Số liệu của Bộ Y tế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, có 88.983 lượt người nước ngoài đến Việt Nam khám bệnh, trong đó và có 10.170 bệnh nhân điều trị nội trú
Ngày 30.12, tại Bệnh viện Quốc tế (thuộc Bệnh viện T.Ư Huế) Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị xây dựng đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030”
PGS.TS Nguyễn Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục khám chữa bệnh Bộ Y tế, cho biết 5 năm gần đây, chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trong nước đã phát triển rõ rệt; các bác sĩ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao, đào tạo bài bản, làm chủ nhiều kỹ thuật phức tạp ngang tầm thế giới (sử dụng robot, phẫu thuật nội soi, ghép tạng,…); cơ sở vật chất, hạ tầng của bệnh viện được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu người bệnh; phương pháp điều trị cổ truyền như châm cứu được truyền bá rộng rãi trên thế giới…
Chất lượng khám, chữa bệnh ở nước ta từng bước được nâng cao, chi phí thấp hơn các nước chính là nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều người nước ngoài đến Việt Nam khám và chữa bệnh. Năm 2018, các bệnh viện trong nước tiếp nhận 300.000 người là Việt kiều, người bệnh ở các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến khám bệnh, 57.000 người trong đó đã điều trị nội trú.
Kết quả khảo sát nhanh của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thực hiện tháng 8.2019 tại 329 bệnh viện cho thấy lượng người nước ngoài vào Việt Nam khám chữa bệnh càng tăng cao. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, có 88.983 lượt người nước ngoài khám bệnh và 10.170 người nước ngoài điều trị nội trú tại bệnh viện các tuyến.
Hội thảo được tổ chức nhằm xây dựng đề án “Thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030” dự kiến sẽ được triển khai trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM, các tỉnh, thành phố trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa…