Chiều 1/4, đồng chí Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của ngành ngân hàng trên địa bàn thành phố tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Hải Phòng. Cùng dự có lãnh đạo các ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Hải Phòng, Ngân hàng đã quán triệt toàn thể cán bộ công nhân viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống theo khuyến cáo của ngành y tế; xây dựng các phương án về việc ứng phó các tình huống dịch bệnh gây ra tại Ngân hàng. Đối với công tác tiền mặt, đã thực hiện xịt khuẩn thường xuyên khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ và hàng ngày phun khử khuẩn tiền đã qua lưu thông thu về từ Kho bạc và Chi nhánh tổ chức tín dụng. Tiền sau khi khử khuẩn được lưu giữ trong kho riêng biệt tối thiểu 14 ngày trước khi chi ra.
Song song với việc chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định về việc cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước; giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với cho vay một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên.
Tại cuộc làm việc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Hải Phòng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Y tế giới thiệu nguồn cung ứng khẩu trang, thuốc khử khuẩn cho các đơn vị nhằm tăng cường hiệu quả phòng chống dịch bệnh.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành đánh giá Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Hải Phòng đã chủ động, tích cực trong triển khai công tác đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 trên hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, đặc biệt là công tác phòng, chống lây nhiễm đối với đội ngũ cán bộ ngân hàng và tổ chức tín dụng; chủ động bố trí lao động trong môi trường làm việc theo Chỉ thị của Chính phủ và thành phố. Cùng với đó, nghiệp vụ về bảo quản tiền mặt, lưu trữ tiền mặt ra thị trường đã đảm bảo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thời gian lưu giữ cách ly để quay lại vòng lưu thông trên địa bàn, từ đó giảm bớt nguy cơ lây nhiễm dịch trong quá trình sử dụng tiền mặt trong lưu thông.
Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Hải Phòng đã chủ động triển khai hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cá nhân bị ảnh hưởng do dịch như chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai mạnh các chương trình miễn, giảm phí chuyển tiền với mức giảm lớn hơn hoặc tối thiểu tương đương mức giảm của NAPAS; nhiều ngân hàng đã đồng loạt công bố gói tín dụng, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; chủ động cơ cấu lại nợ và không chuyển nguồn nợ. Đã có 20 chi nhánh tổ chức tín dụng đã thực hiện hỗ trợ cho 250 khách hàng, trong đó: 98 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, dư nợ cơ cấu là 1.022,46 tỷ đồng; 152 khách hàng được miễn, giảm lãi vay, số tiền lãi được miễn, giảm là 1.294 triệu đồng; cho vay mới 4 khách hàng số tiền 8,6 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Hải Phòng tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND thành phố trong công tác phòng chống dịch và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do tác động của dịch. Ngay hôm nay, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm Công văn số 2341/UBND-VX ngày 31/3/2020 của UBND thành phố về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Căn cứ theo nghiệp vụ của ngành để ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, đây là hoạt động được ưu tiên vẫn triển khai phục vụ người dân, doanh nghiệp, đảm bảo vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo kinh tế không bị ách tắc. Vì vậy lưu ý trong quá trình hoạt động phải ưu tiên đảm bảo về an toàn cho lực lượng cán bộ, có kế hoạch đề phòng nếu tình huống xấu xảy ra vẫn còn lực lượng để duy trì hoạt động tại cơ quan. Căn cứ tình hình thực tiễn để hướng dẫn ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong quá trình giao dịch để đảo bảo đúng theo quy định trong công tác phòng chống dịch; chỉ đạo các đơn vị tăng cường hơn nữa triển khai các hoạt động thanh toán trực tuyến, giảm thiểu thấp nhất thanh toán bằng tiền mặt.
Hoàng Tùng