Về thăm dòng sông có tên cổ Cửu Biều Giang, du khách có nhiều trải nghiệm tuyệt vời khi được tận hưởng bầu không khí trong lành, thoang thoảng hương cỏ cây, thỏa thích ngắm nhìn những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những vườn cây ăn quả sai trĩu cùng rặng dừa nghiêng nghiêng soi bóng xuống mặt sông trong xanh, phẳng lặng.
Núi Đối và thị trấn Núi Đối nhìn từ sông Đa Độ.
Ảnh: Trung Kiên
Hành trình của du khách bắt đầu từ quảng trường Nhà hát thành phố, dọc theo các phố Cầu Đất, Lạch Tray, qua cầu Rào xuôi tuyến đường Phạm Văn Đồng chừng 5 km rồi rẽ phải, đi dọc đường mương thuỷ lợi Hoà Bình thêm 4 cây số, là đến bờ này sông Đa Độ thuộc địa phận xã Đông Phương (huyện Kiến Thụy). Với nguồn nước trong xanh, dòng chảy uốn khúc tạo hình thù kỳ lạ, cảnh quan đôi bờ tươi đẹp cùng nhiều giai thoại, truyền thuyết lý thú, hấp dẫn, sông Đa Độ trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong tua du khảo đồng quê bằng xe đạp về huyện Kiến Thụy.
Đạp xe dọc đôi bờ, tận hưởng không khí trong lành, ngắm nhìn quang cảnh đồng ruộng, vườn cây, rặng dừa tươi đẹp căng tràn sức sống. Nếu khát nước hay bụng hơi ngót ngót, dừng chân uống nước dừa ở quán ven sông hay tìm về xã Thanh Sơn nằm liền kề thị trấn Núi Đối, hỏi đường đến quán bán bún riêu cua đúng “chất” đồng quê với “giá rẻ giật mình”: 5.000 đồng/bát. Muốn du ngoạn trên sông, du khách có thể liên hệ với người dân địa phương thuê thuyền đánh cá, ca-nô hay sử dụng dịch vụ đạp vịt ở gần khu vực Trung tâm Thể dục- Thể thao huyện Kiến Thụy. Thích ngắm toàn cảnh sông, du khách có thể leo lên đỉnh núi Đối. Từ trên cao nhìn xuống, dòng Đa Độ lấp lánh, rực rỡ dưới ánh nắng vàng uốn lượn như một dải lụa mềm vắt qua đồng ruộng, thôn xóm…
Trong hành trình tham quan, khám phá và trải nghiệm sông Đa Độ, du khách được nghe người cao tuổi trong vùng kể những câu truyện lý thú, hấp dẫn về sông Đa Độ. Người Kiến Thụy gọi Đa Độ là con sông “đâu lại về đấy”. Bởi, dòng Đa Độ là một chi lưu của sông Văn Úc. Bắt nguồn từ cống thuỷ lợi Trung Trang (xã Bát Trang, huyện An Lão), chảy qua địa phận nhiều phường, xã, thị trấn thuộc 3 quận Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn và 2 huyện An Lão, Kiến Thụy với tổng chiều dài khoảng 50 cây số, qua cống Cổ Tiểu (xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thuỵ), trước khi đổ ra biển, sông Đa Độ một lần nữa hợp với sông Văn Úc nơi hạ nguồn. Với dòng chảy uốn khúc giống một chùm bầu có 9 quả, Đa Độ xưa kia được gọi là Cửu Biều Giang. Cái tên Đa Độ bắt nguồn từ thực tế, có rất nhiều bến nước, bến cá, bến đò đôi bờ (Đa- nhiều, Độ- bến).
Trong quá khứ, sông Đa Độ nhiều lần đổi dòng, trước khi đổ ra biển. Theo lời những bậc cao niên trong vùng, xưa sông đổ vào vụng biển Bàng La (phường Bàng La, quận Đồ Sơn). Sau đó, lại chuyển sang cửa sông Cổ Trai (xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy) rồi mới qua cửa cống Cổ Tiểu hợp lại với sông Văn Úc như bây giờ. Dấu tích của việc thay dòng, là những hồ, đầm nuôi trồng thuỷ sản bao la nằm trên địa bàn các xã Đại Hợp, Đoàn Xá… Trải qua thời gian, dù chịu nhiều tác động hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người, sông Đa Độ vẫn giữ được nguồn nước trong lành (là 1 trong 2 dòng sông sạch nhất thành phố, cùng với sông Giá). Sông cung cấp nước cho khoảng 30 nhà máy nước mi-ni và 1 nhà máy nước lớn (nhà máy nước Cầu Nguyệt có công suất 40.000 m3/ngày đêm).
Về Kiến Thụy thăm dòng Đa Độ, du khách được thưởng thức món ăn trứ danh chế biến từ loài cá đánh bắt tại 2 sông Đa Độ và Văn Úc: cá mòi kho nhừ. Theo nhận xét của nhiều thực khách, cá mòi kho Kiến Thụy chẳng kém cạnh so với cá trắm đen kho làng Vũ Đại (tỉnh Hà Nam). Tuy nhiên, cá mòi kho Kiến Thụy rẻ hơn nhiều, chỉ trên dưới 10.000 đồng/con (giá bán tại các nhà hàng, mỗi cân gồm 15-20 con). Trải qua quá trình kho kéo dài hơn 10 tiếng, xương và thịt cá mềm tơi thấm sâu các loại gia vị chua, cay, mặn ngọt… Cùng với cá mòi kho, thực khách được thoả thích lựa chọn nhiều món ăn đồng quê hấp dẫn, từ ốc hấp mẻ, ba ba nấu chuối đậu, gà quê luộc đến ếch “Rốm”.
Tham quan, trải nghiệm, khám phá dòng Đa Độ, ngoài thưởng thức cá mòi kho nhừ, du khách còn được thêm nhiều “khuyến mãi” không kém hấp dẫn, lý thú, như: tham quan, trải nghiệm nghề làm bánh đa nướng ở thôn Lạng Côn (xã Đông Phương); thăm văn miếu Xuân La (xã Thanh Sơn); thăm khu tưởng niệm các vua nhà Mạc (xã Ngũ Đoan), trải nghiệm rừng ngập mặn ở xã Đại Hợp…
Khoảng cách không quá xa, không thiếu điểm đến hấp dẫn, lý thú, nhiều món ăn ngon, người dân thân thiện, cởi mở, hiếu khách, vì thế du khách hãy khoác ba-lô về Kiến Thụy tham quan, khám phá, trải nghiệm dòng Cửu Biều Giang mùa hè này.
Thái Phan – Báo Hải Phòng ngày 25/06/2018