Theo cử tri Hải Phòng, trong thời gian tới khi cảng nước sâu Lạch Huyện tiếp tục đầu tư mở rộng, khu Đình Vũ-Cát Hải có thêm các nhà máy công nghiệp và lượng du khách đến đảo Cát Bà bằng đường bộ ngày càng tăng thì cầu Tân Vũ-Lạch Huyện sẽ không đáp ứng được yêu cầu, gây nguy cơ mất an toàn giao thông.
Do đó, cử tri đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm xây dựng cầu Tân Vũ-Lạch Huyện 2 cũng như tuyến đường sắt kết nối cảng Lạch Huyện đến Thủ đô Hà Nội.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện cầu Tân Vũ-Lạch Huyện 2 đã được UBND TP. Hải Phòng dự kiến bổ sung vào Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để báo cáo Chính phủ.
Do cầu Tân Vũ-Lạch Huyện 2 thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của Hải Phòng nên khi được Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch, thành phố sẽ triển khai lập chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án làm cơ sở triển khai đầu tư.
Ngoài ra, theo quy hoạch, trong khu vực có tuyến đường sắt vận chuyển hàng hóa từ Đình Vũ đến cảng Lạch Huyện. Vì vậy, việc tính toán đầu tư công trình cần dựa trên quy hoạch quốc gia và quy hoạch địa phương.
Về xây dựng tuyến đường sắt kết nối Hà Nội với cảng Lạch Huyện, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, quy hoạch mạng đường sắt quốc gia đã có quy hoạch tuyến đường sắt này, với lộ trình đầu tư sau năm 2020. Thời điểm cụ thể đầu tư được xác định tùy theo khả năng huy động nguồn lực.
Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn để sớm đầu tư tuyến đường sắt kết nối Hà Nội-Hải Phòng.
Cũng liên quan đến đầu tư dự án giao thông, Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai về việc đẩy nhanh tiến độ mở rộng tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Nai-Lâm Đồng.
Đối với kiến nghị mở rộng tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, để phục vụ cho giao thông kết nối Cảng Hàng không quốc tế Long Thành nói riêng và phát triển kinh tế vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng công ty Cửu Long nghiên cứu việc mở rộng tuyến cao tốc này.
Theo kết quả nghiên cứu của tư vấn, đến 2025 cần mở rộng lên 8 làn xe đối với đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Long Thành.
Các đoạn còn lại với quy mô 4 làn xe như hiện nay vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu phục vụ của tuyến đường trong tương lai, đến năm 2035 mới cần xem xét mở rộng.
Bộ Giao thông Vận tải đang giao tư vấn nghiên cứu các phương án mở rộng để báo cáo cấp có thẩm quyền, xem xét quyết định đầu tư dự án.
Về kiến nghị đẩy nhanh tiến độ tuyến cao tốc Đồng Nai-Lâm Đồng, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tuyến cao tốc này có ba dự án thành phần gồm: các đoạn Dầu Giây-Tân Phú, Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương.
Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban quản lý dự án Thăng Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án: Dầu Giây-Tân Phú, Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công và dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
“Sau khi các dự án được nghiên cứu cụ thể về hình thức đầu tư và bố trí được nguồn vốn, Bộ Giao thông Vận tải sẽ triển khai thủ tục đầu tư dự án theo quy định hiện hành”, Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ./.
Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Chiều 20/12, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết và…
Ngày 17/12, tại thành phố Hồ Chí Minh, hơn 1000 đối tác, doanh nghiệp, khách…
Sáng 19/12, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ…
Sáng 19/12, theo thông tin từ UBND huyện An Dương, qua rà soát, đánh giá…
Sáng 19-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân…
Ngày 18/12, Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện nghị quyết 18 của Chính…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More