Pháp luật

Người dân quay phim, chụp ảnh lực lượng chức năng làm nhiệm vụ: Chỉ thực hiện tại nơi được phép

Thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng một số người dân quay phim, chụp ảnh các lực lượng thực thi pháp luật làm nhiệm vụ, sau đó, phát tán trên mạng xã hội theo kiểu phiến diện, một chiều, gây dư luận không tốt trong xã hội. Việc làm này có lạm dụng quyền được giám sát của công dân đối với hoạt động của cơ quan nhà nước hay không? Ông Trần Ngọc Vinh, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, Chủ tịch Hội Luật gia Hải Phòng trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng chung quanh vấn đề này.

Người dân được phép quay phim, chụp ảnh lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại nơi công cộng. (Ảnh minh họa) Ảnh: Trung Kiên

– Đề nghị ông cho biết, người dân có quyền sử dụng thiết bị ghi hình, chụp ảnh các lực lượng chức năng khi đang thực thi nhiệm vụ chuyên môn không?

-Hiến pháp 2013 quy định, công dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động của các bộ, cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thi hành công vụ.Trên tinh thần của Hiến pháp, công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, đối với việc giám sát lực lượng chức năng bằng thiết bị ghi hình, cần gắn vào từng hoàn cảnh cụ thể để xác định có được phép hay không. Đơn cử như khi các lực lượng công an, cán bộ thi hành án… đang làm nhiệm vụ tại nơi công cộng, trên đường phố, khu vực hoạt động ngoài trời, thì không bị hạn chế. Người dân hoàn toàn có thể sử dụng điện thoại và các thiết bị công nghệ khác để ghi hình, thực hiện chức năng giám sát của công dân, cộng đồng.

Tuy nhiên, khi tới công tác, làm việc tại trụ sở các cơ quan, tổ chức, việc chụp ảnh trong khuôn viên của đơn vị bắt buộc phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị. Bởi lẽ, mỗi cơ quan nhà nước, tổ chức đều có quyền được bảo vệ an toàn về tài sản, hoạt động bình thường trong khuôn viên cơ quan, đơn vị. Việc tự ý quay phim, chụp ảnh làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức, là vi phạm pháp luật. Ngoài ra, người dân cũng không được phép chụp ảnh, quay phim, phát tán những hình ảnh tại khu vực cấm.

–  Vậy, những khu vực nào người dân không được phép quay phim, chụp hình, đăng tải trực tiếp trên mạng xã hội?

– Theo Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000, Quyết định số 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ, quy định cấm chụp ảnh tại những địa điểm, khu vực chính quyền, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cắm biển “khu vực cấm”, “địa điểm cấm”. Những địa điểm này là nơi đặt các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, vùng biển; các khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; khu quân sự, doanh trại quân đội nhân dân, công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân; kho dự trữ chiến lược quốc gia; các công trình mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; khu vực biên giới, trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch được Chính phủ cho phép.

Quyết định 160/2004 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định người đứng đầu Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có thẩm quyền đưa ra các quy định xác định khu vực cấm trong lĩnh vực quản lý ngành của mình. Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND cấp tỉnh, thành phố sẽ ban hành các văn bản lập ra danh sách bảo đảm an ninh, an toàn, bí mật quốc gia trong địa phương mình quản lý theo đề xuất của Công an cấp tỉnh, thành phố. Theo đó, tại những địa điểm này sẽ được đặt biển cấm quay phim, chụp ảnh. Người dân phải chấp hành nghiêm quy định này.

– Trường hợp vi phạm bị xử lý như thế nào?

– Theo Điều 18 Nghị định 167/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tổ chức, cá nhân quay phim, chụp ảnh tại khu vực cấm có thể bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng. Nếu thực hiện hành vi này tại khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh, có thể bị phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Bên cạnh đó, trường hợp các cá nhân phát tán hình ảnh trên mạng xã hội với mục đích bôi nhọ danh dự người khác hay tổ chức, lợi dụng để kích động quần chúng, lôi kéo dụ dỗ người dân tham gia hoạt động chống phá chính quyền, tùy thuộc vào mức độ sẽ bị xử phạt theo Luật An ninh mạng, thậm chí xử lý hình sự.

Ngoài ra, điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh, theo đó, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Người bị sử dụng hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại.

– Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Tuấn thực hiện

Nguồn. Báo Hải Phòng

Tin khác

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tương lai của Hải Phòng là rất tươi sáng !”

Trong số các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố được gặp gỡ, tiếp xúc,…

27/07/2024

Cô gái bị tung tin lây nhiễm HIV cho nhiều người ở Thái Nguyên lên tiếng

Cơ quan chức năng khẳng định thông tin nữ nhân viên Samsung lây nhiễm HIV…

27/07/2024

Dự kiến đầu tư đường nối từ đường Đỗ Mười với đường ra đảo Vũ Yên dài 2,4km

Chiều 26/7, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì kiểm…

26/07/2024

Viettel Hải Phòng tổ chức dâng hương tại nghĩa trang liệt sỹ phường Đằng Lâm, quận Hải An

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), sáng 26/7, Đoàn…

26/07/2024

45 hộ được chấp thuận bốc thăm nhận nhà (Đợt 1) tại các Chung cư thuộc sở hữu nhà nước

Sáng 26/7, Sở Xây dựng, UBND Quận Ngô Quyền phối hợp với Công ty TNHH…

26/07/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More