Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW về “xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”, nhiều nội dung liên quan đến vị thế Hải Phòng đã được đề xuất. Trong đó xác định rõ quan điểm: Đầu tư cho Hải Phòng chính là đầu tư cho cả nước. Quan điểm này cũng được nhấn mạnh tại Nghị quyết 45-NQ/TW.
Hải Phòng phát triển đột phá khi có cơ chế chính sách phù hợp
Đây là mệnh đề hết sức quan trọng, bởi Hải Phòng dù không giữ vai trò điều phối về hành chính, nhưng thực tế vị thế Hải Phòng đã chi phối rất nhiều lĩnh vực của cả vùng duyên hải Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng. Việc thiếu những cơ chế cụ thể tương xứng với vai trò “trung tâm” đã làm khó cho Hải Phòng khi muốn tham gia đầu tư hoặc can thiệp vào những hoạt động phối hợp. Thấy rõ là trong nhiều năm liền, khi hạn chế về hạ tầng giao thông đường bộ bộc lộ, lượng hàng hóa lưu chuyển qua cảng chậm đã khiến Hải Phòng được coi như điểm nút của mọi sự ách tắc. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình ANTT và an sinh xã hội của Hải Phòng.
Đáng mừng là sau nhiều nỗ lực của Trung ương và địa phương, đến năm 2017 vừa qua, một trong những đề xuất đã được hiện thực hóa, đó là Nghị định 89/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Hải Phòng. Thực ra đây là một trong những nội dung được đề xuất từ trước đó khá lâu, với những luận cứ khoa học xác đáng, được bàn thảo nhiều lần tại nghị trường Quốc hội. Mục đích nhằm thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế – xã hội của Hải Phòng, tạo điều kiện để thành phố phát huy tối đa các nguồn lực, làm đầu tàu kéo theo sự phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trong vùng, khu vực và cả nước nói chung. Có thể nói, cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách đã giúp Hải Phòng giải được bài toán nan giải lâu nay về thu hút nguồn lực chủ động cho đầu tư phát triển.
Về phía mình, những thành tựu vượt bậc đạt được trong những năm gần đây, nhất là 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội 12 của Đảng và Nghị quyết đại hội 15 Đảng bộ thành phố, càng thấy tầm quan trọng của cơ chế, khi mà Hải Phòng đã chủ động phát huy nội lực từ sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Việc liên tiếp nhiều năm chọn chủ đề hành động “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách – Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh”, phải chăng chính là công cụ đắc lực để thực hiện mục tiêu này? Trước hết về thu hút đầu tư nước ngoài, Hải Phòng đã ban hành những cơ chế thông thoáng, mở đường cho hàng loạt dự án cực lớn, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút nguồn vốn FDI.
Cầu Hoàng Văn Thụ đang chuẩn bị được đưa vào sử dụng
Chưa hết, cùng với đó là làn sóng đầu tư chưa từng có của các doanh nghiệp hàng đầu trong nước, hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được các tập đoàn lớn cam kết thực hiện. Nổi bật nhất là VinGroup đầu tư trên hầu hết các phân ngành kinh tế: công nghiệp có tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, nông nghiệp có khu công nghệ cao Vineco, du lịch có khu nghỉ dưỡng sinh thái đảo Vũ Yên, xây dựng có khu đô thị Xi Măng, thương mại có hệ thống VinMart, xã hội có bệnh viện Vinmec… Còn SunGroup cũng khẩn trương tiến hành các bước đi cần thiết, cụ thể hóa ý tưởng xây dựng tổ hợp công nghiệp – du lịch tại huyện đảo Cát Hải, đồng thời đề xuất đầu tư cầu Tân Vũ – Lạch Huyện 2. Trong khi Him Lam đã triển khai dự án khu du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp tại Đồ Sơn, và Vietjet cũng chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để xây dựng nhà ga hành khách thứ hai tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi.
Về thương mại, nhận thức được những hạn chế của chuỗi hệ thống thương mại nội địa đang hoạt động trên địa bàn chủ yếu mang bản chất tự cung, chưa tạo ra sự kết nối mang tính khu vực. Mới đây, Hải Phòng đã khởi công xây dựng Trung tâm thương mại AEON MALL, với kỳ vọng tạo ra một điểm nhấn trong bản đồ thương mại vùng duyên hải Bắc Bộ. Về du lịch, trong thời gian tới khi các dự án hạ tầng của các tập đoàn Vingroup, Sungroup, Him Lam, FLC… hoàn thiện, sẽ giúp Hải Phòng có lợi thế vượt trội để phát triển ngành “công nghiệp không khói”. Những bước đi này đã và đang thể hiện quyết tâm của thành phố, trong việc đẩy mạnh đầu tư cho thương mại dịch vụ, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, đồng thời khắc phục điểm yếu trong kết nối thị trường khu vực.
Trước đó, Hải Phòng cũng là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng, đem lại cho thành phố nguồn thu mới khoảng 1.500 tỷ/năm. Một phần lớn từ nguồn thu này sẽ được đầu tư trở lại cho hạ tầng, không chỉ tạo ra hướng phát triển văn minh, hiện đại, mà còn tạo cho doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Sự kết hợp của cơ chế, chính sách mở, sẽ tạo ra những động thái thiết thực và tích cực hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển không riêng của Hải Phòng. Tuy nhiên, nếu chỉ có cơ chế về kinh tế, tài chính thì dương như vẫn chưa đủ để Hải Phòng trở thành trung tâm như tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW đề ra. Nghĩa là, cần có thêm những cơ chế mới về hành chính, về nhân sự và nhân lực… xác định rõ thẩm quyền vùng và khu vực, mới làm nổi bật hơn vai trò của Hải Phòng.
Rõ ràng, cùng với sự phát triển chung của cả nước và thế giới, một số quan điểm và mục tiêu phấn đấu cũ sẽ không còn phù hợp, đòi hỏi Hải Phòng cần được hưởng những chính sách chiến lược, để cụ thể hóa nghị quyết 45-NQ/TW vào cuộc sống. Nhưng trước khi đạt được điều đó, thiết nghĩ thành phố cần tiếp tục tập trung khắc phục những hạn chế và thách thức nội tại, trên cơ sở đó đề xuất tham mưu về chủ trương. Bởi lẽ, Hải Phòng sẽ không thể trở thành đầu tàu theo đúng nghĩa, nếu không xây dựng và triển khai hiệu quả một mô hình kinh tế liên kết, với những toa kéo đủ tầm hiệu lực.
Lê Minh Thắng