Trong phiên họp sáng, thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), đại biểu Mai Hồng Hải, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đồng tình cao với báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời góp ý kiến làm rõ thêm nhiều vấn đề trong dự thảo luật.
Về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đại biểu Mai Hồng Hải đặt vấn đề, việc dự thảo luật quy định: DNNN bao gồm cả doanh nghiệp (DN) do nhà nước nắm trên 50% vốn thì có phù hợp không, và tỷ lệ này bảo đảm chi phối chưa? Cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa “DNNN” về hình thức và “DN của nhà nước” về sở hữu.
Xét về tổng thể, việc sửa đổi luật DN hướng đến đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với DN nói chung, chặt chẽ hơn trong quản lý DNNN là phù hợp yêu cầu thực tiễn. Đại biểu đề nghị bổ sung điều khoản về nguyên tắc Nhà nước quản lý DNNN thông qua người đại diện, thậm chí kể cả phần vốn nhà nước ở các DN mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn (đây là phương thức đang thực hiện). Đồng thời phân cấp làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân trong quản lý, điều hành DNNN ở luật này và Luật 69 – Quản lý vốn và tài sản Nhà nước đầu tư vào DN.
Đại biểu Mai Hồng Hải cho rằng, Nhà nước nắm giữ 50% vốn là có quyền chi phối nhiều vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, bảo đảm lợi thế quyết định, nhất là hợp đồng kinh doanh nên tỷ lệ trên 50% là phù hợp. Tuy vậy, để xác định căn cứ, cần tiến hành rà soát số lượng DNNN mà Nhà nước đang nắm giữ 50% vốn sở hữu trở lên, đánh giá rõ tác động, tiến trình cổ phần hóa, thu hút vốn từ tư nhân…
Về vấn đề có nên quy định hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, theo đại biểu Mai Hồng Hải là không nên, vì hộ kinh doanh là loại hình kinh doanh nhưng không phải DN. Điều quan trọng là dự thảo chưa có các chính sách mới khơi dậy, tạo động lực đối với hộ kinh doanh hoạt động và phát triển, thậm chí phát triển thành DN.
Trong phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo tóm tắt giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp (GĐTP) và thảo luận về nội dung này.
Phát biểu thảo luận Luật GĐTP, đại biểu Lã Thanh Tân, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng bày tỏ tán thành với nội dung dự thảo luật và báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý, sửa đổi.
Tham gia ý kiến vào nội dung về điều kiện thành lập văn phòng GĐTP, đại biểu cho rằng để bảo đảm chất lượng hoạt động GĐTP, cần đặt ra yêu cầu giám định viên đề nghị thành lập văn phòng GĐTP phải có đủ kinh nghiệm, có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng trong lĩnh vực GĐTP.
Về quyền của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu GĐTP cần quy định cụ thể về “điều kiện cần thiết” cho việc thực hiện giám định là những điều kiện như thế nào? Bởi thực tế hiện nay, hầu hết giám định viên tư pháp do các sở, ngành chuyên môn cấp tỉnh cử, kiêm nhiệm thực hiện giám định mà không có giám định viên chuyên trách.
Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị dự thảo luật làm rõ về nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu GĐTP và xem xét, bổ sung quy định trách nhiệm của giám định viên tư pháp.
Phương Trang
Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…
Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…
Sáng 22/11, UBND thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết…
Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…
Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More