Print Thứ Ba, 20/04/2021 12:00 Gốc

Trong bối cảnh các nước chung quanh như Campuchia, Thái Lan… có số ca mắc COVID-19 tăng nhanh chóng, ngành Y tế đề nghị các địa phương tăng cường xây dựng “lá chắn” chống dịch ở khu vực biên giới, quản lý chặt chẽ tình hình nhập cảnh trái phép và đẩy mạnh tiêm vaccine phòng bệnh cũng như sẵn sàng kịch bản ứng phó các tình huống dịch bệnh.

Quản lý chặt việc xuất nhập cảnh

Sáng 19-4, bác sĩ Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe thành phố (Sở Y tế) cho biết: Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 18-4, 8 quốc gia trong khu vực ASEAN ghi nhận 19.365 ca mắc COVID-19 và 260 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại khu vực từ đầu dịch lên 3.172.101 ca, trong đó 64.182 ca tử vong. Đứng đầu về số ca mắc trong ngày 18-4 là Philippines (10.098 ca), tiếp đó là Indonesia (4.585 ca), Malaysia (2.195 ca) và Thái Lan (1.767 ca). Trong khi đó, tình hình dịch bệnh ở Campuchia chưa có dấu hiệu cải thiện khi ghi nhận 618 ca mắc mới.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh ở các nước trong khu vực, nhất là ở các tỉnh giáp biên giới với Campuchia, Thái Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khuyến cáo các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, tăng cường tuần tra trên biển để hạn chế lớn nhất nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng ứng phó các tình huống có thể xảy ra.

Với thành phố Hải Phòng, mặc dù đến nay, 6/6 người mắc COVID-19 khỏi bệnh, xuất viện; thành phố triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ ngăn chặn mầm mống dịch bệnh xâm nhập, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch trong cộng đồng do là Hải Phòng đô thị lớn, hệ thống giao thông đồng bộ, nhiều hoạt động giao thương. Hải Phòng cũng là địa phương có biên giới biển; nguy cơ người nhập cảnh trái phép từ vùng dịch về Hải Phòng rất cao. Đơn cử 2 trường hợp mắc COVID-19 nhập cảnh trái phép bằng tàu cá về Phú Quốc, rồi đi máy bay về Hải Phòng, sau đó phát hiện mắc bệnh. Vì thế, Giám đốc Sở Y tế Trần Anh Cường cho biết, ngành phối hợp chặt chẽ lực lượng Công an, Biên phòng và các địa phương, đơn vị tiếp tục duy trì các biện pháp giám sát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập và bùng phát trong cộng đồng. Trong đó, tăng cường biện pháp kiểm soát và quản lý người nhập cảnh, như: kiểm soát nghiêm, quản lý chặt chẽ tại khu vực biên giới đường bộ, đường biển, tại các khu vực cửa khẩu, nhất là các đường mòn, lối mở, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các vi phạm về quản lý nhập cảnh, người nhập cảnh trái phép mắc COVID-19. Đồng thời, yêu cầu mọi trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tại khu cách ly y tế tập trung của thành phố đủ 14 ngày trở lên và phải có kết quả xét nghiệm ít nhất 2 lần âm tính với virrus SARSCoV-2; tăng cường tầm soát thường xuyên để phát hiện sớm các ca nhiễm, lên kế hoạch xét nghiệm những trường hợp có nguy cơ; chuẩn bị kịch bản khi có dịch, kịch bản cách ly y tế trên diện rộng, bảo đảm hậu cần khu cách ly…

Nhân viên y tế Bệnh viện hữu nghị Việt – Tiệp tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các trường hợp ưu tiên của bệnh viện.

Đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế khẩn trương tiêm vaccine phòng COVID19 cho các trường hợp ưu tiên theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ, theo liều lượng được Bộ Y tế phân bổ đợt 1 và đợt 2. Trong đó, yêu cầu hoàn thành tiêm vaccine đợt 1 trong tháng 4 và tiếp tục triển khai, hoàn thành tiêm vaccine đợt 2 trước ngày 15-5.

Hiện trên toàn quốc tiêm chủng đối với hơn 73 nghìn người. Hệ thống giám sát của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia ghi nhận gần 33% số người được tiêm xuất hiện phản ứng nhẹ thông thường sau khi tiêm và hầu hết là phản ứng tại chỗ như đau, ngứa, nóng đỏ, có trường hợp bị sốt nhẹ, tuy nhiên những phản ứng này đều tự hết sau 1-2 ngày mà không cần phải điều trị, chăm sóc y tế. Với quan điểm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, Bộ Y tế khẳng định quy trình tiêm chủng tại Việt Nam được triển khai ở cấp độ an toàn cao nhất và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả ở các nước tiên tiến. Các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng COVID19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho người được tiêm.

Theo thống kê của ngành Y tế, tính đến ngày 19-4, Hải Phòng có tổng số 3.389 người được tiêm vaccine phòng COVID-19, gần như kết thúc đợt 1 tiêm vaccine cho các trường hợp ưu tiên với số lượng hơn 3.000 liều do Bộ Y tế phân bổ. Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục rà soát, thống kê trường hợp ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 và xây dựng kế hoạch tiêm đợt 2 theo chỉ đạo và phân bổ lượng vaccine của Bộ Y tế.

Bài và Ảnh: Đông Hải

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và bùng phát trong cộng đồng: Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác