Print Thứ tư, 02/10/2019 16:53

Do không thể tuyển được công nhân tay nghề cao, ngành đóng tàu phải thuê thêm lao động thời vụ nên sẽ mất thời gian đào tạo, chỉ việc, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Sau quá trình tái cơ cấu, lực lượng công nhân của các công ty đóng tàu trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) luôn có việc làm ổn định nhưng điều trớ trêu là luôn thiếu nhân công và thậm chí lao động còn bỏ việc hoặc chấm dứt hợp đồng.

Vòng xoáy ‘mất’ lao động

Là người nối dõi nghiệp cha, anh Nguyễn Ngọc Hồng, 50 tuổi (Hải Phòng) có khuôn mặt góc cạnh, đen nhẻm, đôi má nhễ nhại mồ hôi đang rút nước tại khu vực vận hành hạ thủy tàu trong tiếng ầm ĩ của máy cắt thép, tiếng búa gõ chan chát hay tiếng hàn xì…

Gắn bó với công việc đóng tàu 27 năm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đóng tàu Phà Rừng, anh Hổng bảo, nghề này có mức lương dù không cao nhưng nếu tằn tiện thì cũng đủ  trang trải cuộc sống.

“Công việc đóng tàu rất nặng nhọc, vất vả, độc hại. Dù là đóng mới hay sửa chữa, hoán cải, hoặc làm trong xưởng hay ngoài trời, công nhân đều phải chịu khói, bụi, tiếng ồn, nóng bức. Lương bình quân công nhân trong tổ chỉ khoảng 10 triệu đồng/người/tháng,” anh Hồng chia sẻ.

Chỉ tay lên trên chiếc tàu hàng đang đóng, anh Hồng bảo, công việc của mình vẫn còn nhàn hơi rất nhiều so với anh em công nhân đang ngày đêm cheo leo trên giàn cao để mài, hàn vỏ tàu, hoàn thiện các chi tiết. Thậm chí, có thợ phải hàn trong các khe ngách nhỏ hẹp ở khoang tàu kín mít, chật chội, nóng bức, thiếu ánh sáng, khói hàn ngột ngạt mùi dầu, mùi cháy khét của que hàn kim loại, tiếng đe búa đinh tai váng óc.

“Ngành đóng tàu đòi hỏi mức độ đào tạo chuyên môn, kỹ thuật cao hơn so với ngành nghề khác nên rất dễ bị ‘hút máu’ từ các doanh nghiệp cơ khí có mức lương và điều kiện làm việc đỡ vất vả. Vì thế, nguy cơ thợ Công ty đóng tàu Phà Rừng bỏ việc, ra ngoài làm là rất cao nếu chế độ đãi ngộ không tương xứng,” anh Hồng cho biết.

Ông Tô Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đóng tàu Phà Rừng cho rằng, sau tái cơ cấu về lao động, đến thời điểm hiện nay, Công ty 730 lao động (thấp hơn 100 người so với năm 2018 và chỉ bằng gần 1/5 so với cao điểm thời kỳ hưng thịnh đóng tàu năm 2007), thu nhập bình quân đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng, tất cả lao động đều có việc làm bởi các đơn hàng đóng tàu vẫn còn duy trì đến hết năm 2020.

Theo ông Hà, công tác tuyển dụng lao động trực tiếp sản xuất rất khó khăn do cạnh tranh nhân công gay gắt trên thị trường ở một số khu công nghiệp lân cận đang phát triển nóng có môi trường làm việc tốt, thu nhập cao hơn.

Đặc biệt, vào thời điểm đơn đặt hàng đóng tàu lớn, do không thể tuyển được công nhân tay nghề cao, Công ty Đóng tàu Phà Rừng phải thuê thêm lao động thời vụ nên sẽ mất thời gian đào tạo, chỉ việc, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

“Những lao động đã ‘dứt áo’ ra đi làm chỗ khác, khi công ty nhiều việc, có mời về làm họ cũng không chịu,” ông Hà chua chát nói.

