Ngành Du lịch thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết 08-NQ/TW

Trong quá trình 59 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Du lịch luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của đất nước. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) đã xác định Du lịch là ngành kinh tế quan trọng có thể phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế quốc dân. Quan điểm đó tiếp tục được khẳng định trong các kỳ Đại hội VIII, IX, X của Đảng.

Năm 1994, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW về phát triển du lịch trong tình hình mới. Năm 1998, Bộ Chính trị tiếp tục ra Thông báo Kết luận 179-TB/BCT về tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng của đất nước. Ngày 16/01/2017, chủ trương về phát triển du lịch đã được nâng lên tầm cao mới với việc Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là lần đầu tiên ngành Du lịch nhận được sự chỉ đạo toàn diện, sâu sắc của lãnh đạo Đảng bằng Nghị quyết của Bộ Chính trị.


Lễ đón vị khách thứ 15 triệu đến Việt Nam năm 2018 

Quan điểm mạnh mẽ, toàn diện

Nghị quyết 08-NQ/TW là bước chuyển hóa cụ thể Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đồng thời thể hiện định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước: “Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Nghị quyết xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước với động lực phát triển từ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; tập trung nguồn lực quốc gia cho phát triển du lịch. Với quan điểm này, Du lịch đã được đặt vào vị trí trung tâm. Đây là sự chuyển biến quan trọng khi du lịch đã được nhận thức với tư cách là động lực cho sự phát triển kinh tế. Ngoài các quan điểm định hướng, Nghị quyết chỉ ra các “điểm nghẽn” và yêu cầu phải có chính sách cụ thể như việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; đầu tư vào các địa bàn trọng điểm, vùng sâu vùng xa; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; quy hoạch, quảng bá xúc tiến; chuyển đổi cơ chế phí tham quan sang cơ chế giá dịch vụ; các chính sách về giá điện, thuế sử dụng đất, tiền thuê đất, thủ tục nhập cảnh… Đặc biệt, Nghị quyết nêu rõ: “đối với những vấn đề cấp bách cần triển khai ngay để tạo đột phá cho du lịch phát triển, nếu chưa có văn bản pháp luật quy định hoặc có quy định khác thì cho thực hiện thí điểm”. Chủ trương này là cơ sở để tháo gỡ các khó khăn, xây dựng các chính sách đột phá của Ngành.

Nghị quyết chỉ rõ 08 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới, gồm: (1) Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; (2) Cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; (3) Hoàn thiện thể chế, chính sách; (4) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; (5) Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; (6) Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; (7) Phát triển nguồn nhân lực du lịch; (8) Tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tạo ra bước ngoặt phát triển

