Được tổ chức thường niên vào dịp cuối năm, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương lần này có ý nghĩa đặc biệt hơn, khi diễn ra vào cuối nhiệm kỳ và chuẩn bị bước vào năm đầu của giai đoạn mới khi mà kinh tế đất nước bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hội nghị sẽ bàn về những cơ hội, thách thức và sẽ đưa ra những quyết sách quan trọng để đưa đất nước vững bước vào thời kỳ phát triển mới.
Đây không chỉ là dịp để đánh giá, tổng kết lại 1 năm đã qua mà còn là dịp nhìn lại cả chặng đường 5 năm và quan trọng hơn, đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu phát triển trong năm 2021 cũng như các năm tiếp theo.
Hội nghị sẽ khai mạc vào ngày mai (28/12) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Những năm gần đây, Hội nghị vinh dự có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Năm gần đây nhất (2019), 14 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, 10 đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, 60 đồng chí Bí thư Thành ủy, Bí thư Tỉnh ủy và tất cả Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã tham dự.
Trong 3 năm, từ 2017 đến 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều tới dự và phát biểu chỉ đạo, định hướng phấn đấu cho cả bộ máy với tinh thần “năm sau phải đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm trước”; “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”.
Với phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả” và với 138 nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, 49 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, năm 2020 là năm thử thách chưa từng có đối với Chính phủ để đạt kết quả cao hơn các năm trước khi đại dịch COVID-19 “trăm năm có một” xảy ra và thiên tai, bão lũ hoành hành dữ dội.
Dù vậy, trên tinh thần “khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”, năm 2020 được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về ý chí vươn lên, tinh thần vượt khó trong mọi khó khăn, thử thách, mà theo Thủ tướng, mức độ thành công được xác định không chỉ bởi thành tựu chúng ta đã đạt được mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua. Năm 2020, “chúng ta đã làm những việc mà thế giới cảm động, khâm phục”.
Việt Nam đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, là một điển hình khống chế dịch COVID-19 của thế giới và đạt mức tăng trưởng dương (2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới). Quan trọng hơn, chúng ta đã duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát dưới ngưỡng 4%. Trong bối cảnh khó khăn toàn cầu, chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta vẫn đạt mức kỷ lục 543,9 tỷ USD, xuất siêu hơn 19 tỷ USD. Chúng ta đã đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 với số lượng văn kiện được thông qua lớn nhất từ trước đến nay; ký kết được Hiệp định RCEP có quy mô lớn nhất thế giới.
Thành quả đó đã được các tổ chức quốc tế hàng đầu ghi nhận, với sự thăng tiến của các bảng xếp hạng cũng như những dự báo tốt hơn về triển vọng phát triển Việt Nam.
Kết quả năm 2020 càng có thêm ý nghĩa khi chúng ta tổ chức thành công nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, như kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng; 75 năm Ngày thành lập nước, 45 năm Chiến thắng 30/4, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Hơn hết, nhiều ý kiến cho rằng, thành quả lớn nhất mà Chính phủ đã đạt được là niềm tin của nhân dân.
Nỗ lực phục hồi kinh tế
Dự kiến diễn ra trong 1,5 ngày, Hội nghị sẽ xem xét, thảo luận các Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020; dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2020 và 5 năm 2016-2020; kết quả cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng năm 2020 và 5 năm 2016-2020 phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Hội nghị cũng xem xét các Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Báo cáo kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng năm 2020; Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2020; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử 2019-2021, định hướng 2025…
Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, hoàn thiện các văn bản, báo cáo, nhất là dự thảo Nghị quyết 01 để ban hành và tập trung thực hiện ngay từ ngày đầu tiên của năm 2021 với quyết tâm đạt kết quả cao nhất, tạo cơ sở, nền tảng cho cả giai đoạn 5 năm tới (2021-2025).
Dự thảo Nghị quyết 01 đã được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, được Chính phủ cho ý kiến lần đầu tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2020 và sau đó, tiếp tục được Thường trực Chính phủ, các bộ, ngành góp ý.
Hội nghị sẽ nghe ý kiến của nhiều ngành, địa phương, trong đó tập trung đi thẳng vào những thành quả nổi bật và những khó khăn, vướng mắc; những vấn đề lớn có tính liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao được hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực; làm rõ những mô hình tốt, cách làm hay; tập trung bàn về cách làm, phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm tạo được chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2021 cũng như các năm tiếp theo.
Hội nghị sẽ cùng thảo luận kỹ, cho ý kiến về phương châm hành động của năm 2021, qua đó xác định những trọng tâm cho chỉ đạo điều hành như tại nội dung dự thảo các Nghị quyết cho năm 2021 sẽ được trình bày.
Theo đó, với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của năm 2021, Chính phủ sẽ tiếp tục đề cao tinh thần đoàn kết, kỷ cương; yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, không lơ là, chủ quan trước đại dịch; tranh thủ thời cơ, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới với khát vọng phát triển, tinh thần đổi mới sáng tạo, cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hành động hơn nữa.