Print Chủ Nhật, 16/07/2023 10:30 Gốc

Thương mại điện tử đang là “mảnh đất” màu mỡ, khiến nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc. Thậm chí nhiều đối tượng kinh doanh còn trả phí cho Facebook, Google… để quảng cáo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Lạc vào mê cung

Gần đây, dịch vụ thương mại điện tử có sự tăng trưởng bứt phá, đặc biệt nhờ “xúc tác” từ dịch bệnh Covid-19. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2022, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Giá trị mua sắm trung bình của một người tiêu dùng trực tuyến đạt khoảng 288 USD.

Với 75% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có 74,8% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Quần áo, giày dép, mỹ phẩm; thiết bị đồ dùng gia đình; đồ công nghệ và điện tử; sách, hoa, quà tặng và thực phẩm… là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất.

Hàng giả, hàng nhái tung hoàng trên các sàn thương mại điện tử.

Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đương nhiên kéo theo những “mặt trái” khi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang “tung hoành” ngày một nhiều trên không gian mạng.

Đơn cử, chỉ cần gõ cụm từ tìm kiếm “túi xách” trên các sàn thương mại nổi tiếng Shoppee, Tiki hay Lazada,… sẽ cho ra hàng nghìn kết quả với nhiều mẫu mã và giá cả khác nhau, trong đó có vô vàn sản phẩm là sản phẩm nhái thương hiệu. Có những sản phẩm được làm với mẫu mã, kiểu dáng không khác gì hàng chính hãng… và thậm chí còn được “trang bị” những giấy tờ, mã vạch để kiểm tra…

Điều rất dễ nhận ra là không ít sản phẩm gắn mác các thương hiệu lớn như Gucci, Chanel… nhưng lại chỉ được bán với giá bán siêu rẻ. Khi khách hàng muốn tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ của những mặt hàng này, hầu hết chỉ nhận được câu trả lời chung chung của người bán như “hàng Quảng Châu“, “hàng hãng tuồn“… chứ không hề có bất kỳ giấy tờ liên quan. Điều này khiến khách hàng không khác gì lạc vào mê cung…

Chị Đặng Thị Ánh V. (nhà ở Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) cho biết: “3 lần gần nhất tôi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử có tiếng thì đều mua lấy bực mình vì chất lượng hàng hóa không như mong muốn. Cả 3 lần, tôi đều phản hồi lại cho người bán và sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ, nhưng đều không có bất kỳ hồi âm nào”.

Hàng giả, hàng nhái tung hoàng trên các sàn thương mại điện tử.

Muôn kiểu “luồn lách”

Cũng theo thống kê từ Bộ Công thương, năm 2022, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phát hiện và gỡ bỏ gần 2.000 gian hàng trên mạng với gần 6.500 sản phẩm vi phạm, chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đáng nói, đám đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử sẽ đăng bán các sản phẩm có mức giá rẻ hơn giá niêm yết từ 3-4 lần kèm thêm thông tin như “giảm giá sốc“, “thanh lý xả kho“. Hình ảnh và thông tin sản phẩm được đưa lên là thật nhưng lại giao hàng giả, hàng nhái, khiến người tiêu dùng khó nhận biết được hàng hóa thật-giả.

Bên cạnh đó, kẻ lừa đảo có thể khởi tạo gian hàng trên các sàn thương mại điện tử và chỉ chạy trong một đợt, sau đó có những chương trình giảm giá đặc biệt như giá 1.000 đồng, giá 0 đồng… Khi hết chương trình, chúng đóng gian hàng và cũng biến mất luôn.

Không chỉ lừa đảo người mua, các đối tượng trên còn lợi dụng lừa đảo cả đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng như sàn thương mại điện tử và đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát hàng hóa.

Hiện nay, các sàn thương mại điện tử khi đăng ký website với Bộ Công Thương đều phải có chứng minh thư/căn cước công dân hoặc mã số thuế. Tuy nhiên, số lượng người bán lẻ trên sàn thương mại điện tử sử dụng chứng minh thư/căn cước công dân giả rất nhiều.

Thêm một phương thức khác, đối tượng lừa mở shop bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử, sau khi nhận đơn hàng từ khách hàng sẽ đặt đơn ở trạng thái treo hoặc hủy đơn hàng. Do đã có thông tin khách hàng, nên các đối tượng này sẽ tráo hàng, thay đổi hàng thật bằng các mặt hàng giả, hàng nhái hoặc vật phẩm không có giá trị.

Các đối tượng sẽ tạo đơn vận chuyển đến người mua, thông qua các công ty logistics và hẹn giờ trả hàng vào khung giờ nhập nhoạng tối khiến khách hàng khó nhận diện hàng giả, hàng nhái hoặc trả hàng vào giờ cao điểm, khách chỉ có thể nhận hàng và thanh toán vội vàng. Bằng cách này, người mua khi phát hiện cũng khó có thể liên hệ với các sàn thương mại điện tử để xử lý.

Rao bán hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử là một vấn đề nhức nhối, không chỉ ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, thương hiệu, lợi ích của doanh nghiệp, gây thất thu thuế của nhà nước mà còn trực tiếp xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

Mới thấy, “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử có sự chuyển biến căn bản, ngoài sự quyết liệt, phối kết hợp giữa các ngành chức năng còn cần tới chính ý thức của người tiêu dùng.

Người dân khi sử dụng các sàn thương mại điện tử để mua sắm cần tránh tâm lý ưu tiên, ham mua hàng giá rẻ để tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo, đồng thời bỏ túi những “bí quyết” căn bản như: Chọn hàng do sàn thương mại điện tử hoặc cửa hàng chính hãng phân phối; kiểm tra kỹ thông tin, độ tin cậy nhà bán hàng và các đánh giá sản phẩm; so sánh giá bán qua các công cụ; theo dõi quá trình vận đơn; quay video quá trình mở hàng.

CẨM TÚ

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nghìn lẻ… cách lừa đảo rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác