Print Thứ Năm, 08/04/2021 18:00 Gốc

Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản vừa được ban hành có nhiều điểm mới, đặc biệt là tăng thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương.

Tại Điều 33 của Nghị định nêu rõ: Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của thanh tra, người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông Thanh tra chuyên ngành và cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Cụ thể, thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Thông tin và Truyền thông đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 1 triệu đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 1 triệu đồng.

Chánh Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông, Trưởng đoàn thanh tra Thông tin và truyền thông cấp Sở, Trưởng đoàn thanh tra của Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Xuất bản, In và Phát hành có thẩm quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 100 triệu đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 100 triệu đồng…

Như vậy, kể từ ngày Nghị định 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông và Trưởng đoàn thanh tra Thông tin và truyền thông cấp Sở không còn bị giới hạn trong phạm vi địa phương và theo ủy quyền như quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 31 Nghị định 159/2013/NĐ-CP (“Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản đối với các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cùng cấp; thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ quan báo chí, nhà xuất bản của trung ương và địa phương khác hoạt động tại địa phương mình khi được ủy quyền”).

Đối với Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường, Thanh tra ngoại giao được phân định và giới hạn như sau:

Thanh tra ngoại giao: Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 2; các điểm c, e, và g khoản 3 Điều 5; điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 119/2020/NĐ-CP và phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao (hoạt động báo chí có yếu tố nước ngoài, ngoại giao).

Bộ đội Biên phòng: Có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a và b khoản 1, điểm a và c khoản 2 Điều 6; điểm b khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 13; Điều 15; điểm a khoản 1, điểm a khoản 2, điểm a khoản 3, các điểm a, b và c khoản 4, các điểm a, b và c khoản 5 và khoản 6 Điều 29; các điểm a và d khoản 2, khoản 4 Điều 30 Nghị định này và phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Cảnh sát Biển: Có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a và b khoản 1, điểm a và c khoản 2 Điều 6; điểm b khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 13; Điều 15; khoản 1, điểm a khoản 2, điểm a khoản 3, các điểm a, b, c và g khoản 4, các điểm a, b, c và đ khoản 5 và khoản 6 Điều 29; các điểm a và d khoản 2, khoản 4 Điều 30 Nghị định này và phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Hải quan: Có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 15; điểm a, b và d khoản 2, khoản 4 Điều 30; điểm e khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 31 Nghị định này và phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Quản lý Thị trường: Có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 13; Điều 28; Điều 29; khoản 2, điểm b và điểm c khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 30; Điều 31 Nghị định này và phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Công an nhân dân: Có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 6; Điều 7; điểm a khoản 1 Điều 9; Điều 11; khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 13; Điều 15; Điều 16; các điểm a, c, e và g khoản 1, các điểm b, c, d và đ khoản 2, các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 20; khoản 3 Điều 21; Chương III Nghị định này, cụ thể theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân.

Có thể thấy riêng đối với Điều 8 của Nghị định 119/2020/NĐ-CP: Các vi phạm quy định về đăng, phát nội dung thông tin trên báo chí, bản tin, đặc san, các chức danh có Thẩm quyền xử phạt như Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường, Thanh tra ngoại giao không được giao thẩm quyền này.

Nghị định 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2020 và thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Tải về toàn văn Nghị định số 119/2020/NĐ-CP.

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nghị định 119/2020/NĐ-CP: Tăng thẩm quyền xử phạt cho Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác