Là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhiều người dân, song hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ đang có nhiều bất cập. Có cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đứng tên trên giấy phép là một người, còn điều hành hoạt động, thực hiện thủ thuật lại là người khác, gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và công tác quản lý nhà nước. Nhất là nếu xảy ra biến chứng với khách hàng, việc truy cứu, xử lý trách nhiệm rất khó khăn. Đây là vấn đề cần được các cấp, ngành ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Gặp họa vì tin lời quảng cáo
Sau khi xem quảng cáo trên facebook, chị Vũ Thị Hoàng T. đến cơ sở thẩm mỹ Phương Linda ở số 62/149 Trung Hành, phường Đằng Lâm (quận Hải An) để chữa sẹo lồi. Tại đây, chủ cơ sở tiêm cho khách hàng này một loại thuốc không rõ nguồn gốc khiến chị T. bị tổn hại sức khỏe 23%. Khi khách hàng có đơn tố giác, cơ quan chức năng vào cuộc thì phát hiện cơ sở này cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, bị xử phạt vi phạm hành chính. Chị Lê Thị H., ở phường Trần Thành Ngọ (quận Kiến An), sau một tháng thực hiện liệu trình nâng cơ, xóa nếp nhăn, trẻ hóa da mặt tại một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn quận với mức phí 25 triệu đồng, không thấy hiệu quả gì, trên da mặt xuất hiện vết tụ bầm chị mới biết mình bị lừa. Tranh cãi lùm xùm đến khi không đạt được thỏa thuận, chị H. mới tìm tới cơ quan chức năng kêu cứu.
Tương tự hai trường hợp kể trên, không ít người trên địa bàn thành phố bị biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến số trường hợp gặp biến chứng thẩm mỹ ngày càng nhiều do hiện nay “ai cũng có thể làm bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ”, bất chấp có chuyên môn thật hay không. Các “bác sĩ dởm” quảng cáo nhiều nhất trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Tiktok… Người dân dù chưa thể đánh giá chính xác chất lượng tay nghề của bác sĩ, nghe quảng cáo thấy hay nên đi “làm thử”. Cũng có cơ sở thẩm mỹ không uy tín mời người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên không gian mạng về quảng cáo. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ tin vào lời “thần tượng” nên lao vào làm đẹp. Trên thực tế, không ít khách hàng phải trả giá đắt do nghe theo lời quảng cáo hấp dẫn của “bác sĩ online” hoặc các thần tượng…
Thống kê của ngành Y tế cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 250.000 người thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có đến 25.000-30.000 ca gặp biến chứng. Tại Hải Phòng, theo thông tin của Sở Y tế, số ca biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ khá nhiều, nhưng hầu hết các bên liên quan tự thỏa thuận hướng khắc phục nên cơ quan chức năng không có số liệu thống kê đầy đủ.
Phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm
Hiện nay, các cơ sở thẩm mỹ, làm đẹp nở rộ trên địa bàn các quận, huyện, xã, phường, thị trấn. Trong khi đó, do khó khăn trong thanh tra, kiểm tra, các vụ việc liên đến biến chứng sau khi thực hiện thủ thuật thẩm mỹ tại Hải Phòng thường được phát hiện khi đã xảy ra. Gặp trường hợp này, chủ cơ sở và khách hàng tự thỏa thuận giải quyết là chính, như cam kết bồi thường, chuyển gửi người bệnh đến điều trị khắc phục hậu quả tại Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng hoặc các bệnh viện tuyến Trung ương. Chỉ đến khi hai bên không thống nhất giải quyết, “nạn nhân” mới gửi đơn, kiến nghị cơ quan quản lý, dẫn đến việc xử lý muộn, một số cơ sở không còn hoạt động nữa…, gây khó khăn cho việc kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm. “Chính vì vậy cơ quan quản lý nhà nước thường phát hiện trong tình huống đã xảy ra biến chứng đáng tiếc, cơ sở ngừng hoạt động, trốn tránh trách nhiệm”, Chánh Thanh tra Sở Y tế Phạm Thị Trà cho biết.
Để phát hiện kịp thời vi phạm, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ, ngăn chặn biến chứng trong phẫu thuật thẩm mỹ, Sở Y tế tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ về việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan dịch vụ thẩm mỹ, khám chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Cụ thể, yêu cầu các cơ sở này hoạt động đúng phạm vi chăm sóc sắc đẹp như chăm sóc da, phun xăm, phun thêu không xâm lấn, không chảy máu, không tiêm truyền, không dùng thuốc… Mặt khác, tuyên truyền giúp người dân hiểu biết rõ về phạm vi hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, tránh sự hiểu lầm đáng tiếc. Đối với các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, phải có bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, có chứng chỉ hành nghề, được cấp giấy phép hoạt động, có phạm vi hoạt động liên quan phẫu thuật thẩm mỹ.
Bên cạnh đó, Sở Y tế giao Thanh tra Sở phối hợp các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đến cơ sở; đề nghị các địa phương thường xuyên rà soát các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp, chủ động nắm bắt hoạt động để kịp thời phát hiện vi phạm, xử lý kịp thời./.
Bài và Ảnh: Việt Hoàng