Print Thứ tư, 22/07/2020 15:03 Gốc

Phát triển năng lượng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả năng lượng tái tạo, năng lượng mới; từng bước hình thành thị trường năng lượng, khuyến khích tư nhân tham gia… là những quan điểm có tính đột phá tại Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngành năng lượng cần “chiếc áo mới”

Sau 15 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW ngày 24/10/2003 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh.

Phát triển năng lượng sạch là hướng đi tất yếu.

Tuy nhiên, tình hình đã và đang đặt ra những yêu cầu mới cao hơn, “chiếc áo” năng lượng như Kết luận số 26 và Nghị quyết số 18 nay đã chật. Thực tế đòi hỏi “chiếc áo” mới đáp ứng tình hình phát triển không chỉ riêng cho lĩnh vực năng lượng nói riêng mà là cả kinh tế – xã hội của Việt Nam nói chung. Phát triển năng lượng giờ đây còn gắn bó chặt chẽ với hoạt động chính trị – ngoại giao, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.

Kế thừa các quan điểm và tầm nhìn xuyên suốt, đúng đắn trong phát triển năng lượng của Đảng, Nghị quyết số 55 được Bộ Chính trị ban hành với các điểm mới phù hợp với bối cảnh, tình hình và yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Cụ thể, Nghị quyết số 55 với quan điểm coi bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, là tiền đề phát triển kinh tế – xã hội, ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và mang tầm nhìn dài hạn.

Phân tích rõ hơn về quan điểm đưa năng lượng quốc gia phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế nêu tại Nghị quyết số 55, ông Nguyễn Văn Bình – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương – nhấn mạnh đến 2 trong số 5 quan điểm có ý nghĩa then chốt. Thứ nhất, bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, vừa là tiền đề, vừa là động lực phát triển kinh tế – xã hội. Ưu tiên phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng an ninh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, và là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Thứ hai, phát triển năng lượng quốc gia phải phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế. Nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch với nhiều hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng. Khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh thiếu bình đẳng, minh bạch trong ngành năng lượng.

Không có tư nhân, không thể phát triển ngành năng lượng

Ông Nguyễn Văn Bình khẳng định: Không có tư nhân, không thể phát triển ngành năng lượng nhanh được; không có nhà nước thì không thể thực hiện được an ninh năng lượng và tiến bộ, công bằng xã hội. Chúng ta phải phối hợp hết sức nhuần nhuyễn những vấn đề trên trong phát triển năng lượng.

Với nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về năng lượng, Bộ Công Thương đã tích cực tham mưu và chỉ đạo thực hiện những cơ chế, chính sách đảm bảo an ninh năng lượng; phát triển đồng bộ và hợp lý, đa dạng các loại hình năng lượng theo tinh thần Nghị quyết số 55.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Nghị quyết số 55 không chỉ nêu định hướng quan trọng, những nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch thông thoáng cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực có tiềm năng trong phát triển năng lượng nói chung cũng như điện năng nói riêng.

Đặc biệt, với một số nhiệm vụ cần triển khai sớm, Bộ Công Thương đã chủ động nghiên cứu quan điểm, định hướng, các nguyên tắc cơ bản trong Nghị quyết số 55 để áp dụng như việc xây dựng Quy hoạch điện VIII, điều chỉnh Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh. Quan điểm chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương là việc hiệu chỉnh sơ đồ điện VII phải trúng và bám sát theo yêu cầu cũng như theo định hướng nguyên tắc của Nghị quyết số 55.

Thời gian qua, với sự tham mưu, đề xuất chính sách của Bộ Công Thương, trong lĩnh vực điện năng đã có những chuyển biến tích cực. Đến nay, đã có 28% tổng công suất phát, công suất nguồn đến từ doanh nghiệp tư nhân dưới nhiều hình thức đầu tư.

Dư luận xã hội đánh giá cao Bộ Công Thương trong đề xuất một số cơ chế, chính sách mới về năng lượng sạch như: Cơ chế giá cho điện mặt trời (Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg); cơ chế giá cho điện gió (Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg). Những chính sách này không chỉ chứng minh tính đúng đắn trong đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch mà còn cho thấy tiềm năng rất lớn của khu vực tư nhân.

Chia sẻ về Nghị quyết số 55, ông Nguyễn Tâm Tiến – Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam – cho hay, Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị đã gỡ được nút thắt trong phát triển năng lượng. Bên cạnh đó, tất cả các thành phần kinh tế đều được tham gia phát triển năng lượng, đây là điều rất đáng mừng.

Trung Nam đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải đã nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ Công Thương và cả EVN” – ông Nguyễn Tâm Tiến chia sẻ.

Những quan điểm chỉ đạo về phát triển năng lượng tại Nghị quyết số 55/NQ-TW không chỉ mang tầm nhìn xuyên suốt, đúng đắn mà còn thể hiện tư duy rất biện chứng của Đảng.

Anh Việt

Tiện ích thông tin
QR Code
QR CODE: Nghị quyết số 55/NQ-TW: Bước đột phá trong phát triển năng lượng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác