Print Thứ Bảy, 26/01/2019 20:58

Qua đường dây nóng Báo Hải Phòng, bà Nguyễn Thị Minh, ở xã Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên) phản ánh trên địa bàn xã có điểm bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không bảo quản đúng cách, còn để thuốc trừ sâu trong tủ quần áo.

Chủ cơ sở kinh doanh ký cam kết thực hiện các quy định của pháp luật về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật tại huyện An Dương.

Quá nửa cơ sở không đủ điều kiện bán thuốc

Từ phản ánh trên, phóng viên Báo Hải Phòng tìm hiểu các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV tại một số cơ sở trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, An Dương cho thấy, có nhiều cơ sở khác cũng không bảm đảm điều kiện kinh doanh. Cụ thể, chiều ngày 25-8, tại cửa hàng bán thuốc trừ sâu ở gần khu vực cánh đồng xã Bắc Sơn (huyện An Dương), một số người dân mua thuốc trừ sâu cho lúa. Tuy nhiên, cơ sở bán thuốc BVTV chỉ là quán nhỏ với khoảng 20 chục gói thuốc trừ sâu. Cơ sở không có biển hiệu, chỉ những người mua quen mới biết là nơi bán thuốc BVTV. Phần lớn người dân mua thuốc trừ sâu theo hướng dẫn của người bán hàng. Chính vì vậy, dù cơ sở bán thuốc BVTV thật hay giả, người dân cũng không thể biết. Thực tế, thời gian qua, tại xã Bắc Sơn, có trường hợp người dân mua thuốc diệt chuột về sử dụng, nhưng chuột không chết. Vì thế, tại kỳ họp thứ 6 HĐND huyện An Dương khóa 19 mới đây, cử tri xã Bắc Sơn đề nghị huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng thuốc diệt chuột, thuốc BVTV để bảo đảm cho nông dân bảo vệ lúa, cây trồng đạt hiệu quả. Sau khi tiếp nhận ý kiến cử tri và kiến hành kiểm tra 42/50 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn huyện An Dương cho thấy: 10 cơ sở vi phạm và bị phạt 11,5 triệu đồng, tịch thu 8,2 kg thuốc quá hạn, 10 kg thuốc ngoài danh mục, đình chỉ 5 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV do không đủ điều kiện.

Tình trạng kinh doanh thuốc BVTV nhập lậu xảy ra ở nhiều quận, huyện. Từ đầu năm đến nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật kiểm tra 95 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn thành phố phát hiện nhiều sai phạm về không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, cửa hàng không có biển hiệu, không sử dụng bảo hộ lao động, không niêm yết giá, thậm chí thuốc BVTV được bán chung với các hàng tạp hóa khác… Do vậy, Chi cục xử phạt 14 trường hợp với số tiền là 17,5 triệu đồng; đồng thời tịch thu 10,1 kg thuốc BVTV quá hạn sử dụng, 6,5 kg thuốc không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam để tiêu hủy. Đơn vị còn xử phạt hành chính 5 công ty sản xuất thuốc BVTV vi phạm về ghi nhãn sản phẩm quá công dụng cho phép hoặc không đúng với nhãn sản phẩm đã đăng ký.

95 cơ sở được kiểm tra kể trên chưa thấm vào đâu, vì hiện trên thành phố có 425 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV và gần 100 điểm bán thuốc BVTV nhỏ lẻ bán theo thời vụ tại các thôn, xóm, mà người bán không có trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, trong số 425 cơ sở trên theo quản lý của ngành Nông nghiệp thì mới có 288 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV. Có thể thấy, đây là lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh cũng như chất lượng thuốc BVTV trên địa bàn thành phố.

Quản lý từ cơ sở

Lý giải nguyên nhân việc khó kiểm soát hoạt động kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn thành phố, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đào Quang Vĩnh cho rằng, trước tiên do nhận thức của người bán thuốc BVTV chưa chú trọng đúng điều kiện buôn bán. Thực tế, Chi cục từng kiểm tra và phát hiện một cơ sở ở xã Thủy Đường (huyện Thủy Nguyên), người bán để thuốc trừ sâu trong tủ quần áo, tủ lạnh chung với thức ăn. Việc này, ảnh hưởng trực tiếp đến chính sức khỏe của người bán. Nhiều cơ sở, người bán không trang bị bảo hộ, điều kiện bảo quản thuốc đúng nơi quy định. Ngoài ra, bà con nông dân khi lựa chọn thuốc, liều lượng sử dụng thuốc trừ sâu khá dễ dãi, chủ yếu theo sự hướng dẫn của người bán. Chính vì thế, người bán lợi dụng bán thuốc giả, nhập lậu để kiếm lời. Những cơ sở kinh doanh theo mùa vụ, người bán không hề có trình độ chuyên môn, việc tư vấn sử dụng thuốc sai, có thể gây mất tác dụng thuốc, làm dịch bệnh phức tạp thêm. Mặt khác, chính quyền các xã chưa phối hợp chặt chẽ với chi cục trong việc quản lý, giám sát các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh thuốc BVTV theo mùa vụ. Thời gian qua, các cơ sở bị phát hiện kinh doanh thuốc BVTV đều nằm ở các xã vùng giáp ranh với các địa phương khác như xã Lưu Kỳ (huyện Thủy Nguyên), xã Đại Bản (huyện An Dương), xã Vĩnh Long (huyện Vĩnh Bảo). Trong khi đó, lực lượng của ngành mỏng, không thể kiểm soát được hàng trăm cơ sở này trên toàn thành phố, dẫn đến tình trạng bán thuốc trừ sâu giả, nhập lậu, quá hạn sử dụng luôn tồn tại.

Được biết, mỗi năm, trên toàn thành phố, người dân sử dụng khoảng 90 đến 100 tấn thuốc BVTV. Nếu việc sử dụng thuốc BVTV không đúng hướng dẫn và sử dụng thuốc giả, thuốc ngoài danh mục cho phép sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp, sức khỏe người phun thuốc BVTV, môi trường đất, nước… Ngay từ đầu năm 2018, Ban Chỉ đạo 389 thành phố ban hành kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV giả, kém chất lượng; chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trái phép thuốc BVTV không rõ nguồn gốc. Kế hoạch này được thực hiện trong 2 năm, đến hết ngày 15-12-2019. Theo đó, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cho các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý thị trường, các địa phương cần đẩy mạnh phối hợp với ngành Nông nghiệp kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh thuốc BVTV sai phạm, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp. 

Bài và ảnh: Bùi Hương – Báo Hải Phòng 04/9/2018      

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ngăn chặn tình trạng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng: Quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác