Ngày 26/5, Quốc hội nghe, thảo luận về 3 dự án Luật: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi).
Phát biểu thảo luận về Dự án Luật đầu tư (sửa đổi), đại biểu Mai Hồng Hải, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng có ý kiến về về việc có hay không cấm ngành nghề kinh doanh đòi nợ. Theo đại biểu, hoạt động dân sự, kinh doanh sẽ phát sinh nợ nần, thậm chí rủi ro nợ quá hạn, khó đòi, không đòi được. Bên cạnh dịch vụ đòi nợ, pháp luật quy định nhiều cách thức xử lý nợ khác như: trọng tài kinh tế; xét xử tại tòa; hòa giải đối thoại tại tòa; lập dự phòng mua, bán nợ…, nhưng thực tế các hình thức này mất nhiều thời gian, hiệu quả không cao, kể cả khi bản án có hiệu lực, việc đôn đốc thi hành án vẫn gặp khó khăn.
Việc không xử lý được nợ không chỉ ảnh hưởng đến quyền tài sản của chủ nợ mà còn dẫn đến hệ lụy pháp lý phức tạp. Do đó, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tìm đến dịch vụ đòi nợ vì tính tiện dụng và hiệu quả.
Trong khi đó, Chính phủ quy định về kinh doanh đòi nợ rất sớm và chặt chẽ tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP. Nếu hoạt động theo đúng quy định tại Nghị định 104 sẽ không có hệ lụy phức tạp dẫn đến phải đặt ra vấn đề cấm; nhưng thực tế hoạt động kinh doanh đòi nợ bị lạm dụng, biến tướng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, thậm chí có màu sắc “xã hội đen”. Vì thế, đại biểu Mai Hồng Hải cho rằng: Luật Đầu tư (sửa đổi) không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần chú ý 2 vấn đề: thứ nhất, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để phát huy hiệu lực của các biện pháp xử lý nợ khác. Cụ thể, cần có quy trình xét xử về nợ rút gọn tương tự như quy trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội; tăng cường hiệu lực tổ chức thi hành án; sửa đổi, bổ sung Thông tư 228/2009 của Bộ Tài chính về điều kiện xử lý nợ khó đòi; sớm hướng dẫn thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa (sau khi được thông qua).
Thứ hai, tăng cường và bảo đảm hiệu lực quản lý đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đòi nợ bằng việc sửa đổi Nghị định 104/2007 về kinh doanh đòi nợ. Trong đó, bổ sung điều kiện khoản nợ được thuê đòi phải quá hạn một thời gian nhất định và đã áp dụng một số biện pháp nhưng hiệu quả thấp. Đồng thời, có cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ; xem xét đổi “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” thành ngành nghề “kinh doanh thu hồi nợ”.
Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) nêu rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các luật liên quan (Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư). Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), bổ sung 10 nhóm quy định cụ thể để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.
Phương Trang