Print Thứ Ba, 16/11/2021 18:49 Gốc

Tình trạng bán giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ giả vẫn xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội và qua tin nhắn trên điện thoại di động với lời mời chào về chương trình liên kết đào tạo, kèm những đoạn video, hình ảnh về hồ sơ, chứng chỉ nghề và những chiếc GPLX đã hoàn thành có gắn mã QR code. Nhiều người vì ngại học (hoặc bị tước GPLX) chấp nhận bỏ tiền ra mua loại GPLX này, gây hệ lụy lớn về nguy cơ mất an toàn giao thông.

Giấy phép lái xe giả tràn lan mạng xã hội

Thầy giáo Nguyễn Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 2 (Bộ Giao thông Vận tải) kể lại, năm 2020, thầy đột nhiên nhận được cuộc điện thoại đòi trả GPLX, vì có người đã liên hệ với thầy để… mua. Tá hỏa trước cuộc gọi này, thầy nhờ cán bộ, giáo viên trong trường tìm hiểu nguyên nhân. Sau thời gian liên hệ và tra trên mạng xã hội, cuối cùng mọi người phát hiện có một fanpage mà tài khoản lập bằng tên của thầy hiệu trưởng kèm hình ảnh nhà trường cùng dòng quảng cáo chuyên cung cấp GPLX cơ giới đường bộ các hạng. Tuy nhiên, toàn bộ giao dịch lại được thực hiện tại Hà Nội. Có lẽ do không liên lạc được với số điện thoại trên fanpage, nên có người hỏi số của thầy để gọi điện đòi trả GPLX!

Tình trạng rao bán GPLX trên mạng xã hội hiện không còn mới, nhưng nhiều người vì tin tưởng những lời rao này đã bỏ tiền để mua. Chỉ cần tìm kiếm trên mạng xã hội có hàng trăm fanpage quảng cáo rao bán GPLX với những lời chào mời hấp dẫn: Nếu bận có người học hộ, thi không được có người thi hộ, không cần có mặt, bảo đảm đỗ 100%. Khi nhận GPLX sẽ kèm theo chứng chỉ nghề và toàn bộ hồ sơ. Thậm chí, nhận GPLX và hồ sơ xong mới thanh toán tiền. Để tăng thêm độ tin tưởng, những fanpage này thường được gắn với tên cơ sở đào tạo nào đó, thậm chí gắn mác giáo viên dạy lái xe. Có trường hợp còn tự xưng là cơ sở đào tạo của… Bộ Công an. Như trường hợp quảng cáo cấp GPLX hạng B2 kèm theo chứng chỉ nghề của cơ sở đào tạo có cái tên rất kêu: “Trung tâm dạy nghề đào tạo và sát hạch lái xe thuộc Trường đại học An ninh nhân dân”, bên dưới ký và đóng dấu ở Hải Phòng. Thế nhưng, tại Hải Phòng lại không hề có cơ sở nào đào tạo, sát hạch lái xe có tên như vậy. Thậm chí, phóng viên viết bài này cũng nhận được tin nhắn từ số điện thoại 0879.365xxx “gạ” làm GPLX, khoe có cung cấp cả bằng đại học, cao đẳng và THPT!

Ông Cao Văn Thường, Phó trưởng Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở Giao thông Vận tải) cho biết, để có GPLX, cách duy nhất là phải học và đỗ sát hạch. Từ học đến sát hạch, camera theo dõi chính xác từng người, nên không thể có chuyện thi hộ. Ông Thường cho rằng, sử dụng GPLX giả là vi phạm pháp luật, nhưng hệ lụy lớn nhất là không bảo đảm an toàn giao thông. Để những trường hợp sử dụng GPLX giả tham gia giao thông bằng những phương tiện không được phép là mối nguy cho xã hội và cho chính những người sử dụng.

Để có giấy phép lái xe, cách duy nhất là phải học và đỗ sát hạch. Trong ảnh: Hướng dẫn ghép xe trong đào tạo lái xe ô tô hạng B tại Trường cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương 2.

Ngăn chặn mối nguy từ giấy phép lái xe giả

Theo Hiệp hội Vận tải Hải Phòng, hiện nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên nhiều lái xe nghỉ việc. Bên cạnh đó có một số lái xe bỏ nghề, phần vì thu nhập không cao, phần vì quá trình tìm việc gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng xấu đến đời sống. Do vậy, các doanh nghiệp đang rất thiếu lái xe, nhất là lái xe hạng FC. Tuy nhiên, trước tình trạng có lái xe sử dụng GPLX giả tham gia giao thông, nhiều doanh nghiệp cũng bất lực, vì doanh nghiệp không phải là cơ quan chuyên môn, rất khó xác định GPLX giả hay không. Các doanh nghiệp vận tải mong muốn cơ quan quản lý, lực lượng chức năng xử lý nghiêm tình trạng mua bán, sử dụng GPLX giả. Đồng thời phối hợp doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc GPLX của những lái xe vào đơn vị làm việc. Như vậy sẽ ngăn chặn, hạn chế được tình trạng lái xe sử dụng GPLX giả để điều khiển phương tiện tham gia giao thông, giữ an toàn giao thông trong quá trình vận tải hàng hóa, hành khách; doanh nghiệp cũng thuận lợi hơn trong công tác quản lý.

Kiểm tra trên các tuyến đường, lực lượng chức năng cũng phát hiện khá nhiều trường hợp sử dụng GPLX giả, trong đó phần lớn là GPLX hạng A1 và những trường hợp này sẽ bị tạm giữ phương tiện đến 7 ngày theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Theo lực lượng chức năng, người sử dụng GPLX giả thiếu hiểu biết các quy định về trật tự an toàn giao thông, thậm chí một số biển báo cơ bản cũng không biết, kể cả biển cấm đi ngược chiều, biển cấm xe mô tô. Đây chính là mối nguy đối với người tham gia giao thông, phải được xử lý từ gốc. Do vậy, cần xử lý nghiêm những trường hợp làm GPLX giả và tăng nặng mức xử phạt đối với người sử dụng. Hiện nay, theo Nghị định 100, mức phạt từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng đối với người sử dụng GPLX mô tô giả và từ 4 đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô sử dụng GPLX giả. Do đó, cần phải tiếp tục tăng nặng mức xử phạt để bảo đảm tính răn đe.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần tỉnh táo trước những lời chào mời bán GPLX. Những loại GPLX được bán đều là GPLX giả và người sử dụng nó sẽ có nhiều hệ lụy xấu, nhất là không bảo đảm an toàn giao thông cho chính bản thân mình và người khác./.

Theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2017 quy định tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm.

Tin: Mai Lâm. Ảnh: Văn Vũ

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ngăn chặn sử dụng giấy phép lái xe giả: Cần tăng nặng mức phạt
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác