Nhiều người làm nghề nuôi bệnh hàng chục năm, cũng là ngần ấy thời gian họ đón Tết bên giường bệnh, xem pháo bông trên sân thượng bệnh viện. Nhưng họ vẫn thấy vui, thấy ấm lòng bởi cái tình trong cái nghề nhiều vất vả.
20 năm đón giao thừa ở sân thượng bệnh viện
“25 năm rồi, chưa một năm nào ăn Tết ở quê. Nhiều khi nhìn lại cũng giật mình, chẳng thể nghĩ mình có thể lấy bệnh viện làm nhà gần nửa cuộc đời như thế”, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (60 tuổi, quê Bạc Liêu) hạ giọng nói với tôi, vì sợ bệnh nhân thức giấc. Ngồi trên tấm chiếu trải tạm trong một phòng bệnh ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bà đưa mắt nhìn xa xăm ra cửa sổ.
Trải qua một biến cố gia đình, 25 năm trước, bà khăn gói lên TP.HCM mưu sinh. Chẳng may bị xe tông bị thương nặng, bà phải vào viện điều trị khá lâu. Cũng từ đó, bà thấy có nhiều nhà cần người nuôi bệnh, nên làm thử. Chẳng ngờ cái nghề ăn vào “máu”, vài lần bà cũng trở về quê tìm việc khác, rồi cũng quay trở lên vì thấy chỉ có công việc này phù hợp.
“Cái nghề này làm 24/24, không có ngày nghỉ. Lễ Tết, nhu cầu thuê người chăm bệnh lại càng cao, vì người ta có thể đi xa, đi du lịch hay về quê. Mình cũng có quê, nhưng không thể về. Một ca đâu phải vài ngày, thường bệnh nhân nằm lâu, vài tháng, thậm chí vài năm, thì gia đình mới cần người nuôi bệnh. Mà đã nhận ca rồi thì đâu phải nói nghỉ ngày nào là được nghỉ ngày đó”.
Chị Lê Hồng Cẩm (47 tuổi, ngụ Q.Tân Bình), một người nuôi bệnh có “thâm niên” ở Bệnh viện Thống Nhất (Q.Tân Bình) cũng đồng cảnh ngộ. Gần 20 làm nghề, là chừng ấy lần chị đón Tết ở… bệnh viện.
“Tính tôi làm gì là phải làm cho tới, đặc biệt lại là cái nghề chăm bệnh này nữa. Người ta tin tưởng mình, giao người thân cho mình, thì mình phải làm sao cho trọn lẽ. Chị em cưới hỏi ở quê, mà người mình đang chăm còn bệnh, mình buộc phải ở lại thôi. Rồi tự người ta thương, cho mình thêm tiền công. Những ca lâu năm còn có lương tháng 13, Tết thì được thêm 10 ngày lương nữa. Nên mình càng thấy phải làm tròn trách nhiệm”, chị Cẩm chia sẻ.
Rồi chị cười, kể về những đêm giao thừa trên… sân thượng bệnh viện: “Ở Thống Nhất có cái sân thượng. Đêm 30 sẽ mở cửa cho y bác sĩ, người nuôi bệnh lên coi pháo bông, vui lắm! Xong rồi xuống khoa cúng giao thừa. Gần như khoa nào ở các bệnh viện cũng cúng hết. Mình ra đó đốt nhang cùng bệnh viện. Đó, cũng đâu có buồn đâu! Làm gì cũng có niềm vui cả, chỉ là mình có nhận ra không thôi”.
Cái tình giữa những ‘người dưng’
Làm cố định ở Bệnh viện Thống Nhất, những ca nuôi bệnh của chị Cẩm thường kéo dài đến vài năm. Vậy nên chị nói, gắn bó với một con người chừng ấy thời gian, chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ, dù là người dưng với nhau, cũng tự nhiên có cái nghĩa cái tình.
“Ca nào tôi cũng nhớ như in. Tôi từng chăm cho nhạc sĩ H.H, ông ấy hiền lành và phúc hậu lắm, nhưng đến năm 2013 thì không qua khỏi… Trước ông ấy, tôi chăm cho chú H., một cán bộ ở Hải Phòng. Ông ấy làm lớn nên có người vô biếu tôi 2,5 triệu, biếu ông ấy 10 triệu. Nhưng rồi ông ấy thương hoàn cảnh tôi, nên bắt quay một cái clip lại. Trong clip, ông ấy nói lì xì cho con gái tôi 10 triệu đó, kêu tôi phải ráng nuôi cho nó học được đại học. Tôi biết ơn ông lắm, nhưng rồi sinh lão bệnh tử, ông cũng mất…”, chị Cẩm buồn thiu khi nhớ lại.
Có một ca, tôi chăm người trẻ. Cậu ấy lên Sài Gòn học rồi bị xe đụng vào một ngày nghỉ lễ. Ba mẹ ở miền Trung không vào kịp, cũng không có tiền đặt xe. Tôi thương quá nên nuôi giúp 3, 4 bữa. Lúc ba mẹ vào, tôi cũng chẳng lấy tiền. Mình không giàu, nhưng họ quá nghèo, thôi giúp người mình giúp cho trót | ||
Bà Lê Thị Mười (người làm nghề chăm bệnh thuê) | ||
Ấy vậy mà cái tình vẫn còn dài. Con trai ông H. ở nước ngoài cũng biết ơn chị, nên có dịp về nước là ghé thăm, hỗ trợ tiền sinh hoạt cho chị. Nhưng làm chị nhớ nhất, vẫn là lần nuôi ông C., một cán bộ ở tỉnh Đắk Lắk, đến tận… 7 năm trời. Chị nói, một vài tháng đã mến tay mến chân, đằng này đến chừng ấy năm, chị thương ông như cha mình vậy.
“Ông ấy phải mở khí quản, sức khỏe yếu lắm rồi, bác sĩ nói là không trụ nổi lâu… Vậy là mỗi ngày chăm ông ấy, tôi đều vái trời phật “cho ông C. sống được đến lúc con gái con tốt nghiệp đại học, con sẽ cúng heo quay”. Vậy mà thật, ông vẫn còn cho đến lúc con gái tôi tốt nghiệp, cho đến tận tháng 8 năm rồi mới ra đi…”, chị Cẩm kể về một kỉ niệm làm nghề.
Thế là chị đặt con heo quay của người bạn ở Bến Tre, đặt thêm bánh bò, bánh da lợn, tôm luộc của người chị ở Kiên Giang, chuẩn bị những thứ ngon nhất, làm một bữa tiệc tươm tất ở bệnh viện.
“Bữa đó trùng dịp lễ 30.4, tôi chỉ xin khoa là nhân ngày nghỉ cho tôi làm tiệc mừng con tốt nghiệp, vì trước giờ nhờ chịu ơn bệnh viện tôi mới nuôi được nó nên người. Khoa cho, thế là đãi bệnh nhân, y bác sĩ một bữa rất vui! Nhưng thực ra, chính là tôi vái cho ông C. khỏe mạnh đó, nhưng đâu có ai biết”, chị cười.
Cuộc sống vội vàng ngày càng kéo con người vào guồng quay tất bật, đôi khi, nhiều giá trị tình cảm giữa người với người bỗng chốc bị lãng quên đi. Nghề chăm bệnh thuê ra đời, là một công việc tạo thu nhập, nhưng đồng thời cũng khiến những người như chị Cẩm, bà Thoa,… bám trụ vì thấy ấm lòng trước cái tình, giữa những người xa lạ với nhau.