Print Thứ Bảy, 26/01/2019 17:50

Hải Phòng hiện có hàng chục cơ sở sản xuất giầy dép từ quy mô nhỏ đến lớn. Trong hơn 30 năm đổi mới, dù có lúc thăng trầm khác nhau, nhưng giầy dép vẫn là một trong những phân ngành kinh tế mũi nhọn của công nghiệp thành phố. Không chỉ đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất nhập khẩu, phục vụ tiêu dùng nội địa, mà còn giải quyết được việc làm cho một bộ phận lớn người lao động Hải Phòng.

      Kỳ 1:  Luôn ở thế tiên phong

Trong lịch sử nghề giầy Việt Nam, Hải Phòng có lẽ không phải là địa phương khởi nguồn của nghề truyền thống. Theo một số người trong nghề, thì từ thời Pháp thuộc, Hải Phòng đã xuất hiện một số cơ sở đóng giày thủ công, nhưng do công nghệ lạc hậu, nhu cầu tiêu dùng chưa thực sự phổ biến, nên nghề cũng không có cơ hội phát triển.

Sau khi miền Bắc được giải phóng, Việt Nam gia nhập khối các nước xã hội chủ nghĩa. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, chiến lược công nghiệp hóa – hiện đại hóa tại Hải Phòng có những bước tiến đột phá. Cùng với hàng loạt ngành nghề vừa được phục hồi, vừa mới phát triển như cơ khí – chế tạo, đóng tàu, hóa chất, chế biến thực phẩm, may mặc… sản xuất giày dép cũng được công nghiệp hóa, trở thành một phân ngành kinh tế, đưa Hải Phòng cùng với Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định… là những trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc.

 Dấu ấn đáng kể bắt đầu từ năm 1959,  khi một nước XHCN là Tiệp Khắc đã giúp Việt Nam xây dựng nhà máy giầy da đặt tại Hải Phòng. Ngày ấy người Tiệp Khắc mang nguyên phụ liệu, thiết bị và thương hiệu Svit nổi danh bậc nhất thế giới sang Việt nam, vì vậy những đôi giầy da theo công nghệ Svit sản xuất tại Xí nghiệp giày da Hải Phòng đã nhanh chóng nức tiếng.

Tiếc rằng, trong thời kỳ nền kinh tế tập trung, các phân khúc thị trường bị kiểm soát nghiêm ngặt nên giày da Hải Phòng chưa thực sự là sản phẩm mang tính đại chúng.

Bước sang thập kỷ 80 của thế kỷ 20, trong khuôn khổ của Hội đồng tương trợ kinh tế, Hải Phòng được sự đầu tư rất lớn từ các nước Liên Xô (cũ), CHDC Đức (cũ), Tiệp Khắc (cũ). Bắt đầu từ đây, với nòng cốt là Xí nghiệp giày da Hải Phòng, cùng những thương hiệu khác cũng đã khá nổi tiếng như Giày vải Thống Nhất, Hợp Lực, Tân Thái Hoa… hợp nhất lại thành Liên hiệp các xí nghiệp giày dép Hải Phòng.

Trong thời kỳ phát triển tốt nhất, Liên hiệp có lúc sử dụng tới hơn hai vạn lao động, làm việc trong các dây chuyền sản xuất khép kín, khá hiện đại. Dù trở thành trung tâm sản xuất giày dép lớn, nhưng thực tế các nhà máy đặt tại Hải Phòng cũng chỉ gia công phần mũ để xuất khẩu, chứ cơ bản không sản xuất bán trong nước, kể cả những xưởng sản xuất của Tiệp Khắc giúp đỡ trước đó.

