Print Thứ bảy, 14/03/2020 23:24 Gốc

Kể từ khi ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc hồi cuối tháng 12/2019, tới ngày 14/3, hơn 143.400 ca nhiễm đã được ghi nhận tại 135 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tổng số ca tử vong vì COVID-19 trên toàn thế giới lên đến hơn 5.500 ca trong đó chịu tác động mạnh nhất là Trung Quốc đại lục (3.189 ca tử vong), Italy (1.266 ca tử vong) và Iran (611 ca tử vong).

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị tại bệnh viện ở Hồ Nam,Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN.

Ngày 14/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi châu Âu là “tâm dịch” COVID-19 của thế giới. Trong ngày này, Italy – “rốn dịch” ở châu Âu – xác nhận 1.266 bệnh nhân tử vong trong số 17.660 người nhiễm bệnh, cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục. Tiếp sau Italy, Tây Ban Nha đã trở thành điểm nóng mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại châu Âu khi ghi nhận tới 1.500 người nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 lên hơn 5.700 người.

Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 11 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 trong ngày 13/3, nâng tổng số ca nhiễm virus tại đây lên 80.824 người. Đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới do lây từ nước ngoài vào nước này cao hơn số ca nhiễm mới trong nước. Cụ thể, trong tổng số 11 ca nhiễm mới, chỉ có 4 ca lây nhiễm trong nước, đều ở tỉnh tâm dịch Hồ Bắc (Hubei). Trong khi đó, 7 người còn lại đều là những người từ các nước như Italy, Mỹ và Saudi Arabia. Tính đến hết ngày 13/3, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Trung Quốc đại lục tăng thêm 13 người lên thành 3.189 người.

Điểm nóng thứ hai tại châu Á là Hàn Quốc cũng ghi nhận những thông tin tích cực khi những số liệu mới nhất cho thấy tốc độ lây lan dịch bệnh khả năng đang giảm dần tại quốc gia này. Sáng 14/3, Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng thêm 107 ca trong ngày 13/3, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 8.086 ca. Trong khi đó, 204 người đã bình phục và được xuất viện. Đây là ngày thứ hai liên tiếp số bệnh nhân hồi phục cao hơn số ca mới mắc bệnh COVID-19 tại Hàn Quốc kể từ khi nước này xác nhận ca đầu tiên mắc bệnh hôm 20/1.

Trung Đông, tình hình dịch bệnh tại Iran vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 14/3, số liệu từ Bộ Y tế nước này cho thấy trong 24 giờ qua, số ca tử vong vì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tăng thêm 97 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 611 trong khi số người nhiễm virus SARS-CoV-2 đã tăng thêm 1.365 người, nâng tổng số ca nhiễm virus trên cả nước lên 12.729 người. Giới chức Iran cũng lo ngại số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Đáng chú ý, dịch có dấu hiệu lan nhanh dần tại châu Phi khi các quốc gia như Eswatini, Mauritania, Namibia và Rwanda lần lượt thông báo các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên trong ngày 14/3. Như vậy tới nay đã có 19 quốc gia châu Phi xác nhận sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2.

Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN.

Một trong những biện pháp đáng chú ý nhất trong ngày 14/3 (giờ Hà Nội) là Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tạo điều kiện cho việc cung cấp thêm viện trợ liên bang trị giá hàng tỷ USD nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Động thái này cho thấy Washington đang có sự thay đổi đáng kể trong đánh giá về dịch bệnh sau nhiều tuần cố gắng trấn an dư luận với khẳng định Mỹ có khả năng kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế gần đây đã lên tiếng cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Các biện pháp trên của chính quyền Tổng thống Trump được đưa ra trong bối cảnh số ca có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày càng tăng nhanh tại các thành phố và tiểu bang của Mỹ, báo hiệu khả năng khó có thể kiểm soát được dịch bệnh tại quốc gia này.

Tương tự, hàng loạt quốc gia cũng đã siết chặt những biện pháp nhằm kiềm chế tốc độ lây lan dịch bệnh. Ukraine thông báo sẽ đóng cửa biên giới với người nước ngoài trong ít nhất 2 tuần và sẽ tạm dừng toàn bộ các hoạt động đường không. Đây được xem là biện pháp mạnh tay của Kiev nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan.

Từ ngày 14/3, Ba Lan sẽ đóng cửa biên giới với tất cả du khách nước ngoài nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, công dân nước này từ nước ngoài trở về sẽ phải cách ly 2 tuần. Trong khi đó, CH Cyprus thông báo sẽ không cho tất cả công dân nước ngoài nhập cảnh từ ngày 15/3 và quyết định này sẽ được duy trì trong 15 ngày, các trường học và dịch vụ công cũng sẽ tạm dừng hoạt động cho tới ngày 10/4.

Đan Mạch thông báo nước này sẽ tạm thời đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan sau khi quốc gia Bắc Âu xác nhận có 801 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Nga cũng sẽ đóng cửa biên giới đất liền với Ba Lan và Na Uy. Chính phủ Anh cũng có động thái chuẩn bị ban bố các luật khẩn cấp nhằm kiềm chế sự lây lan SARS-CoV-2, theo đó sẽ ban bố các luật khẩn cấp vào tuần tới để cấm các cuộc tụ tập đông người quy mô lớn.

Người dân mua khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN.

Ở khu vực Đông Nam Á, vùng đô thị Manila tại Philippines thông báo áp đặt lệnh giới nghiêm bắt đầu từ ngày 15/3 như một biện pháp cách ly cộng đồng để dập dịch COVID-19. Chính phủ Indonesia quyết định lập một nhóm phản ứng nhanh nhằm điều phối các nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Thủ đô Jakarta cũng tuyên bố đóng cửa tất cả các trường học và yêu cầu dạy trực tuyến trong ít nhất 2 tuần tới để đề phòng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Chính phủ Campuchia quyết định đóng cửa các trường công và trường tư ở Phnom Penh và Siem Reap. Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới, Chính phủ Lào đã quyết định hoãn tổ chức 4 hội nghị cấp cao khu vực dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng này tại thủ đô Viêng Chăn.

Lê Ánh (TTXVN)

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ngày 14/3, trên 5.500 ca tử vong, 143.400 ca mắc COVID-19 tại 135 quốc gia
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác