Y tế

Người cao tuổi có bệnh lý tim mạch: Đề phòng yếu tố nguy cơ trong mùa lạnh

Thời tiết đang trong đợt chuyển lạnh đột ngột, cơ thể không kịp thích nghi khiến số người bị bệnh tim mạch có nguy cơ cao bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim tăng cao. Theo thống kê tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố, số người bị bệnh tim mạch nhập viện tăng từ 10-15%, trong đó có nhiều trường hợp nặng, nguy hiểm.

Nguy kịch vì cơn đau thắt ngực

Bà N. T. T, 75 tuổi, ở phường Đông Hải 2 (quận Hải An) mới đây nhập viện trong tình trạng đau thắt ngực, thi thoảng lan dần xuống vai và cánh tay. Bác sĩ Bệnh viện Việt – Tiệp tiến hành chụp động mạch vành cho thấy, người bệnh bị hẹp 95% động mạch liên thất trước. Các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị nhồi máu cơ tim, tình trạng diễn biến xấu, nếu không được can thiệp, chỉ sau khoảng 2-3 giờ đồng hồ sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Lập tức người bệnh được chỉ định phẫu thuật. Sau hơn 2 giờ can thiệp bằng phương pháp tái thông dòng máu ở động mạch vành và đặt stent, người bệnh qua cơn nguy kịch.

Nghiêm trọng hơn, ông T. V. N, 76 tuổi, ở phường Hạ Lý (quận Hồng Bàng) nhập viện trong tình trạng mệt nhiều, đau ngực, khó thở, không những thế, ông còn có tiền sử xơ gan mất bù, nhồi máu cơ tim cấp và suy thận cấp. Gia đình rất lo lắng bởi ông mắc cùng lúc nhiều bệnh lý, lại là bệnh nặng nên cơ hội sống khá “mong manh”. Nhưng sau khi được các bác sĩ can thiệp phẫu thuật, sức khỏe người bệnh ổn định và đang dần hồi phục.

Bác sĩ Vương Đình Cường, Trưởng Khoa tim mạch (Bệnh viện Việt – Tiệp) cho biết: Đây chỉ là 2 trong số hàng chục ca được các y, bác sĩ bệnh viện can thiệp tim mạch tại Khoa tim mạch những ngày vừa qua. Có những ngày các bác sĩ phải thực hiện phẫu thuật đến 4 trường hợp. Đối với người cao tuổi trong thời điểm lạnh, nhiệt độ thay đổi thất thường, lưu lượng máu qua não rất thấp, chức năng cơ thể suy yếu nên khó thích nghi với những thay đổi của thời tiết, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi mạch vành bị tắc nghẽn bởi cục máu đông hay mảng xơ vữa tích tụ, làm tổn thương tắc nghẽn sự lưu thông dòng máu nuôi dưỡng cơ tim, gây ra tình trạng đau thắt ngực. Hậu quả của nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào độ rộng của vùng nhồi máu, vùng cơ tim bị thiếu máu càng nhiều thì chức năng của tim càng giảm mạnh, dễ dẫn đến nguy cơ tử vong. “Thời gian vàngđể người bệnh bị nhồi máu cơ tim được can thiệp cấp cứu kịp thời từ 30 phút đến một giờ. Người bệnh đến bệnh viện càng sớm, khả năng hồi phục và cứu sống càng cao, nhất là việc mở thông đoạn mạch bị tắc.

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng kiểm tra huyết áp người cao tuổi tại xã Đại Thắng (huyện Tiên Lãng).

Do đó, những gia đình có người cao tuổi, nhiều bệnh lý kèm theo, trong thời tiết này cần hết sức chú ý các dấu hiệu, triệu chứng của các bệnh lý tim mạch như: tức nặng ngực, đau ở ngực, khó thở, đổ mồ hôi lạnh, buồn nôn, choáng váng, hay chóng mặt đột ngột, nhịp tim nhanh… . Khi phát hiện cần đưa ngay đến cơ sở y tế để kịp thời điều trị, giảm thiếu nguy hiểm.

Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ

Phó giám đốc Bệnh viện Kiến An Tăng Xuân Khoa cho biết: Kiểm soát huyết áp là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh tim mạch. Bởi ở người cao tuổi, huyết áp thường không quá 140/90mmHg, khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột, các mạch máu trong cơ thể bị co thắt lại, huyết áp tăng lên, ngoài ra, mức huyết áp có thể tăng vọt khi đột ngột ra ngoài trời lạnh hoặc khi tắm rửa. Đối với người có bệnh mạch vành, khi trời lạnh nhu cầu ôxi cho cơ tim tăng hơn, vì thế cũng có nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp. Do đó, người bị bệnh tăng huyết áp cần nhớ đo, kiểm tra huyết áp hằng ngày, uống thuốc đầy đủ. Thuốc tăng huyết áp cần được uống liên tục, suốt đời và theo chỉ dẫn của bác sĩ. Người bệnh không nên dừng thuốc đột ngột bởi nếu dừng thuốc điều trị huyết áp sẽ tăng trở lại như trước, thậm chí còn cao hơn dẫn đến biến chứng nhồi máu cơ tim. Tăng huyết áp lâu ngày làm cơ tim phì đại, suy tim…

Yếu tố khác khiến tim mạch dễ tổn thương trong mùa lạnh là nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới như: viêm phổi, viêm phế quản, viêm họng… từ đó gây khó thở, làm khởi phát các đợt suy tim cấp. Vì vậy, người cao tuổi có bệnh lý tim mạch, bệnh mạn tính cần giữ cơ thể ấm áp, tránh ra ngoài trời trong thời tiết lạnh. Nếu ra ngoài, cần chú ý giữ ấm cổ, quàng khăn, đeo khẩu trang, mũ… để tránh gió lạnh.

Các bác sĩ khuyến cáo: Để bảo vệ tim mạch trong mùa lạnh, mọi người cần hết sức lưu ý không nên làm việc nặng trong vòng 30 phút thức dậy bởi nhiều cơn đau tim thường xảy ra buổi sáng, cần có sự thích nghi từ từ; vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh bị bội nhiễm các bệnh đường hô hấp; duy trì dinh dưỡng phù hợp và tránh tình trạng mất nước, hãy uống cả khi không khát bởi người cao tuổi việc dự trữ nước thấp hơn người trẻ…/.

Hoàng Xuân

Nguồn tin: Báo Hải Phòng

Tin khác

Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu thông báo tìm chủ sở hữu

Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu (gọi tắt là Cảng Hoàng Diệu) thông báo…

23/12/2024

Mức hỗ trợ di dời khẩn cấp với hộ dân chung cư cũ Hải Phòng

HĐND TP Hải Phòng vừa ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ…

22/12/2024

Triển lãm “Vang mãi khúc quân hành” diễn ra đến hết ngày 27/12/2024

Từ ngày 20/12 đến hết ngày 27/12/2024, tại Nhà trưng bày Triển lãm-Trung tâm Thông…

22/12/2024

Lễ công bố thương hiệu Ngôi Sao Hà Nội tại Hải Phòng

Sáng 22/12, tại trường Liên cấp Alpha, quận Dương Kinh, Tập đoàn Giáo dục EQuest…

22/12/2024

Hải Phòng: Bất động sản Thủy Nguyên đếm ngược ngày “thăng hoa”

Thị trường bất động sản Thủy Nguyên (Hải Phòng) đang ngày càng sôi động, nhất…

22/12/2024

Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị

Đến nay, Bộ Nội vụ cơ bản hoàn thành toàn bộ các báo cáo, đề…

21/12/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More