Có thể khẳng định, sau hơn 2 năm ra đời, Nghị quyết 08-NQ/TW đã tạo ra động lực mang tính bước ngoặt cho sự phát triển du lịch nước ta. Du lịch Việt Nam đã phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và có chuyển biến về chất. Trong vòng 3 năm 2015 – 2018, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần so với kết quả tích lũy suốt 55 năm trước đó, tốc độ tăng trưởng liên tục đạt gần 30%/năm. Năm 2018, Du lịch Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước có mức tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch. Nhiều dự án du lịch, khu du lịch, khu vui chơi giải trí có quy mô, chất lượng và phương thức kinh doanh hiện đại, theo tiêu chuẩn quốc tế tại các địa phương hình thành và đi vào hoạt động góp phần làm tăng nội lực của điểm đến trong khả năng tiếp nhận, phục vụ khách du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, từng bước khẳng định thương hiệu theo hướng chất lượng cao và hiện đại. Đến nay, hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đã có sự hiện diện của nhiều thương hiệu quản lý hàng đầu thế giới như Meliá, Accor, Marriott, InterContinental, Sheraton… tham gia phục vụ thành công nhiều sự kiện mang tầm cỡ thế giới tổ chức tại Việt Nam như Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF), Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Triều Tiên lần thứ 2, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019… Sản phẩm du lịch ngày càng phát triển đa dạng, có nhiều sản phẩm chất lượng cao, tạo cơ sở hình thành một số điểm đến hấp dẫn, các vùng động lực phát triển. Nhiều địa phương và doanh nghiệp đã đẩy mạnh thu hút phân khúc thị trường khách theo một số loại hình du lịch chuyên đề mà Việt Nam có lợi thế, như du lịch MICE tại Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; du lịch cộng đồng tại khu vực Tây Bắc và đồng bằng sông Cửu Long; du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp tại khu vực miền Trung… Hiện cả nước có 21 cảng hàng không, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế; đã có 68 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không trong nước tham gia khai thác, vận chuyển khách du lịch với 140 đường bay kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo báo cáo “Xu hướng du lịch Mê Kông 2017”, TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng với Băng Cốc (Thái Lan), Côn Minh (Trung Quốc) đã trở thành điểm trung chuyển lớn trong khu vực, kết nối các điểm đến trong khu vực và thế giới. Mạng lưới giao thông quốc gia được đầu tư phát triển ngày càng hiện đại, đồng bộ với hệ thống các tuyến đường cao tốc kết nối các khu, điểm du lịch với các tuyến Hà Nội – Ninh Bình, Hà Nội – Lào Cai, Hải Phòng – Hạ Long, TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Bến Lức – Long Thành, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lạng Sơn – Bắc Giang… Trong 2 năm qua, hệ thống văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết 08-NQ/TW đã được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân như Luật Du lịch (sửa đổi), Nghị định 68/2017/NĐ-CP và Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Trên cơ sở quy định tại Luật Du lịch 2017, các quy định luật khác có liên quan cũng được đề xuất sửa đổi phù hợp (Luật giao thông đường bộ; Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam)… Để đưa Nghị quyết 08-NQ/CP vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 103-NQ/CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW, trọng tâm là 15 nhiệm vụ, đề án giao cho các Bộ, ngành, địa phương phối hợp thực hiện. Đến nay đã có 7 Bộ, Ngành; hơn 40 tỉnh/thành phố đã ban hành nghị quyết, kế hoạch, chương trình triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW. Nhiều địa phương trọng điểm về du lịch đã chủ động triển khai tích cực, có hiệu quả như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lào Cai, Cần Thơ, Bình Thuận, Hà Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu… Trong đó, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định 4215/QĐ-BVHTTDL về Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 103-NQ/CP, gồm các nhóm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; xây dựng các đề án phục vụ phát triển du lịch; bồi dưỡng nhân lực du lịch; kiểm soát chất lượng dịch vụ; gắn kết các hoạt động thể thao với du lịch; xây dựng và hoàn thiện các bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia… Một số “điểm nghẽn” như chính sách miễn visa cho một số thị trường, giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú, hoàn thuế GTGT cho khách du lịch quốc tế, tăng cường hợp tác công – tư bằng việc khai trương Văn phòng xúc tiến Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc vừa qua… đã từng bước được tháo gỡ và triển khai tạo đà cho du lịch phát triển.

Quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW trong hơn 2 năm qua bước đầu đã tạo được chuyển biến về nhận thức, hành động trong đội ngũ cán bộ, công chức và cộng đồng dân cư. Công tác quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW đã được Đảng bộ, chính quyền các địa phương chỉ đạo quyết liệt, kịp thời thông qua các hội nghị chuyên đề, tọa đàm phổ biến về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết. Từ đó đã tạo sự chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là nhận thức của người đứng đầu trong chỉ đạo phát triển du lịch phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương. Ngành Du lịch đã phát động 08 chiến dịch nâng cao chất lượng trên các lĩnh vực lữ hành, hướng dẫn du lịch, ứng xử văn minh du lịch, dịch vụ vận chuyển khách du lịch, dịch vụ ẩm thực, dịch vụ du lịch, ứng xử văn minh của cộng đồng dân cư. Nhiều tỉnh thành đã tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, đề ra các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, yêu cầu niêm yết công khai và bán đúng giá niêm yết, tăng cường công tác thanh kiểm tra và xử lý sai phạm… Trong 6 tháng đầu năm 2019, nhiều địa phương vẫn duy trì mức tăng trưởng về lượng khách và tổng thu từ du lịch, như Hà Nội đạt 14,4 triệu lượt khách (3,3 triệu lượt khách quốc tế), tổng thu đạt trên 50.000 tỷ đồng (tăng 29,8%); Tp. Hồ Chí Minh đạt 4,25 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu đạt 73.000 tỷ đồng; Đà Nẵng đạt 2,72 triệu lượt khách lưu trú; Huế đạt 2,5 triệu lượt khách; Kiên Giang đạt 4,29 triệu lượt khách; Ninh Bình đạt 5,39 triệu lượt khách…

Nghị quyết 08/NQ-TW xác lập mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đón được 17-20 triệu lượt khách quốc tế, thu hút 82 triệu lượt khách nội địa, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra trên 4 triệu việc làm trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Ngành Du lịch đang phấn đấu về đích trước 01 năm so với những mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết bằng việc thi đua, sáng tạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch tại từng địa phương nói riêng và ngành Du lịch cả nước nói chung.

Lê Hải

Nguồn. Báo Du lịch

Nguồn tin: Báo Du lịch

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More