Là đơn vị giữ được “phong độ” ngay cả trong thời kỳ suy thoái của ngành đóng tàu, Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm cũng không tránh được vòng xoáy thiếu nguồn lực nhân công lao động.

Trong khi hàng loạt các “ông lớn” trong SBIC lần lượt thua lỗ, phá sản thì Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm vẫn “sống khỏe.” Ông Phan Đình Lượng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm cho biết, đơn vị hiện có 930 cán bộ công nhân viên, nếu so cơ sở vật chất với quy mô công suất hiện tại đang thiếu hơn 100 lao động.

“Với việc Công ty cổ phần Đóng tàu Sông Cấm liên doanh Tập đoàn Damen (Hà Lan) đóng các sản phẩm cỡ nhỏ, tàu đẩy, kéo nên khối lượng công việc trong những năm qua và thời gian tới luôn sẵn có. Tuy nhiên, khi thị trường có sản phẩm thì lại không có lao động để đóng tàu,” ông Lượng nhìn nhận.

Cần tăng lương để giữ chân thợ đóng tàu

Đánh giá những người thợ đóng tàu thường rất yêu nghề, nếu có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo chắc chắn họ sẽ gắn bó với nghề, với doanh nghiệp, vì vậy, lãnh đạo các công ty đóng tàu khẳng định, quan trọng nhất vẫn phải là lo đủ việc làm, trả lương kịp thời.

“Chỉ cần chậm 2-3 tháng tiền lương là lao động bỏ việc ngay. Vì vậy, công ty thanh toán lương cho người lao động đầy đủ, kịp thời, không nợ lương,” ông Lượng nhấn mạnh.

Theo ông Lượng, để giữ chân được thợ đóng tàu, các đơn vị phải thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách cho người lao động như không nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, không nợ lương; chú trọng các chế độ đãi ngộ khác như tổ chức bữa ăn giữa ca, thưởng vượt năng suất xứng đáng.

Công việc đóng tàu rất nặng nhọc, vất vả, độc hại nhưng mức lương chưa tương xứng dẫn đến việc lao động chuyển sang các đơn vị khác khá nhiều. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động chất lượng cao, ông Tô Thanh Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đóng tàu Phà Rừng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác đào tạo lao động tại chỗ; điều chuyển, sắp xếp lại lao động giữa các bộ phận để tăng năng suất lao động, đồng thời có cơ chế điều chỉnh tăng lương cho những vị trí công việc quan trọng, áp dụng chế độ phụ cấp đối với thợ giỏi… để duy trì lực lượng lao động cơ hữu, ổn định, bảo đảm yêu cầu sản xuất.

“Đối với hệ thống các Trường nghề – nơi cung ứng chủ yếu nguồn công nhân kỹ thuật, Công ty Đóng tàu Phà Rừng cũng đã làm việc một số trường để tìm nguồn lao động. Tuy nhiên, nguồn cung số lượng học viên hạn chế và cũng rất khó có thể tuyển dụng với mức lương hiện nay nếu không có sự điều chỉnh trong cơ chế thị trường vấp phải sự cạnh tranh của ngành nghề cơ khí,” ông Hà cho hay.

Nhìn nhận thị trường vận tải biển, đóng tàu đang có dấu hiệu khởi sắc, tuy nhiên, lãnh đạo Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy thừa nhận, việc thiếu vắng nhân lực chất lượng cao, kỹ sư lành nghề do chuyển đổi và có những cơ sở đóng tàu mới mở ra với giá thành đóng tàu thấp hơn cũng đã cạnh tranh với Tổng công ty. Đây cũng là “rào cản” để thu hút hay giữ chân người lao động.

“Bài toán tăng lương cho công nhân người lao động đã được các công ty đóng tàu quan tâm, thế nhưng do đặc thù ngành nghề phụ thuộc vào dòng sản phẩm đóng tàu hay sửa chữa nên sẽ cần phải có sự tính toán và điều tiết tùy theo thị trường cũng như kết quả sản xuất kinh doanh,” lãnh đạo SBIC nói./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Nguồn. Vietnam+

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ngành công nghiệp đóng tàu đứng trước nguy cơ ‘chảy máu’ lao động
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác