Có thể nói, sự kiện đổ vỡ hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu để lại hậu quả hết sức nặng nề đối với Việt Nam trên mọi phương diện, trong đó ngành công nghiệp da giày có lẽ phải hứng chịu thiệt hại lớn nhất. Vì bản chất đây là sản xuất gia công xuất khẩu, không những bị buộc trở thành “chủ nợ” các nước lớn, mà muốn xoay chuyển theo hướng thị trường hàng hóa cũng bó tay. Chưa kể, vì đặc thù sử dụng nhiều lao động, ngành cũng đối mặt với những hệ lụy vô cùng lớn khi để hàng vạn công nhân thất nghiệp bị đẩy ra đường.
Tuy nhiên, nhờ sự ra đời của Luật đầu tư nước ngoài và nỗ lực của một số cá nhân xuất sắc, ngành da giầy Hải Phòng đã vượt qua cơn bĩ cực. Khoảng nối đáng buồn ấy đã qua gần 30 năm, nhưng nhiều người trong nghề vẫn nhắc đến công lao của Anh hùng lao động Nguyễn Gia Thảo, khẳng định ông là người có công lớn nhất khi “cứu” công nghiệp sản xuất giày của Hải Phòng.
Có thể nói Anh hùng Nguyễn Gia Thảo là người đi tiên phong trong việc kêu gọi đầu tư FDI vào địa bàn thành phố, với các tổ hợp sản xuất giày dép và sản phẩm liên quan được tái lập bằng yếu tố đầu tư nước ngoài.
Mở đầu là các liên doanh Kai Nan, Gian-V với Đài Loan (8-1992), tiếp đó là liên doanh găng tay da Witco, bóng da Molten với Nhật Bản, giày nữ Niệm Nghĩa với Đài Loan (1993-1994), và lần lượt các nhà máy gia công, công nghiệp phụ trợ được xây dựng bằng nguồn vốn FDI đến từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển khắp thành phố.
Trong bối cảnh đất nước đứng trước vô vàn thách thức, sự phục hồi của công nghiệp da giày Hải Phòng có ý nghĩa cực kỳ lớn. Đáng kể nhất là ngăn chặn được làn sóng thất nghiệp lan rộng, đưa Hải Phòng không chỉ dẫn đầu về thu hút đầu tư FDI mà còn thu hút nguồn lực lao động của cả khu vực phía Bắc.
Chưa hết, dấu ấn của nhà cầm quân Nguyễn Gia Thảo, với tư cách Chủ tịch Hiệp hội da giầy Việt Nam kiêm Chủ tịch – Tổng giám đốc Công ty da giày Hải Phòng còn rõ nét trong các tổ hợp đầu tư sản xuất ngoài nhà nước, với sự ra đời của hàng loạt Nhà máy mang tên Đỉnh Vàng, Liên Dinh, Sao Vàng, Sao Sáng, Thành Công, Hải Thất…
Đồng thời tạo cảm hứng cho các nhà đầu tư khác khi nhân rộng mô hình thành các Nhà máy: Châu Giang, Thiên Vinh, Cự Bách, StarWay, Aurora, Thành Hưng, Thái Bình Dương, Việt Nhật… Chỉ trong vài năm, Hải Phòng đã giành lại vị trí “thủ đô” của công nghiệp giày dép như thế.
Khỏi phải nói đến vai trò của sự trở lại ngoạn mục này, riêng trên lĩnh vực xã hội, ngành da giày đã giải quyết được việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục vạn lao động. Thu nhập của người lao động từ lĩnh vực này làm tăng sức mua cho xã hội, tạo kích cầu phát triển thị trường, làm thay đổi đáng kể đời sống của lao động khu vực nông thôn.
