Tại cánh đồng thuộc xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng trưa 15/10, bầu không gian vốn yên tĩnh bị xáo động bởi nhóm thợ bắt chuột đến từ “làng thịt chuột” Tú Đôi nổi tiếng ở xã Kiến Quốc (cùng huyện Kiến Thụy).
Khắp nơi rộn tiếng hò reo mừng “chiến tích” mỗi khi bắt được chú chuột đồng béo múp. Tiếng bước chân chạy đuổi chuột rầm rập. Tiếng chuột bị bắt kêu chí chóe. Thêm những lời trầm trồ của khách qua đường dừng lại xem cảnh bắt chuột.
Vừa nhanh tay bỏ chú chuột cỡ nắm liềm vàng ươm vào túi lưới, anh Trung, ở làng Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng trao đổi với chúng tôi, nhóm của anh gồm 5 người đi bắt chuột khắp nơi trong và ngoài huyện.
Từ sáng đến trưa, cả nhóm của anh Trung đã bắt được gần 30kg chuột đồng. Sau khi làm sạch, bán cho khách đặt trước, dự kiến thu về khoảng 5 triệu đồng. Tính ra ngày công mỗi người 1 triệu đồng, cao hơn nhiều so với đi làm công việc khác như phụ hồ, làm công nhật trong các xưởng cơ khí.
Ở Hải Phòng, làng Tú Đôi nổi tiếng từ lâu xưa nghề đào bắt và chế biến thịt chuột. Hiện ngoài nhóm của anh Trung, cả làng có gần 20 nhóm thợ chuyên đi bắt chuột làm thịt bán tại chợ và theo đơn đặt hàng. Mỗi ngày, làng Tú Đôi cung cấp ra thịt trường khoảng 400-500kg thịt chuột luộc hoặc làm sẵn.
Theo các bậc cao niên trong vùng, người làng Tú Đôi, xã Kiến Quốc, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng có truyền thống bắt chuột và ăn thịt chuột từ hơn 100 năm qua. Thời gian đầu, do kinh tế khó khăn, người dân nơi đây dùng thịt chuột để cải thiện bữa cơm trong gia đình. Sau đó, dù kinh tế khá giả, nhiều người vẫn thích ăn bởi mê cái béo ngậy, đậm đà của thịt chuột.
Người làm nghề ở làng Tú Đôi không bắt chuột quanh năm, mà chỉ từ tháng 9 đến đầu tháng 11 Âm lịch, khi chuột tìm đến những ruộng lúa chín ăn thóc tích mỡ để chống chọi với cái lạnh giá của mùa Đông (chuột se đông).
Khác với nhiều “làng thịt chuột” khác trong cả nước, người làng Tú Đôi chỉ chế biến duy nhất món chuột luộc. Chuột sau khi bắt về làm sạch lông, bỏ hoi, bỏ ruột (giữ lại phần gan béo ngậy) rồi cuộn tròn luộc trong nồi gang, bên dưới có lót lớp lá ré (loại cây mọc nhiều ở các vùng nông thôn, về hình dáng giống cây riềng). Sau khi để ráo nước, chuột được đưa đi bán tại chợ chiều Tú Đôi.
Thịt chuột sau khi mua về, chỉ cần chặt nhỏ, rắc lớp lá chanh thái chỉ, chấm với muối cộc rang khô trộn với ớt xanh, hạt tiêu xay nhuyễn, là có thể thưởng thức. Những miếng thịt chuột béo ngậy, thơm mùi thóc mới khiến nhiều thực khách trong và ngoài huyện Kiến Thụy mê mẩn.
Vì thế, trong khi những sạp thịt bò chỉ có giá 220.000 đồng/kg mà vẫn ế ẩm, thì mẹt thịt chuột luộc có giá lên tới 250.000 đồng/kg, vẫn nhiều người tìm mua. Thịt chuột trở thành nét văn hóa ẩm thực truyền thống nổi tiếng của người làng Tú Đôi.
Theo anh Phạm Văn Hiếu, ở xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng cho biết, hiện không chỉ người làng Tú Đôi, mà nhiều thực khách trong và ngoài huyện Kiến Thụy mê mẩn món thịt chuột Tú Đôi. Hiện thịt chuột đã trở thành “món đinh” của một số nhà hàng sang trọng trong huyện.
Trước đây, người dân Tú Đôi chỉ chế biến món thịt chuột luộc. Nay, đáp ứng nhu cầu của thực khách, họ bán cả thịt chuột làm sẵn để người mua có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, như chuột chiên vàng, nướng, nấu xôi (giống xôi chim), nấu giả cầy.
Chuột đồng là món ăn nổi tiếng của người dân làng Tú Đôi cũng như huyện Kiến Thụy. Đó là nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người dân địa phương được nhiều khách du lịch ưa thích mà tìm đến trong mỗi vụ bắt chuột se đông.
Không chỉ góp phần bảo vệ mùa màng trước “giặc chuột”, nghề săn bắt chuột đồng ở làng Tú Đôi còn đem lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Với gần 20 nhóm thợ chuyên đi bắt chuột, trung bình mỗi ngày cung cấp ra thị trường 400-500kg thịt chuột làm sẵn hoặc thịt chuột luộc/ngày với mức giá 250.000 đồng, mỗi vụ thịt chuột kéo dài hơn 60 ngày, “kinh tế chuột” đem lại khoản thu nhập tiền tỷ cho người làng Tú Đôi.
Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Ngô Minh Khiêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng cho biết, món thịt chuột Tú Đôi đã được địa phương đưa vào cuốn sách “Kiến Thụy xưa và nay” giới thiệu tới đông đảo người dân, du khách trong và ngoài thành phố.
Theo đó, với món thịt chuột ép khô ở làng Tú Đôi, chuột để làm thịt phải là chuột đồng khoảng 0,2-0,3kg. Sau khi làm sạch lông, bỏ hoi thì cho vào nồi luộc với nước mưa. Sau khi chín, thịt chuột được xếp ra phên tre, nứa lót lớp lá chuối bánh tẻ, để cho rút mỡ hoặc ép khô mới ăn. Khi thưởng thức, chấm cùng muối trắng trộn ớt, lá chanh và bánh đa nướng.
Ngô Quang Thái
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More