Ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan
Ở cuối đường Phương Khê (phường Đồng Hòa, quận Kiến An), một số ngôi mộ nằm lẫn trong vườn nhà, chung quanh là những căn nhà xây kiên cố. Theo người dân ở đây, trước đây khu mộ được xây dựng với tường bao, cổng vào cẩn thận, nằm tách biệt với khu dân cư. Khoảng 15-20 năm trở lại đây, nhà xây dựng lấn dần ra nên nhà ở của người dân nằm xen kẽ với mộ. Tương tự tại khu vực cuối đường Vũ Chí Thắng (quận Lê Chân) lối thông với ngõ 213 đường Thiên Lôi, có khu với hàng chục ngôi mộ nằm xen lẫn trong khu dân cư. Bà Đỗ Thị Diệp ở đường Hoàng Minh Thảo (quận Lê Chân) cho biết: “Hằng ngày đi qua khu vực cuối đường Vũ Chí Thắng về phía chợ Đôn, dễ dàng bắt gặp những khu mộ nằm ngay sát khu dân cư mới. Tại đây, nhiều người tận dụng diện tích trồng rau, thậm chí, một số hộ kinh doanh vật liệu chiếm dụng làm bãi tập kết phế liệu, đổ cả rác thải”. Khu nghĩa địa cũ không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, mà an ninh trật tự cũng không bảo đảm.
Hiện tại một số khu vực như các đường: Miếu Hai Xã, Chùa Hàng, Đình Đông, Chợ Hàng, Trại Lẻ (quận Lê Chân), khu 193 phố Văn Cao (quận Ngô Quyền)… cũng có các khu nghĩa trang với nhiều ngôi mộ nhỏ lẻ xen lẫn trong khu dân cư. Với tốc độ đô thị hóa và phát triển rất nhanh, các khu dân cư được “thay da, đổi thịt” từng ngày, trở thành những khu vực, cơ sở hạ tầng được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ. Các nghĩa trang với hàng nghìn ngôi mộ nằm xen lẫn, lọt thỏm trong các khu dân cư này, thiếu người chăm sóc, quét dọn, hệ thống thoát nước tạm bợ… trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Điều này không chỉ làm xấu bộ mặt đô thị, mà người dân ở chung quanh phải sống chung với ô nhiễm, đời sống, tinh thần bị ảnh hưởng, đặc biệt đối với trẻ em.
Rà soát phù hợp quy hoạch
Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Kiến An Nguyễn Đình Thịnh cho biết hiện nay, trên địa bàn có một số nghĩa trang như: nghĩa trang Công Nông (phường Văn Đẩu), Cựu Viên (phường Bắc Sơn), Kha Lâm (phường Nam Sơn), Đường Thư, Quán Trữ, Đường Xà (phường Đồng Hòa)… Ngoài ra, còn có một số nghĩa trang nhỏ lẻ, tự phát trong khu dân cư được hình thành từ lâu. Căn cứ Quyết định 1337/QĐ-UBND đồ án quy hoạch phân khu quản lý theo đồ án 1/2000 quận Kiến An, diện tích đất nghĩa trang được quy hoạch của quận là 25,46 ha. Trong đó, chỉ có nghĩa trang Công Nông được quy hoạch mở rộng, đáp ứng nhu cầu an táng trên địa bàn đến năm 2025. Các nghĩa trang còn lại giữ nguyên quy mô và quy hoạch thêm diện tích cây xanh. Đối với các nghĩa trang rải rác trong khu dân cư, không phát triển thêm và từng bước di chuyển về nghĩa trang tập trung của thành phố tại Phi Liệt. Song đến nay, rất ít nghĩa trang nằm xen kẽ trong khu dân cư được người dân chủ động, tự giác di dời. Nguyên nhân một phần do lịch sử để lại, nhiều phần mộ khó xác định được thân nhân. Cộng với tâm lý “mồ yên, mả đẹp“, nên nhiều người dân không muốn di chuyển mộ ở xen kẽ trong khu dân cư về các nơi tập trung.
Đây cũng là thực trạng diễn ra tại nhiều quận khác. Những năm qua, hầu hết các khu nghĩa trang cũ được giải tỏa, di dời đều nằm trong các dự án phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng giao thông… Đối với các khu nghĩa trang không có quyết định thu hồi, người dân tự giải tỏa sẽ không được hỗ trợ, đền bù, nên số lượng được di dời chưa nhiều và tiến độ chậm.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, hiện nay, việc xác định các nghĩa trang cần di chuyển được thể hiện cụ thể trong đồ án quy hoạch theo từng giai đoạn 5 năm và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch xây dựng, kế hoạch sử dụng đất của địa phương được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vốn dành cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng, di chuyển nghĩa trang và các phần mộ riêng lẻ để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nào thì được tính trong tổng mức đầu tư của các dự án đó.
Đối với các phần mộ riêng lẻ trong khu dân cư, Sở yêu cầu các địa phương rà soát cụ thể từng nghĩa trang ở các khu vực, xem xét có phù hợp với quy hoạch hay không. Từ đó tăng cường công tác quản lý, đóng cửa các nghĩa trang không bảo đảm các điều kiện, kiên quyết ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Đối với các phần mộ không rõ thân nhân tại các khu riêng lẻ, yêu cầu các quận chỉ đạo UBND cấp phường điều tra tìm hiểu, xác định lại thông tin về thân nhân và lập kế hoạch di dời các phần mộ này vào các nghĩa trang được quy hoạch và xây dựng theo quy định.
Tuy nhiên, hiện nay, đối với khu nghĩa trang người dân tự giải tỏa, không có quyết định thu hồi thì không được hỗ trợ, đền bù. Nhà nước cũng chưa có quy định hỗ trợ cho việc cải táng. Vì vậy để đẩy nhanh tiến độ di dời, giải tỏa nghĩa địa cũ nằm xen kẽ trong khu dân cư, không bảo đảm các điều kiện vệ sinh, cần có chính sách huy động nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ người dân tự giác tổ chức di dời. Đồng thời tạo điều kiện cho phép chuyển đổi mục đích, sử dụng đất sau khi di dời, nhằm bảo đảm môi trường sống, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị./.
Thanh Vân. Ảnh: Trung Kiên
Thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một…
Để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng…
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay (8/1),…
Từ năm 2025 sẽ có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm:…
Tối 7/1, Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam thành phố tổ chức chương…
Tại tòa, bị cáo Lê Thanh Vân nói thấy doanh nghiệp khó khăn là giúp,…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More