Đáng chú ý, mặc dù sử dụng đông lao động, tiềm ẩn nhiều tranh chấp, nhưng ngành da giày cũng đi tiên phong trong việc hoàn thiện thành lập các tổ chức đại diện xã hội như Công đoàn, hay các tổ chức chính trị xã hội như cơ sở Đảng, Đoàn Thanh niên, Hội Thanh niên… góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Còn trên lĩnh vực kinh tế, phân ngành da giày xứng đáng là mũi nhọn, với nguồn thu đáng kể cho ngân sách, cũng như đóng góp vào chỉ số tăng trưởng của ngành công nghiệp nói chung hàng năm. Điều quan trọng nữa là, nhờ sản xuất hoàn chỉnh từ “a đến z”, Hải Phòng đã từng bước làm chủ công nghệ, sẵn sàng xoay chuyển tình thế khi đối diện với rủi ro.
“Nước nổi, bèo nổi”, sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp sản xuất giày dép xuất khẩu, cũng chính là là yếu tố căn bản để vực dậy ngành sản xuất giày dép tiêu thụ nội địa. Cần phải thấy rằng, dù đã hình thành phân ngành kinh tế tiểu thủ công nghiệp trước đó, nhưng giày dép nội địa thời gian đầu mang nặng yếu tố tự phát, có phần bảo thủ cả về mô hình, công nghệ, mẫu mã, chất lượng và thị trường.
Hầu hết các cơ sở đều hình thành từ tâm huyết của những người thợ cũ, một thời gian dài thụ động vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu tận dụng thải ra từ các nhà máy lớn. Tuy nhiên cũng từ con đường này mà công nghệ nước ngoài và cả nguyên liệu bị “rò” bằng nhiều cách khác nhau, nhờ thế những đôi giầy da “Made in Hải Phòng” đã đủ tự tin ra thị trường.
Phát huy từ điều này, nhiều mô hình sản xuất đã tìm được hướng thoát ly phương pháp sản xuất cá thể, mạnh dạn thiết lập công nghệ mới đủ sức cạnh tranh, nhất là với hàng hóa Trung Quốc. Nếu như thời gian trước, dù có sự liên kết nhất định nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất giày nội địa trên địa bàn thành phố đều hoạt động độc lập, mấy năm gần đây nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến hơn, các cơ sở giày da tiểu thủ công nghiệp Hải Phòng đã tụ thành mô hình hợp tác xã, nhưng vẫn theo thương hiệu riêng.
Người sắm máy làm đế, người chuyên làm mũ, người chuyên gò… nhờ vậy sản lượng tăng cao, nhưng quan trọng hơn là sản phẩm có chất lượng khá đồng đều. Sản xuất phát triển đã giúp cho nhiều ngành dịch vụ liên quan khác phát triển theo, như việc cung cấp nguyên phụ liệu hay kinh doanh bán lẻ sản phẩm là một ví dụ. Một phân ngành kinh tế mới theo hướng công nghiệp hóa đang định hình khá rõ nét, góp phần làm giàu thêm bản đồ công nghiệp thành phố.
Những bước đi nhiều thăng trầm, nhưng nhìn từ mọi góc độ cho thấy, Hải Phòng đã đóng góp xứng đáng khi đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu giày dép lớn nhất thế giới. Nhưng cùng với sự vận động của thời gian, việc Việt Nam gia nhập nhóm các nước đang phát triển cũng đồng nghĩa với việc ngành giày dép mất đi những cơ hội ưu đãi.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều Hiệp định thượng mại tự do được Việt Nam tham gia, sự ảnh hưởng hiện hữu của cách mạng công nghiệp 4.0… khiến ngành giày dép đang phải đối diện ở một sân chơi cạnh tranh sòng phẳng. Thậm chí cả sự “rùng mình” của các nền kinh tế lớn như tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra, đều ảnh hưởng đến sản xuất của Việt Nam.
Đó là thách thức có tính cộng hưởng cho ngành giày dép Hải Phòng, nhất là giữa điều kiện hàm lượng công nghệ trong thu hút đầu tư đang được cân nhắc định hình lại như hiện nay.
Hoàng Minh – Báo an ninh Hải Phòng 17/7/2018