Luật Viễn thông 2023 (Số 24/2023/QH15) được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 ( trừ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 72). Luật này gồm 10 chương, 73 điều, quy định về hoạt động viễn thông; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông. Điều 23 của Luật này giúp các tổ chức và cá nhân hiểu rõ hơn trong trường hợp nào thì doanh nghiệp viễn thông được ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông. Cụ thể, Điều 23 quy định như sau:
1. Doanh nghiệp viễn thông chỉ được ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có phương án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và của các bên có liên quan;
b) Đã thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông.
2. Doanh nghiệp viễn thông nắm giữ phương tiện thiết yếu, doanh nghiệp viễn thông hoặc nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với thị trường dịch vụ viễn thông Nhà nước quản lý, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích chỉ được ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ các dịch vụ viễn thông trực tiếp liên quan đến phương tiện thiết yếu, dịch vụ viễn thông thống lĩnh thị trường, dịch vụ viễn thông công ích nếu đáp ứng các điều kiện sau đây và được Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận bằng văn bản:
a) Có phương án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và của các bên có liên quan;
b) Trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông mà không chấm dứt hoạt động thì phải bảo đảm cung cấp cho người sử dụng dịch vụ viễn thông các dịch vụ viễn thông thay thế, chuyển người sử dụng dịch vụ sang sử dụng dịch vụ viễn thông tương ứng của doanh nghiệp viễn thông khác hoặc thỏa thuận bồi thường cho người sử dụng dịch vụ;
c) Trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ do chấm dứt hoạt động thì phải có biện pháp bảo đảm tiếp tục duy trì việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho người sử dụng trong phương án tổ chức lại hoặc phương án phá sản, giải thể doanh nghiệp.
3. Trường hợp ngừng kinh doanh dịch vụ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do doanh nghiệp vi phạm pháp luật, doanh nghiệp phải có phương án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông theo hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông đã giao kết và phương án khắc phục vi phạm, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông bằng văn bản.
4. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thủ tục ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông.
Đó là những quy định mà các doanh nghiệp cần nắm rõ khi có kế hoạch ngừng kinh doanh một phần hoặc toàn bộ dịch vụ viễn thông. Luật Viễn thông 2023 (Số 24/2023/QH15) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.