Hồi 1 giờ 30 phút ngày 10-1-2018, Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vỹ tiếp nhận 1 ngư dân bị tai nạn do ngã xuống hầm tàu bị sắt đâm xuyên đùi phải, mất máu nghiêm trọng. Người bệnh phải truyền máu khẩn cấp. Sau 10 phút huy động, thành viên của ngân hàng máu sống trên đảo có mặt để sẵn sàng hiến máu cho người bệnh trong cơn nguy kịch.
Máu được huy động kịp thời để cấp cứu người bệnh.
Bác sĩ Phạm Văn Hải, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vỹ cho biết: người bệnh nhập viện trong tình trạng sốc do đau, mất máu kéo dài, ước lượng người bệnh mất toàn bộ khoảng 2 lít máu. Thành viên ngân hàng máu sống được huy động ngay trong đêm để cấp cứu người bệnh. Khi người bệnh đủ điều kiện về các yếu tố truyền máu và được truyền 350 ml nhóm máu O+, kíp trực tiến hành mổ cấp cứu. Đến 5 giờ sáng cùng ngày, người bệnh thoát mê an toàn, tiếp tục được theo dõi, điều trị và có tiến triển rất tốt.
Đây chỉ là 1 trong số gần 10 trường hợp được cứu chữa kịp thời nhờ nguồn máu trong ngân hàng máu sống trên đảo. Bạch Long Vỹ, cách đất liền khoảng 140 km, trung bình phải mất từ 8-10 tiếng với điều kiện thời tiết thuận lợi để đi tàu ra đảo. Trong khi đó, hằng năm, Trung tâm y tế quân dân y huyện phải đảm nhận khám chữa bệnh cho hơn 3.000 lượt bệnh nhân nội trú, ngoại trú và phẫu thuật hàng trăm ca bệnh, lại có nhiều trường hợp nặng, cần truyền máu như thủng dạ dày, vết thương gan, xuất huyết tiêu hóa, chửa ngoài tử cung vỡ…Trong đất liền khi cần máu huy động dễ dàng từ nguồn máu dự trữ nhưng ở đảo xa, việc bảo quản máu khá khó khăn, phức tạp. Trước nhu cầu, tính cấp thiết của duy trì nguồn máu bảo đảm cứu chữa người bệnh, năm 2013, Trung tâm huyết học truyền máu (Bệnh viện Việt- Tiệp) quyết định thành lập ngân hàng máu sống và các thành viên là người dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo thuộc các nhóm máu khác nhau. Hiện, trong số 37 thành viên trong ngân hàng máu sống, 20 người có nhóm máu O+; 8 người có nhóm B+; 6 người có nhóm A+; 3 người có nhóm AB+.
Từ khi thành lập đến nay, ngân hàng máu sống huy động nhiều lần hiến truyền máu, với tổng số lượng máu hơn 7 đơn vị (350ml/ đơn vị), kịp thời cứu sống nhiều người bệnh bị nguy kịch do mất máu cấp, điển hình là những ca chửa ngoài tử cung vỡ ngập máu ổ bụng, xuất huyết tiêu hóa, tai nạn lao động gây vỡ tạng, cụt chi… Bác sĩ Phạm Văn Hải cho biết: Để có nguồn máu tốt, chất lượng, cứ 6 tháng/1 lần, Trung tâm lại tiến hành kiểm tra sức khỏe cho các tình nguyện viên đã lập sổ theo dõi; bổ sung các tình nguyện viên mới, làm các xét nghiệm chẩn đoán nhanh, bảo đảm 100% các tình nguyện viên đều có sức khỏe tốt; 100% các tình nguyện viên làm các xét nghiệm đều âm tính với các bệnh lây nhiễm.
Việc thành lập, duy trì ngân hàng máu sống trên huyện đảo Bạch Long Vỹ có ý nghĩa quan trọng đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo cũng như ngư dân hoạt động trên vùng biển Bạch Long Vỹ. Thành công này có từ sự tận tâm, cần mẫn của các y, bác sĩ Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vỹ, tâm huyết và trách nhiệm trong cứu chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Hoàng Huế – Báo Hải Phòng 05/04/2018