Huyện An Dương là địa phương có nhiều lối đi dân sinh tự mở qua đường sắt nhất trên địa bàn thành phố. Các lối đi chủ yếu phục vụ hoạt động kinh doanh của các hộ lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt làm nơi rửa xe, thu gom phế liệu, mua bán xăng dầu. Để lập lại trật tự an toàn giao thông tại khu vực này, từ tháng 9 đến nay, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương xóa bỏ gần 20 lối đi tự mở, điểm lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường.
Xóa bỏ gần 20 lối đi tự mở
9 giờ ngày 15-10, UBND xã Đại Bản chủ trì phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an thành phố), Công an huyện An Dương, Công ty CP đường sắt Hà Hải tiến hành cưỡng chế giải tỏa vi phạm hành lang giao thông đường sắt của ông Nguyễn Văn Đạt trên địa bàn thôn Tiên Nông của xã. Hộ ông Đạt lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt tuyến Hà Nội- Hải Phòng làm nơi rửa xe ô-tô từ gần 10 năm nay. Để hoạt động, ông Đạt tự mở lối đi, chiếm dụng phần diện tích hành lang an toàn ở cả hai bên đường sắt. Một bên xây dựng lán tạm chứa các loại thiết bị, một bên làm bãi tập kết, rửa xe. Tất cả những công trình vi phạm bị tháo dỡ, hoàn trả lại hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Sáng cùng ngày, các lực lượng chức năng cũng tiến hành cưỡng chế giải tỏa một số điểm kinh doanh lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn xã Lê Thiện. Một số hộ không chấp hành đổ bê-tông vào móng lán tạm, bơm nước, dầu vào thùng phuy đặt ngay cạnh đường ray tàu gây khó khăn cho việc cưỡng chế. Ông Nguyễn Hữu Bình, Đội trưởng Đội quản lý đường sắt Phú Thái- đơn vị quản lý đoạn đường sắt qua địa bàn hai xã Lê Thiện, Đại Bản cho biết: Đơn vị bố trí gần 20 người phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết tháo dỡ những công trình lấn chiếm, để bảo đảm an toàn cho toàn tuyến.
Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông thành phố, trên địa bàn huyện An Dương có 36 lối đi tự mở ngang qua đường sắt. Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường sắt (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt) cho biết: Thực hiện kế hoạch của đơn vị về tăng cường bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, từ tháng 9 đến nay, Đội bố trí cán bộ phối hợp với UBND các xã của huyện An Dương có đường sắt chạy qua, vận động từng hộ dân tự tháo dỡ công trình lấn chiếm. Những hộ chây ỳ, sẽ bị tháo dỡ, bảo đảm hành lang an toàn cho tuyến đường. Đến nay, gần 20 điểm kinh doanh có lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn huyện An Dương được xóa bỏ.
Cần sự phối hợp chặt chẽ
Nghị định 56 năm 2018 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quy định, hành lang an toàn đường sắt là 8,6m tính từ tim đường. Việc các hộ kinh doanh lấn chiếm phần diện tích hành lang an toàn này che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện đường sắt. Hơn nữa, nếu người dân sinh hoạt, kinh doanh trong hành lang an toàn đường sắt có thể dẫn tới trường hợp bị lực hút do tàu di chuyển nhanh kéo lại, gây ra tai nạn nghiêm trọng.
Nguy hiểm là vậy nhưng tình trạng “dẹp bỏ lấn chiếm hôm trước, tái chiếm hôm sau” vẫn xảy ra, do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan. Ngay tại buổi cưỡng chế tháo dỡ lán tạm rửa xe của hộ ông Nguyễn Văn Đạt ngày 15-10, mặc dù UBND xã Đại Bản gửi công văn đề nghị phối hợp của Đội 3, Hạt quản lý quốc lộ 5 nhưng đơn vị này không tham gia. Phó chủ tịch UBND xã Đại Bản, Phạm Văn Cửu cho biết: Do đường sắt Hà Nội- Hải Phòng chạy dọc theo quốc lộ 5, nên khi lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt, các hộ tháo dải phân cách cứng của quốc lộ. Nếu như chính quyền địa phương cưỡng chế giải tỏa nhưng đơn vị quản lý quốc lộ 5 không rào trở lại, các hộ sẽ dễ dàng tái chiếm hành lang an toàn.
Ông Dương Quốc Tuấn, Trưởng Phòng kỹ thuật an toàn (Công ty CP đường sắt Hà Hải) cho rằng: Mặc dù được giao trực tiếp quản lý, khai thác hệ thống đường sắt tuyến Hà Nội- Hải Phòng nhưng công ty không có chức năng xử lý những trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt. Trong khi chính quyền địa phương có chức năng bảo đảm trật tự an ninh, an toàn tại các tuyến đường sắt lại không có đủ nhân lực để giám sát, kiểm tra thường xuyên, phát hiện, xử lý kịp thời những trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn. Do đó, cần có cơ chế phối hợp cụ thể giữa các đơn vị, bằng việc ban hành cơ chế “thông tin” sau khi các điểm lấn chiếm được giải tỏa. Cán bộ, nhân viên Đội quản lý đường sắt Phú Thái có trách nhiệm nắm bắt, thông tin những điểm có nguy cơ bị “tái chiếm” thông báo tới chính quyền địa phương, có phương án xử lý kịp thời. Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, UBND các xã có liên quan tăng cường kiểm tra, nhắc nhở cũng như xử phạt những vi phạm an toàn giao thông đường sắt, như mở lối đi trái phép qua đường sắt, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt làm nơi sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ./.
Bài và ảnh: Như An