Print Chủ Nhật, 11/08/2019 14:58

Năm 2019, điểm chuẩn các trường đại học (ĐH) đồng loạt tăng ở các ngành. Điều đáng chú ý, ngành công nghệ thông tin (CNTT) “soán ngôi” đầu khi vượt xa điểm chuẩn các ngành y, dược.

Ngành lấy điểm cao nhất cả nước

Trong mùa tuyển sinh năm 2019, điểm chuẩn cao nhất cả nước thuộc về ngành CNTT – Khoa học máy tính (KHMT) của ĐH Bách khoa Hà Nội (ĐHBK) với 27,42 điểm. Như vậy, điểm chuẩn ngành này vượt ngành Y đa khoa (điểm chuẩn là 26,75) của Đại học Y Hà Nội; ngành Y khoa của ĐH Y dược Thái Bình (24,60 điểm); ngành Y khoa của ĐH Y dược Hải Phòng (23,20 điểm).

Ngành CNTT có điểm cao nhất mùa tuyển sinh 2019. Ảnh: Khánh Linh

Đại diện Ban tuyển sinh ĐHBK Hà Nội cho biết, CNTT – KHMT là ngành đào tạo truyền thống, có uy tín lâu năm và có triển vọng nghề nghiệp mở rộng nhất trong số các ngành đào tạo liên quan đến CNTT tại trường. Sinh viên (SV) theo ngành đào tạo có thể trở thành chuyên gia phát triển phần mềm, chuyên gia phát triển các hệ thống thông tin, chuyên gia thiết kế và phát triển giải pháp CNTT.

Ngành KHMT của ĐHBK Hà Nội đào tạo nhân lực chất lượng cao theo một trong 2 định hướng: Công nghệ phần mềm và Hệ thống thông tin. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có kiến thức cốt lõi ngành, có khả năng vận dụng kiến thức chuyên sâu để phân tích thiết kế, xây dựng và phát triển các giải pháp phần mềm cũng như các hệ thống thông tin thông minh.

Vị đại diện này cho biết thêm, tại ĐHBK Hà Nội, Chương trình tiên tiến Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo cũng liên quan nhiều đến CNTT có mức điểm trúng tuyển khá cao là 27 điểm; ngành Toán – Tin: 25 điểm; Chương trình CNTT Việt Nhật: 25,70 điểm; CNTT Global: 26 điểm; ngành CNTT liên kết với ĐH Grenoble (Pháp): 20 điểm; ĐH La Trobe (Australia): 23,25 điểm, ĐH Victoria (New Zealand): 22 điểm, ĐH Troy (Hoa Kỳ): 20,60 điểm.

Tại ĐH Quốc gia Hà Nội, nhóm ngành CNTT của ĐH Công nghệ lấy điểm cao nhất 25,85 điểm cho khối A00 và A01. Đây cũng là mức điểm cao nhất trong các khoa, trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội.

Tại ĐH Công nghiệp Hà Nội, ngành có mức điểm chuẩn cao nhất là Công nghệ kỹ thuật điểu khiển và tự động hóa với 23,1 điểm; ngành CNTT lấy điểm cao thứ hai với 22,8 điểm. Còn tại ĐH Khoa học Công nghệ, rất nhiều thí sinh đạt giải Olympic Tin học quốc tế đã đăng ký theo học CNTT.

Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông PGS.TS Lê Hữu Lập cho biết, điểm chuẩn của trường năm nay đều tăng ở các ngành và CNTT là ngành tăng nhiều nhất (tăng 2 điểm): 24,10 điểm ở phía Bắc và 22 điểm ở phía Nam (năm ngoái: 22 điểm ở phía Bắc và 20,25 điểm ở phía Nam).

Không chỉ tại phía Bắc, ngành CNTT tại các trường ĐH khu vực phía Nam cũng có điểm chuẩn cao. Như tại ĐH Công nghệ Thông tin TP Hồ Chí Minh, điểm chuẩn ngành CNTT 24,65 điểm; An toàn thông tin: 24,45 điểm. Theo Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông Phùng Quán, tổng số NV năm nay tăng hơn năm ngoái ở các ngành gồm nhóm ngành máy tính và CNTT, KHMT (chương trình tiên tiến); CNTT (chương trình chất lượng cao); công nghệ sinh học, hóa học; Công nghệ kỹ thuật hóa học (chương trình chất lượng cao); Kỹ thuật điện tử – viễn thông, Kỹ thuật điện tử – viễn thông (chương trình chất lượng cao.

