cả nước.

Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty LGE

Những ngày mới tiếp quản thành phố, công tác đối ngoại là nhiệm vụ mới mẻ, phức tạp. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đỗ Mười, khi ấy là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố, đội ngũ cán bộ đối ngoại thành phố nỗ lực vượt qua khó khăn, đấu tranh thắng lợi với các thế lực phản động, âm mưu phá hoại nền kinh tế  còn non trẻ, kéo dài sự chia cắt đất nước; phối hợp giải quyết tốt các vấn đề về công tác ngoại kiều, tranh thủ sự hỗ trợ về vật chất, chuyên gia của các nước Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan… góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước.

 

Đồng chí Đỗ Mười vui mừng nghe đoàn công tác báo cáo về tình hình phát triển kinh tế – xã hội thành phố, nhất là công tác đối ngoại của thành phố những năm gần đây. Đồng chí nhấn mạnh, công tác đối ngoại của thành phố đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ với sự phát triển kinh tế – xã hội Hải Phòng, mà với cả đất nước. Đồng chí ân cần dặn dò đoàn công tác tiếp tục phát huy truyền thống, làm tốt công tác đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước, các tổ chức quốc tế, các đối tác có tiềm năng để tranh thủ thu hút các nguồn lực, nhanh chóng xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng ngày càng giàu đẹp….

 

Sau buổi gặp mặt đầy ý nghĩa đó, Thành ủy, UBND thành phố quyết định lấy ngày 25-3- ngày thành lập Ban Đối ngoại- là Ngày truyền thống công tác đối ngoại thành phố. Đồng thời, có nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh hoạt động ngoại giao trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao nhân dân, công tác người Việt Nam ở nước ngoài…góp phần đưa Hải Phòng ngày càng phát triển về mọi mặt, đúng theo ý nguyện của đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố.

Phạm Hữu Thư (Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố) – Báo Hải Phòng 08/10/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Người đặt nền móng công tác đối ngoại thành phố
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác