Theo Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, từ ngày mồng 4 tháng Giêng Canh Tý, bà con ngư dân các địa phương ở Hải Phòng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện nhân lực, vật tư để ra khơi đầu xuân với mong muốn năm đánh bắt bội thu “thuận buồm, xuôi gió”. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu gặp khó khăn về nguồn lao động.
Nhiều tàu thiếu lao động, chưa thể ra khơi
Vào thời điểm này, một số chủ tàu vẫn chưa thể ra khơi vì thiếu lao động đi biển, nhất là đối với tàu chụp mực công suất lớn, cần từ 8-10 lao động/tàu trở lên, nhưng hiện chỉ có 4-5 lao động. Ông Nguyễn Thanh Xuân, Chi cục Trưởng chi cục Thủy sản thành phố cho biết, nhiều tàu đang thiếu lao động đi biển trong dịp sau Tết. Từ ngày 16 tháng Giêng, nhiều tàu cá của ngư dân các địa phương tập trung ra khơi, mỗi tàu cá khai thác xa bờ cần từ 8-10 lao động. Ngoài một số chủ tàu sử dụng lao động đi biển tại địa phương, phần lớn những tàu cá vươn khơi xa bờ của Hải Phòng thường thuê lao động ở các tỉnh miền Trung như: Thanh Hóa, Nghệ An…Vì thế, sau Tết một số chủ tàu không chủ động được nguồn lao động dẫn đến thiếu hụt thủy thủ, khó khăn ra khơi sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Thủy Nguyên, đến ngày 11-2, toàn huyện có 50% số tàu cá (hơn 100 chiếc) của bà con ra khơi, trong đó tập trung ở bến cá Đông Xuân, Mắt Rồng. Một số tàu cá của Thủy Nguyên đỗ tại Cát Bà, Cô Tô cũng ra khơi trong dịp này. Tuy nhiên, năm nay nguồn lao động đi biển của địa phương gặp nhiều khó khăn, nhiều tàu cá thiếu hụt lao động.
Tương tự, tại các địa phương như: Cát Hải, Đồ Sơn, Bạch Long Vỹ lao động đi biển đầu năm thiếu hụt so với bình thường. Trưởng Phòng Kinh tế quận Đồ Sơn Hoàng Đình Dũng thông tin, từ ngày mồng 6 tháng Giêng, trên địa bàn quận có hơn 180 phương tiện khai thác thủy sản các loại với gần 700 lao động nghề biển ra khơi. So với yêu cầu, số lao động nghề biển hiện thiếu hụt hơn 300 người, ảnh hưởng đến hiệu quả đi biển. Cũng vì vậy, nhiều chủ phương tiện khai thác thủy sản ở Đồ Sơn không dám đầu tư đóng tàu to, trang bị máy công suất lớn, sắm ngư cụ hiện đại; nhiều tàu vươn khơi hoạt động cầm chừng, thậm chí “đắp chiếu” vì thiếu lao động.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản thành phố, đến ngày 13-2, toàn thành phố có hơn 300 tàu khai thác xa bờ ra khơi đánh bắt vụ cá Bắc. Nhìn chung, nhiều tàu cá thiếu lao động đi biển, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác.
Cần giải pháp khắc phục “dài hơi”
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thành phố: số lao động tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu lao động đi biển cho các chủ tàu, 30% số lao động đi biển còn lại phải thuê từ các tỉnh ngoài. Ngoài ra, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên sau Tết một số lao động còn e ngại, ở nhà tránh dịch bệnh, chưa tiếp tục về Hải Phòng làm việc.
Trước thực tế thiếu nguồn lao động đi biển dịp sau Tết, ngành Nông nghiệp – PTNT phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai giải pháp hỗ trợ ngư dân tìm kiếm lao động thay thế. Trước mắt, tập trung rà soát, nắm bắt số tàu cá chưa thể ra khơi trong dịp này để định hướng, hỗ trợ. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ ngư dân tìm nguồn lao động từ các tỉnh bạn có tiềm năng như: Thanh Hóa, Nghệ An… Các Ban quản lý cảng cá, bến cá chủ động cung cấp thông tin, giới thiệu, liên hệ với các địa phương và các chủ tàu tỉnh bạn tìm lao động cho các chủ tàu cá ở Hải Phòng. Về dài hạn, trong năm 2020, Chi cục Thủy sản phối hợp các địa phương tổ chức, hỗ trợ đào tạo, cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho các chủ phương tiện tàu cá còn thiếu hoặc có chứng chỉ nhưng không đúng hạng bảo đảm đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định trước khi xuất bến. Chi cục Thủy sản tham mưu với thành phố một số chính sách hỗ trợ ngư dân bám nghề biển. Ngoài cơ chế hỗ trợ giúp nâng cao thu nhập cho ngư dân, chi cục sẽ đề xuất thành phố các chính sách phát triển cộng đồng ven biển với đặc thù nghề biển, giảm sự vất vả của ngư dân giúp người lao động vươn ra khơi xa bám biển dài ngày.
Chi cục cũng mong các địa phương quan tâm hơn nữa, có chính sách phù hợp giúp ngư dân tăng thu nhập, đào tạo nghề ngắn hạn và dài hạn, kể cả việc đầu tư cho đào tạo nghề theo phương thức “truyền nghề”, góp phần giữ lao động nghề cá.
Bài: Tiến Đạt – Ảnh: Duy Thính/Báo Hải Phòng