Với những thông tin quý giá mà chị Nga cung cấp cùng các hồ sơ tài liệu lưu trữ hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I liên quan đến lịch sử hình thành phát triển của Trường Bonnal- tiền thân của Trường PTTH Ngô Quyền ngày nay, chúng tôi viết bài này mong muốn cung cấp cho độc giả thông tin về một ngôi trường cổ dành cho con em người Việt ở Hải Phòng thời Pháp thuộc và để giải thích phần nào tên gọi gắn liền với dòng kênh Bonnal trong sự hình thành và phát triển của thành phố hoa phượng đỏ.
Như chúng ta đã biết, năm 1874, nhà Nguyễn đã ký hiệp ước Giáp Tuất nhượng đất Hải Phòng cho Pháp. Các thương gia Pháp kéo đến lập nghiệp trên nhượng địa bến Ninh Hải, hình nên một đô thị sầm uất từ đó. 11 năm sau- năm 1885, Bonnal được cử làm Công sứ Hải Phòng, ông đã cho đào một con kênh ở phía Nam nối từ sông Tam Bạc vòng ra tới sông Cấm- gọi là kênh Bonnal. Kênh Bonnal với sông Tam Bạc và sông Cấm đã ôm trọn một dải đất hình cái rìu mà chỉ 10 năm sau đó phát triển thành khu phố Pháp- hạt nhân ban đầu của Hải Phòng ngày nay. Kênh Bonnal nằm giữa “khu người Âu” và “khu bản xứ”. Hai bên kênh là đại lộ Bonnal (phố Nguyễn Đức Cảnh và phố Trần Phú ngày nay) và đại lộ Chavassieux (phố Trần Hưng Đạo và phố Quang Trung). Nhưng đến năm 1902, Toàn quyền Đông Dương đã ra lệnh lấp một phần kênh này để mở rộng thành phố(1) , đoạn kênh còn lại đổi tên thành sông Lấp.
Hải Phòng được Chính quyền Pháp xây dựng thành một cảng quốc tế, cửa ngõ của cả miền Bắc Đông Dương mở ra biển Đông. Để phục vụ cho việc khai thác, chính quyền Pháp không thể không phát triển giáo dục đến một mức độ nhất định nhằm đào tạo những người thừa hành cho bộ máy cai trị của mình và Trường tiểu học Bonnal- tiền thân của Trường THPT Ngô Quyền được ra đời trong hoàn cảnh này. Trường tiểu học Bonnal là trường dành cho con em người Việt. Ngay từ năm 1909, Chính quyền Bảo hộ đã yêu cầu Ban Nhà cửa dân sự cung cấp các bản vẽ thi công công trình này nhưng do ngân sách hạn hẹp nên chỉ có một số hạng mục nhỏ được thi công (2) và trường phải thuê địa điểm tại số 3 phố Jean Dupuis với hợp đồng thuê theo năm 4200 phờ răng/năm(3).
Với số dân cư bản địa ngày một tăng và hơn nữa ngôi nhà mà Trường thuê sẽ đổi chủ sở hữu, Trường có nguy cơ không có chỗ học kể từ ngày 01/01/1920 nên Thống sứ Bắc Kỳ đã yêu cầu Chánh Sở Công chính Bắc Kỳ tiến hành xây ngay công trình trường tiểu học Bonnal trên khu đất dân sự nằm ven đai lộ Bonnal và trên khu đất này đã có một ngôi trường làng do thành phố mở đó chính là ngôi trường làng Vẻn. Ngôi trường sẽ được thi công theo mô hình các trường tiểu học Pháp- Việt ở Bắc Kỳ. (4)
Khuôn viên của trường là một khu đất vuông vắn. Phía Bắc giáp đại lộ Bonnal (nay là phố Nguyễn Đức Cảnh), phía Đông giáp phố Metz (nay là Mê Linh), phía Nam giáp ngõ Hoa Khai, phía Tây giáp Trường đạo Saint Joseph. Cổng trường quay ra phố Metz (Mê Linh)(5). Tại thời điểm đó, Trường tiểu học Bonnal là trường tiểu học chưa toàn cấp, chỉ có từ lớp Đồng ấu đến lớp Nhì. Năm 1919-1920, mới có lớp Nhất.(6)
Từ năm 1920-1921, Trường bắt đầu có lớp đệ nhất niên bậc Cao đẳng tiểu học gọi là lớp thành chung của Hải Phòng (cours complémentaire)(7). Sau đó, mỗi năm tăng thêm một lớp cho đến khi đủ 4 lớp bậc Cao đẳng tiểu học từ đệ nhất đến đệ tứ niên.
Trường Bonnal được xây dựng đến năm 1925 có 13 phòng học, gồm dãy nhà một tầng phía trái từ cổng vào có 5 phòng và một dãy nhà hai tầng ở chính giữa có 8 phòng(8).
Năm 1926-1927, xây thêm dãy nhà một tầng phía tay phải, đối xứng với dãy nhà một tầng cũ. Dãy nhà hai tầng và dãy nhà một tầng bên trái dành cho 12 lớp bậc tiểu học. Dãy nhà bên phải dành cho các lớp cao đẳng từ đệ Nhất đến đệ Tứ và một phòng thí nghiệm. Cổng chính dành cho học sinh tiểu học, cổng phụ quay ra đại lộ Bonnal dành cho học sinh trung học. Học sinh tốt nghiệp bậc tiểu học, muốn học lên các lớp thành chung thì phải dự kỳ thi chuyển cấp. Đây là trường cao đẳng tiểu học chung cho các các tỉnh miền duyên hải(9).
Có thể nói, Trường Phổ thông trung học Ngô Quyền là một trong những trường có lịch sử lâu đời của ngành giáo dục Hải Phòng nói riêng và giáo dục cả nước nói chung. Hơn 100 năm qua, nhiều thế hệ học trò trưởng thành làm rạng danh mái trường Bonnal xưa như: cố Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh, nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Thế Lữ, nhà văn- nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Giáo sư Nguyễn Lân,….
Đã hơn một thế kỷ trôi qua nhưng nhắc đến Trường Bonnal- Ngô Quyền, người Hải Phòng lại được sống lại với những kỷ niệm về dòng sông Bonnal- dòng sông Lấp, dòng sông gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố Hải Phòng.
NGUYỄN THU HẰNG
Tài liệu tham khảo:
1. Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hồ sơ 6836
2. Kiến trúc, hộp 317, hồ sơ 1
3. Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, hồ sơ 59126
4. Phông Khu Công chính Bắc Kỳ, hồ sơ 919
5. Kiến trúc, hộp 317, hồ sơ 1
6. Kỷ yếu 85 năm của Trường PTTH Ngô Quyền, Hải Phòng
7. Công báo Đông Dương, J1103, trang 1531-1532, 1751-1752
8. Kiến trúc, hộp 317, hồ sơ 4
9. Kỷ yếu 85 năm của Trường PTTH Ngô Quyền, Hải Phòng
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More