Là ngành có số lượng cán bộ, viên chức lớn thứ hai trên địa bàn thành phố, việc tinh giản bộ máy, biên chế của ngành Y tế theo chủ trương chính sách chung hiện đối mặt với không ít khó khăn, vướng mắc.
Thiếu 700 biên chế theo định mức quy định
Theo Trưởng Phòng Tổ chức- cán bộ (Sở Y tế) Lê Huy Hoàng, hiện, định mức biên chế ngành Y tế thực hiện theo Thông tư số 08/2007/TTLT-BYT-BNV (Thông tư liên tịch Bộ Y tế – Bộ Nội vụ). Căn cứ thông tư này, tất cả đơn vị trong ngành Y tế Hải Phòng đều thiếu biên chế so với định mức biên chế tối thiểu, mới đạt bình quân 91%. Trong đó, khối trạm y tế xã, phường mới đạt hơn 85% định mức tối thiểu. Phần lớn cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đều luôn trong tình trạng quá tải, nhiều đơn vị có công suất sử dụng giường bệnh hơn 120%, nhưng thiếu cán bộ nên y, bác sĩ phải kiêm nhiệm nhiều việc, thường xuyên phải trực đêm, hôm sau lại tiếp tục làm việc mà không được nghỉ, ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, chất lượng khám, chữa bệnh.
Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt- Tiệp Nguyễn Văn Tập cho biết, thực trạng thiếu nhân lực song vẫn phải tinh giản biên chế đang là vấn đề đặt ra với đơn vị. Theo Thông tư 08, định mức biên chế đối với bệnh viện là 1,45- 1,55 người/giường bệnh. Với số giường bệnh được giao kế hoạch hằng năm là 900 giường, bệnh viện cần 1350 nhân lực theo chỉ tiêu; tuy nhiên hiện bệnh viện mới có 1032, còn thiếu 495. Trong khi đó, số giường thực kê là 1025 giường, công suất sử dụng giường bệnh trung bình trong năm hơn 120%, nên hiện bệnh viện thiếu nhiều chỉ tiêu biên chế so với quy định của Thông tư 08. Số nhân lực 1032 người hiện có vừa đang làm phần việc của 1350 người theo chỉ tiêu, vừa phải phục vụ thêm số giường thực tế quá mức so với giường kế hoạch là 125 giường
Trạm y tế xã, phường hiện thiếu bác sĩ, trong khi tuyển dụng khó khăn. Ảnh: Hiền Đỗ
Đầu năm 2018, tổng số nhân lực y tế công lập của thành phố là 8606 người, trong đó, nhân lực ở tuyến thành phố là 4736 người (chiếm hơn 55%), ở tuyến huyện là 2.756 người (chiếm 32,2% ) và tuyến xã là 1.114 người (chiếm 12.95%) . Toàn thành phố chỉ có 1557/ 8606 bác sĩ tại các cơ sở y tế công lập; tuyến thành phố có 893 bác sĩ (chiếm 57,35%), tuyến quận huyện là 517 bác sĩ (chiếm 33,2%); tuyến xã là 147 bác sĩ (chiếm 9,5%).
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và bảo đảm định biên theo Thông tư số 08, ngành Y tế Hải Phòng cần tăng thêm hơn 700 biên chế. Trong điều kiện thiếu nhân lực, như vậy, ngành có 22/50 đơn vị phải xây dựng Đề án tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ, với tổng số biên chế tinh giản giai đoạn 2015 – 2021 là 127 người. Cùng với đó, thành phố giao ngành từ nay đến năm 2021 phải giảm tối thiểu 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015.
Hiện nay, định mức biên chế viên chức các cơ sở y tế nhà nước phụ thuộc vào quy mô giường bệnh. Tuy nhiên trước sự gia tăng nhanh chóng về nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực ngày càng đáng lo ngại. Hiện ngành thiếu bác sĩ tại đơn vị tuyến huyện, các trạm y tế xã, phường và các chuyên ngành lao, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y và thiếu dược sĩ đại học. Trong khi đó, việc tuyển dụng các bác sĩ làm việc tại các đơn vị, lĩnh vực này khó khăn. Do vậy, việc tinh giản biên chế nếu không lựa chọn hướng đi phù hợp sẽ làm tình trạng thiếu nhân lực của ngành, tại các đơn vị đặc thù càng trầm trọng.
Chọn hướng tinh giản phù hợp
Để thực hiện việc tinh giản nhưng vẫn bảo đảm đủ nhân lực, Bệnh viện Việt- Tiệp không đề xuất thêm biên chế còn thiếu mà ưu tiên sắp xếp lại các phòng, ban, nhân lực theo đề án vị trí việc làm, giúp bộ máy tinh gọn và thực hiện tự chủ tài chính, đưa biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang sang biên chế sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động. Bệnh viện ưu tiên kinh phí thu hút bác sĩ giỏi ở những khoa chủ lực, khoa thiếu nhân lực trầm trọng.
Cách làm của Bệnh viện Việt- Tiệp cũng là hướng lựa chọn của nhiều bệnh viện khác trong ngành. Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh cho biết, một trong những giải pháp được đưa ra là giữ nguyên tổng biên chế được giao và chuyển 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước đã thực hiện tinh giản sang biên chế sự nghiệp tự bảo đảm chi phí hoạt động. Ngành khuyến khích 6 bệnh viện tự chủ tài chính; toàn ngành chuyển 4127 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang hình thức đơn vị tự chi trả lương; cân đối lại biên chế sự nghiệp giữa các đơn vị trực thuộc để thực hiện tinh giản biên chế và bố trí lại vị trí việc làm theo chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế tại các đơn vị. Cùng với đó, ngành Y tế giao tổng định mức nhân lực việc làm cho các đơn vị bao gồm: biên chế được giao, biên chế tự trang trải và hợp đồng lao động chuyên môn kỹ thuật tự trang trải (đặc biệt là khối bệnh viện) để bảo đảm số lượng người làm việc tại các đơn vị đúng định mức theo Thông tư 08. Các đơn vị trong ngành áp dụng nhiều biện pháp nhằm vừa khắc phục sự thiếu hụt nguồn nhân lực, vừa tinh giản với các hình thức như: tạo điều kiện cho cán bộ về hưu trước tuổi, cho thôi việc ở các vị trí không phù hợp được 23 biên chế; rà soát lại tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm đối với từng bộ phận, từng cán bộ viên chức để xây dựng phương án tinh giản phù hợp và thực hiện việc tuyển dụng nhân lực chặt chẽ hơn; ưu tiên việc tuyển dụng bác sĩ, dược sĩ đại học… Tất cả hoạt động đều được ngành cân nhắc, thận trọng nhằm thực hiện thành công yêu cầu tinh giản biên chế, xây dựng bộ máy tinh gọn.
Hoàng Yên – Báo Hải Phòng 24/8/2018