Print Thứ năm, 13/04/2023 09:35 Gốc

Tình trạng nghiện game online (hay còn gọi là trò chơi điện tử trực tuyến) trong giới trẻ đang ngày càng nghiêm trọng khiến nhiều gia đình lo lắng và ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Nhiều vụ việc đáng tiếc, thậm chí đau lòng xuất phát từ nghiện game online đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác hại, hệ lụy khôn lường không chỉ với gia đình, mà cả xã hội.

Tiến sĩ, bác sĩ ĐÀM ĐỨC THẮNG, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng trao đổi với phóng viên Báo Hải Phòng về những giải pháp cần lưu tâm trong xử lý vấn nạn nghiện game online hiện nay dưới góc độ y tế.

Thời gian qua, có nhiều người nghiện game online đến khám và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng. Đề nghị bác sĩ cho biết, có phải nghiện game online cũng là một dạng bệnh lý cần được điều trị?

Nghiện game online hay nghiện game nói chung là một bệnh lý về rối loạn hành vi. Với các yếu tố như: có triệu chứng, có nguyên nhân gây bệnh, có tiêu chuẩn chẩn đoán, có phương pháp và kết quả điều trị, nghiện game đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận là bệnh và xếp vào danh mục bệnh cần điều trị của chuyên khoa tâm thần.

Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng khám và điều trị người bệnh nghiện game. Ảnh: Minh Trí.

Nhiều người coi game online là hình thức giải trí. Vậy ranh giới giữa “sở thích” và “nghiện”, giữa “hoạt động giải trí” và “một loại bệnh” được phân biệt như thế nào?

Chơi giải trí là chơi có kiểm soát, dành thời gian vừa đủ để chơi và biết kiểm soát hành vi. Còn nghiện game có những biểu hiện sau: Thứ nhất, chơi một cách quá mức, không biết gì khác ngoài game; thứ hai là độ dung nạp càng ngày càng tăng, thời gian chơi có thể từ 12 đến 20 tiếng/ ngày, không có thời gian để ngủ; thứ ba là nghiện hành vi, biết hại nhưng vẫn chơi, gây ra những rối loạn về mặt tâm thần, có thể xuất hiện những triệu chứng mất ngủ, mệt mỏi, buồn chán, không có hứng thú gì khác ngoài chơi game, thậm chí có những ảo giác, hoang tưởng, dẫn đến gây ra những hành vi nguy hiểm. Tôi từng gặp trường hợp rối loạn tâm thần rất cao, như sau khi bị thất bại trong một trận game, người chơi tự sát bằng cách đốt xe máy và ngồi lên xe máy đó… Lúc đó, người bệnh sống trong thế giới ảo và không quan tâm tới thế giới thực tại.

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lý nghiện game online có thể gây ra những hệ luỵ gì?

Trước hết, nghiện game sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần. Người bệnh không quan tâm, thích thú tới thứ gì khác ngoài chơi game, dẫn đến bỏ bê học hành, lao động và có những rối loạn tâm thần. Nếu kéo dài sẽ khiến người bệnh khó hồi phục. Ngoài ra, chơi game nhiều còn ảnh hưởng tới thị lực, tới cột sống, nhất là dinh dưỡng. Người nghiện game hay bị rối loạn giấc ngủ, gầy sút cân rất nhanh, thậm chí không quan tâm tới vệ sinh cá nhân, hình thức bên ngoài. Ở góc độ xã hội, nghiện game sẽ gây rối loạn trật tự xã hội. Có nhiều trường hợp, do sống trong thế giới ảo nhiều dẫn tới có những hành vi chống đối tiêu cực. Chưa kể hiện nay có nhiều loại hình game nguy hiểm như cờ bạc, game không lành mạnh như game sex gây ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục và cả giới tính. Bệnh lý này cần được can thiệp, điều trị sớm, càng sớm càng tốt.

Bác sĩ có thể chia sẻ quy trình điều trị người bệnh nghiện game tại Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng?

Quy trình dành cho người bệnh nghiện game đến khám, điều trị, nhập viện gồm có: Thời gian điều trị tại bệnh viện là 4 tuần, sau đó điều trị ngoại trú 8 tuần. Khi áp dụng thực tế sẽ tùy theo tính chất, mức độ của bệnh để điều chỉnh, có thể rút ngắn thời gian nội trú để dành nhiều thời gian ngoại trú hơn. Trong điều trị nghiện game, chúng tôi sẽ dùng phương pháp sử dụng thuốc an thần kinh, thuốc chống trầm cảm để điều trị các rối loạn tâm thần, sau đó kết hợp các liệu pháp tâm lý.

Cần thực hiện những giải pháp gì để việc điều trị bệnh nghiện game đạt được hiệu quả cao nhất và ngăn chặn nguy cơ tái nghiện?

Điều trị nghiện game cũng khó như điều trị nghiện ma túy. Điều trị tại bệnh viện là điều trị cắt cơn nghiện, còn điều trị chống tái nghiện là một quá trình lâu dài. Quá trình này thành công được hay không, cần có sự tham gia của cả người bệnh, gia đình và xã hội. Với bản thân người nghiện game, phải được điều trị cắt cơn nghiện, xóa bỏ những rối loạn tâm thần và sau đó điều trị duy trì bằng thuốc chống trầm cảm. Quá trình này giúp người nghiện game trở lại vui vẻ, hoạt bát, sinh hoạt bình thường và không còn cảm giác thèm nhớ game. Còn với gia đình, cần hiểu về bệnh nghiện game, những nguyên nhân và nguy cơ của nghiện game để phối hợp trong điều trị. Điều trị nghiện game không chỉ dừng lại ở 4 hay 8 tuần, mà sau khi dùng thuốc cần điều trị về tâm lý, hướng người nghiện tới những hoạt động giải trí lành mạnh khác, như chơi thể thao, đọc sách… để giúp họ thay đổi hành vi, tập trung vào các hành vi tốt, tích cực, sống cống hiến cho bản thân và xã hội.

Bác sĩ có lời khuyên gì dành cho các bậc gia đình khi có con em nghiện game online?

Quan trọng nhất, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm tới con. Khi phát hiện con có biểu hiện rối loạn do nghiện game, nên đưa con gặp các bác sĩ chuyên khoa tâm thần sớm. Trong tình huống con nghiện game, bị rối loạn tâm thần, càng không nên xa lánh hay kỳ thị bởi người nghiện game là người mắc bệnh về tâm thần, cần được điều trị. Hãy luôn nhớ rằng, bệnh này hoàn toàn điều trị được. Sau điều trị, người bệnh có thể trở lại lao động, làm việc bình thường.

Trân trọng cảm ơn bác sĩ.

Việt Nga (thực hiện)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nghiện game online: Bệnh lý cần được can thiệp, điều trị sớm
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác