Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, bắt đầu từ ngày 7/2, cũng giống như các tỉnh/thành khác trên phạm vi cả nước, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục, Hải Phòng đã mạnh dạn mở cửa trường học, đón học sinh (HS) quay lại trường, lớp tham gia học trực tiếp.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, việc tổ chức dạy-học trực tiếp của các thầy cô giáo và các em HS đang bị gián đoạn, vấp phải rất nhiều khó khăn, trở ngại…
Số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh
Để sẵn sàng cho việc mở cửa trường học, trước đó, căn cứ vào diễn biễn tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, UBND TP đã quan tâm, chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mở cửa trường học an toàn. UBND TP và Sở GD&ĐT đã xây dựng, thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn cho HS khi đến trường học trực tiếp.
Kịch bản dạy học linh hoạt, an toàn cho HS tùy theo tình huống dịch cũng được xây dựng sẵn sàng áp dụng vào thực tế. Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học được triển khai đến toàn thể cán bộ, nhân viên, giáo viên, HS, phụ huynh.
Hệ thống cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn trường, lớp được hệ thống trường học các cấp triển khai nghiêm túc, bài bản, đảm bảo an toàn môi trường học đường để phụ huynh yên tâm cho con em mình đi học trở lại.
Và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trẻ em, HS các cấp trên địa bàn thành phố phấn khởi cắp sách tới trường gặp bạn bè, thầy cô trong tâm thế sẵn sàng áp dụng đầy đủ khuyến cáo 5K phòng chống dịch trong suốt quá trình học tập.
Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tuần tổ chức dạy học trực tiếp, số ca dương tính với Covid-19 trong HS và giáo viên, nhân viên ngành giáo dục không ngừng tăng cao, khiến các cơ sở giáo dục gặp không ít khó khăn, lúng túng trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Tính đến ngày 16/2, theo Bộ GD&ĐT, Hải Phòng trở thành địa phương đứng đầu cả nước về ca HS, giáo viên, nhân viên các trường học nhiễm dịch tăng mạnh sau khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp (chiếm 1,76%, với 9.649 ca).
Tỷ lệ học sinh đến trường chưa cao
Một số phụ huynh học sinh đã nảy sinh tâm lý lo ngại trước việc cho con em mình trở lại trường học trực tiếp, nhất là đối với cấp Mầm non và Tiểu học, trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng dịch nên dẫn đến tỷ lệ trẻ em, HS đến trường thấp (ngày 15/2, Hải Phòng chỉ đạt 11,7 % trẻ Mầm non đến trường).
Đơn cử có thể kể đến Trường Mầm Non Sao Mai, thị trấn Núi Đèo, Thủy Nguyên. Theo chia sẻ của Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu Trưởng nhà trường thì Trường Mầm non Sao Mai có 552 cháu ở các độ tuổi từ Mầm non đến Mẫu giáo. Ngày đầu mở cửa trường học trở lại, nhà trường đón 103 cháu ở các độ tuổi đến học.
Nhưng đến cuối tuần, số trẻ đến trường đã giảm xuống chỉ còn 17 cháu. Số trẻ đến trường giảm dần một phần do thời tiết mưa, lạnh, phần còn lại do gia đình các cháu bị cách ly do có F0, F1 nguy cơ cao, nhiều cháu cũng thuộc diện cách ly do lây nhiễm dịch Covid-19 từ bố mẹ.
Áp dụng linh hoạt các hình thức dạy học
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, ngày 17/2, tỷ lệ học sinh đến trường học trực tiếp của Hải Phòng chưa cao, bình quân toàn thành phố đạt trên 30%.
Việc đến trường tham gia vào các khâu trong quá trình tổ chức dạy-học trực tiếp không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm của các thầy cô giáo mà còn là trách nhiệm và quyền lợi chính đáng của HS.
Đến trường, các em được trực tiếp nghe thầy cô giáo truyền thụ kiến thức, được trực tiếp tương tác trong quá trình học tập với thầy cô, bạn bè; không bị gián đoạn việc học do các yếu tố như mạng, sóng, đường truyền… của quá trình dạy học online ở nhà có thể gặp phải nên khả năng tiếp thu kiến thức sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Như vậy, việc dạy học trực tuyến hay online đều có những ưu thế và nhược điểm riêng của mỗi loại hình tổ chức. Làm thể nào để việc tổ chức dạy học diễn ra an toàn, hiệu quả nhất, vừa đáp ứng tốt nhiệm vụ, yêu cầu của quá trình dạy-học, vừa phù hợp với nguyện vọng chính đáng của HS, phụ huynh HS đặt trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay?!
Giải đáp vấn đề này, Sở GD&ĐT thành phố đã phát đi thông báo. Theo đó, mục tiêu trước mắt của ngành GD&ĐT thành phố là phấn đấu để nhân dân, phụ huynh, HS đồng thuận, tin tưởng vào chủ trương “mở cửa trường học”.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND TP, Ban Giám đốc Sở yêu cầu các nhà trường thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo đã ban hành và lưu ý một số vấn đề sau: Hiểu, thực hiện đúng chủ trương “trường học mở cửa sẵn sàng”.
Việc đưa HS trở lại học trực tiếp cần lấy tuyên truyền, vận động, thuyết phục là chính; tuyệt đối không máy móc, áp đặt, bắt buộc HS tới trường bằng bất cứ hình thức nào. Không tùy tiện đặt ra những quy định, thủ tục, cam kết, giấy tờ gây khó khăn, phiền phức đối với phụ huynh, HS, giáo viên, nhân viên, đặc biệt trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp như hiện nay.
Việc tổ chức dạy học của các trường cần linh hoạt, bám sát tình hình dịch bệnh của từng lớp, từng trường, từng HS, giáo viên; cố gắng giảm thiểu áp lực đối với HS, giáo viên, bảo đảm an toàn trước dịch bệnh.
Theo đó, hiện nay, các trường học trên địa bàn thành phố đang áp dụng linh hoạt các hình thức dạy học: Trực tiếp, trực tuyến/online và kết hợp hài hoà giữ việc học trực tiếp-trực tuyến để giảng dạy nhằm đảm bảo tất cả HS đều được tham gia học tập.
Đối với những trường hợp HS, giáo viên thuộc diện F0, F1 nguy cơ cao sẽ chuyển từ dạy-học trực tiếp sang trực tuyến. Những HS, giáo viên sức khoẻ tốt, ổn định thì tiếp tục đến trường dạy-học trực tiếp, áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. Việc đến trường học là hoàn toàn tự nguyện, nhà trường không bắt buộc HS tới trường bằng bất cứ hình thức nào.
Các bậc phụ huynh có thể yên tâm lựa chọn hình thức học tập trực tuyến ở nhà hay tới trường cho con em mình dựa trên tình trạng sức khoẻ của các con và diễn biến tình hình dịch Covid-19 để bảo đảm cho quá trình học tập được an toàn và đạt hiệu quả cao nhất có thể.
Khánh Chi, Thủy Chung