Ngành CNTT là ngành có điểm chuẩn cao thứ 2 của trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (sau ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô) với 25 điểm. Trước đó, trường có trên 57.000 nguyện vọng đăng ký và ngành CNTT là một trong 2 ngành của trường có nhiều TS đăng ký vào nhất. Nhiều chuyên gia cho rằng, xu hướng công nghệ đang “làm mưa làm gió” nên số thí sinh lựa chọn ngành CNTT nhiều kéo theo điểm chuẩn tăng cao là điều dễ hiểu.

“Khát” nguồn nhân lực IT

Việt Nam có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm công nghệ cao, trong đó có nhân sự CNTT giỏi, lương cạnh tranh và chính trị ổn định. Qua khảo sát, có 52% công ty CNTT nước ngoài cho biết, từng xem xét nhiều quốc gia khác trước khi quyết định thành lập văn phòng ở Việt Nam; 82,6% cho điểm nhân sự CNTT Việt cao hơn những nước khác ở tiêu chí về khả năng chuyên môn.

Bên cạnh đó, 21,7% cho biết đó cũng là một lợi thế mạnh của ngành CNTT Việt; 78,3% cũng tiết lộ Việt Nam có nguồn nhân sự dồi dào, trong khi 60,9% đồng ý rằng giáo dục của ngành CNTT tại Việt Nam đáng tin cậy hơn những quốc gia khác.

Khảo sát cũng cho thấy rằng 87% công ty IT cho điểm Việt Nam cao trong việc “chính trị ổn định”; 95,7% đồng ý rằng chi phí tổng và giá trị mang lại trong việc tuyển dụng nhân sự IT Việt cũng là lợi thế. Theo báo cáo hướng dẫn lương của Công ty tuyển dụng Adecco Việt Nam, năm 2019 có sự trỗi dậy mạnh mẽ, “khát” nhân lực, đặc biệt là nhóm nhân lực cao cấp trong ngành CNTT, sản xuất, tài chính.

Nhu cầu tuyển dụng ngành CNTT “nóng”, mức lương hấp dẫn sẽ tăng từ 20 – 50%, hơn 75% công ty khảo sát có kế hoạch tăng nhân sự CNTT từ 10 – 50%. Điều đáng mừng, Việt Nam đang đứng thứ nhất trong lợi thế về ngành CNTT vì nhân sự giỏi với mức lương cạnh tranh khi so sánh với những quốc gia khác. Trước nhu cầu nhân lực ngành CNTT, nhà tuyển dụng “khát” nhân sự chất lượng cao; Lập trình viên cấp cao (Senior Developer) là vị trí đang được săn đón nhiều nhất, các lập trình viên với trình độ thấp hơn (Junior/Middle Developer là vị trí được tuyển nhiều thứ hai.

Dựa trên những số liệu này cho thấy, có hàng nghìn cơ hội cho các lập trình viên Việt phát triển sự nghiệp trong năm 2019. Tuy nhiên, mặc dù nhân sự CNTT Việt được đánh giá cao về khả năng chuyên môn, nhưng 35% nhà tuyển dụng cho biết họ cần nhân lực năng lực thiết kế phần mềm và tư duy phản biện thay vì chỉ làm theo hướng dẫn.

Bên cạnh đó, 26,7% khuyên các lập trình viên Việt phải cải thiện khả năng tiếng Anh, vì ngày càng có nhiều dự án quốc tế. Quan trọng hơn, theo 15% nhà tuyển dụng, nhân sự CNTT Việt cần trung thành với một công ty hơn là cứ nhảy việc. Chỉ 11% nhà tuyển dụng cho biết họ nên cải thiện khả năng chuyên môn vì vốn đây là thế mạnh của họ.

Giám đốc điều hành của ITviec Chris Harvey khẳng định, Việt Nam đang trở thành trung tâm công nghệ không chỉ của Đông Nam Á mà của cả thế giới. Ngày càng có nhiều công ty CNTT ở nước ngoài vào Việt Nam và các công ty trong nước cũng đang phát triển nhanh. Theo như khảo sát từ trang tuyển dụng chuyên ngành CNTT hàng đầu Việt Nam, nhu cầu nhân lực trong ngành sản xuất, CNTT nhân sự, pháp lý cũng như dịch vụ tài chính tại Việt Nam tăng cao trong năm 2019.

Nguồn. Kinh tế & Đô thị

Tiện ích thông tin
QR Code
QR CODE: Ngành nào “soán ngôi” đầu mùa tuyển sinh 2019?
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác