Năm 2018 không chỉ là “mùa vàng” bội thu của ngành Giáo dục- Đạo tạo (GD- ĐT) thành phố trên lĩnh vực phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, mà còn được coi là “năm của cơ chế giáo dục” khi nhiều cơ chế, chính sách được thành phố ban hành có tác động tích cực đến sự phát triển của ngành và đời sống xã hội. Phóng viên Báo Hải Phòng phỏng vấn đồng chí NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) thành phố về hiệu quả và định hướng phát triển các cơ chế, chính sách đó.
– Đồng chí cho biết, những cơ chế, chính sách thiết thực của thành phố trong lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo đi vào đời sống năm qua?
-Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; phát triển giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa, trên sự xây dựng và tham mưu của Sở GD-ĐT, thành phố chú trọng nghiên cứu, thông qua những cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng quy mô trường, lớp; giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn.
Theo đó, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về “Cơ chế chính sách trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế thành phố Hải Phòng”. Nghị quyết áp dụng vào thực tiễn nhanh chóng, kịp thời. Thành phố thưởng gần 3 tỷ đồng tặng các học sinh và giáo viên có học sinh đoạt giải trong kỳ thi Olympic quốc tế và kỳ thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2018, tạo “cú hích” quan trọng đối với phong trào “dạy tốt, học tốt” trong nhà trường; tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của thành phố. Đặc biệt, đối với những học sinh đạt giải, nghị quyết không những mang lại giá trị tinh thần to lớn mà còn thiết thực hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu của các em sau này. Bản thân gia đình có học sinh đạt giải hay đang phấn đấu tham gia các kỳ thi cũng yên tâm và phấn khởi hơn khi các em được thành phố “nâng bước”, giảm bớt áp lực về kinh phí học tập, đi lại, ăn ở.
Năm 2018 cũng là năm mang lại niềm vui cho hơn 1.970 nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non, khi Nghị quyết chi hỗ trợ đối với lao động hợp đồng vị trí nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn thành phố có hiệu lực từ ngày 1-8-2018, với hệ số 1,86/người/tháng theo mức lương cơ sở. Nghị quyết thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu của lãnh đạo thành phố, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để dần nâng mức lương cho cô nuôi cao hơn mức tối thiểu vùng, giúp các cô yên tâm công tác, chăm sóc học sinh và tạo thuận lợi cho nhà trường trong việc thu hút tuyển cô nuôi.
HĐND thành phố cũng ban hành các nghị quyết về: “Quy hoạch phát triển giáo dục phổ thông và mầm non Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, “Phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019”, “Quy định mức thu học phí năm học 2018-2019 đối với các trường công lập (mầm non, phổ thông và GDTX) trên địa bàn”. Các cơ chế, chính sách này đều nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy tác dụng rất rõ nét.
– Đâu là nguyên nhân giúp ngành GD- ĐT thành phố “gặt hái” được thành công lớn trong năm 2018?
-Trước hết, cần khẳng định rằng, năm 2018, ngành GD-ĐT thành phố có được thành tích lớn này là nhờ sự quan tâm thiết thực, kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, nhất là sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố. Cùng với đó là lòng quyết tâm, trí sáng tạo của lãnh đạo ngành GD-ĐT, các thầy, cô giáo, đặc biệt là nỗ lực của bản thân các em học sinh và sự hỗ trợ, động viên, đầu tư của các gia đình.
Đối với mỗi cơ chế, chính sách, ngành GD-ĐT thành phố xác định phải xây dựng, tham mưu dựa trên tình hình thực tế; phù hợp với sự phát triển chung của giáo dục cả nước và thế giới. Đơn cử, những năm qua, Hải Phòng chưa có cơ chế, chính sách giáo dục đặc thù, tương xứng với vị trí tốp đầu cả nước về công tác phát hiện, bồi dưỡng nhân tài. Trong khi đó, thành tích đạt giải cao các môn văn hóa trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế có biểu hiện chững lại. Nguyên nhân quan trọng do các mức chi từ ngân sách chưa bảo đảm nên gây rất nhiều khó khăn đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi. Trên cơ sở đó, thành phố và ngành GD- ĐT cho “ra đời” cơ chế mới trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi; tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế thành phố Hải Phòng.
– Năm 2019, ngành GD- ĐT thành phố tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào để phát huy hiệu quả của các cơ chế, chính sách?
– Hướng tới mục tiêu này, bên cạnh việc thực hiện tốt nhóm 9 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2018-2019, những người làm quản lý giáo dục phải luôn vận động, sáng tạo, kế thừa và phát huy những kết quả đạt được của năm cũ; thường xuyên sâu sát mọi mặt của giáo dục; đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ giáo viên và các em học sinh; từ đó đề ra những định hướng, giải pháp cụ thể. Đặc biệt, trong năm 2019, Sở GD-ĐT thành phố tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung thu hút đội ngũ giáo viên chất lượng cao làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, để khối trường chuyên có căn cứ pháp lý tiến hành công tác tuyển dụng nhân lực, cũng như chủ động đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết. Song hành với nhiệm vụ này, ngành GD- ĐT thành phố xác định, việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi là cả một quá trình đòi hỏi sự đầu tư công phu, lâu dài. Việc bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi quốc gia, Olympic quốc tế chỉ như phần “ngọn”, nếu không có “gốc” thì khó đạt kết quả cao. Bởi vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu thành phố sẽ được chú trọng, khuyến khích thực hiện từ bậc tiểu học, THCS.
Một điều đáng lưu ý mà ngành GD- ĐT cần tích cực triển khai, đó là duy trì và đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục và thực hiện công khai theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28-12-2017 của Bộ GD-ĐT, để các cấp, các ngành hiểu và đồng hành ngành trong thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT.
– Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Năm 2018, trên địa bàn thành phố có 836 đơn vị trường học với 500 nghìn học sinh, trong đó trường ngoài công lập là 120 trường và 42 nghìn học sinh. Số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trên 30 nghìn người. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được quan tâm, đầu tư; có thêm 135 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường được công nhận lên 353 trường. Cùng với đó, tỷ lệ học sinh được lên lớp đạt 99,9%; được công nhận tốt nghiệp THCS lên tới 99,95%; tốt nghiệp THPT là 99,13%.
Đặc biệt, năm 2018 là năm thứ 4 liên tiếp, ngành GD- ĐT thành phố đứng thứ 2 toàn quốc về kết quả học sinh giỏi quốc gia, sau Hà Nội; đứng đầu toàn quốc về số học sinh đoạt giải nhất, với 11 giải nhất, 24 giải nhỉ, 28 giải ba, 28 giải khuyến khích. Cùng năm, ngành GD- ĐT thành phố kéo dài chuỗi thành tích nhiều năm liền Hải Phòng có học sinh đạt giải quốc tế khi “gặt hái” 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế; 1 huy chương vàng kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế và giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế Intel ISEF năm 2018 tại Mỹ.
Phương Linh – Báo Hải Phòng 03/01/2019
Các nhà phân tích của JPMorgan dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục tăng và…
Tối 11/1, tại Nhà hát thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
Sau khi sắp xếp bộ máy bên trong các bộ ngành sẽ giảm 13/13 tổng…
Bộ trưởng Nội vụ vừa có báo cáo bổ sung, trong đó thành lập Bộ…
Chiều 10/1, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng tổ chức Lễ kỷ niệm…
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 10/01/2025 Chương trình hành động thực…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More