Tuy nhiên sự chấm dứt giai đoạn lịch sử gần 30 năm của hãng Svit Tiệp Khắc lại chính là cơ hội cho nghề đóng giầy tư nhân của Hải Phòng phát triển. Theo chia sẻ của ông Vũ T., chủ một cơ sở sản xuất giầy ở Hàng Kênh, thời điểm đó vào khoảng năm 1985, bố ông T. vốn dĩ là một cán bộ kỹ thuật của Xí nghiệp giầy da Hải Phòng. Lúc này bố ông T. nghỉ hưu, tiếc nghề nên cùng một số thợ già khác sắm dụng cụ mở “lò” tại nhà. Nhưng nguồn nguyên phụ liệu Tiệp Khắc không còn, nguồn da trong nước cũng chỉ có Thụy Khuê và vài cơ sở gia công, kinh tế khó khăn nên ít khách hàng. Vả lại mẫu mã cũng nghèo nàn, thiếu phụ liệu các thợ dùng kếp hoặc bột gạo nếp thay keo, sợi bao dứa vê sáp thay chỉ nên chất lượng kém là một nhẽ, sản lượng cũng ì ạch.  Ông T. cười nhớ lại: “May mà ai có đôi giầy da lúc đó chỉ dám đi một năm vài lần vào dịp đại lễ, nên độ bền cũng khó có tiêu chí nào kiểm chứng…”.

Trở lại với ngành công nghiệp sản xuất hàng loạt, khi hệ thống XHCN Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, việc gia công mũ giày tại Hải Phòng cũng vỡ theo, bỏ lại những nhà máy lạnh lẽo. May thay, công cuộc cải cách mở cửa kinh tế đã đem lại cho xã hội một bộ mặt hoàn toàn thay đổi, ngành giày dép tưởng như đã bị cáo chung, nhưng nhờ đời sống dân chúng tăng cao nên nhu cầu đi giầy da càng ngày càng lớn.

Người ta không chỉ đi giầy trong mùa đông hoặc các dịp đại lễ nữa mà hầu như quanh năm, nhất là những người làm nơi công sở. Nhu cầu này đã thức tỉnh tư duy sáng tạo của những người thợ Hải Phòng, tự mày mò công nghệ và khắc phục điểm yếu về cung ứng nguyên vật liệu, biến nghề đóng giầy da thủ công thành một phân ngành kinh tế đáng kể.

Tất nhiên, vì xuất pháy điểm thấp, trong bối cảnh “vạn sự khởi đầu nan”, thời gian đầu việc phát triển ngành nghề tại Hải Phòng rất èo ọt. Mặc dù vậy, so với trước đó giầy da chế tác thủ công đẹp và bền hơn rất nhiều, những đôi kiểu quân nhu, đế lốp ô tô nặng nề kém thẩm mỹ được thay thế bằng nhiều mẫu mới phong phú.

Các cơ sở giầy lúc này cũng bắt đầu chú trọng đến thương hiệu, với sản phẩm hoàn chỉnh đồng bộ, hệ thống cửa hàng bán nguyên liệu phụ liệu cũng được nâng cấp và khai thác nguồn hàng đa chủng loại. Đồng thời nhờ sự phát triển của nghề giầy nội địa mà ngành sản xuất phụ trợ cũng phát triển sôi động, các nhà máy thuộc da xuất xưởng nhiều loại da rất tốt, bề mặt đẹp và mầu sắc phong phú. Một số thợ cơ khí Hải Phòng cũng đã mày mò tự chế các dây chuyền sấy nhiệt, máy ép đế, máy định vị, máy đúc phom nhựa theo kiểu… Việt Nam.

Nhưng công nghiệp sản xuất giày dép của Hải Phòng thực sự tái sinh và bùng nổ phải là thời điểm từ năm 1993, khi Luật đầu tư nước ngoài ra đời và sưởi ấm bằng hàng loạt dự án đầu tư từ các nước tư bản. Từ đây, công nghiệp sản xuất giày dép Hải Phòng được định hình rõ nét hơn, bên cạnh những cơ sở tư nhân chuyên về đồ da, các dạng hình  được phân định thành nhà máy giầy thể thao, giầy vải, giầy da, giầy nữ, giày trẻ em… do đặc thù công nghệ.

Chỉ trong thời gian ngắn, Hải Phòng đã trở lại vị trí dẫn đầu cả nước về sản xuất giày dép, gồm cả công nghệ, chất lượng và số lượng, đặc biệt giải quyết được việc làm cho hàng chục vạn lao động của cả khu vực miền Bắc

                                                                                      (còn nữa)

Báo an ninh Hải Phòng 10/7/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ngành giày dép Hải Phòng – Những cung bậc thăng trầm
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác