Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lan rộng

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), kịp thời phát hiện và ngăn chặn không để dịch lan rộng là giải pháp được các chuyên gia đưa ra tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp tổ chức ngày 14/3.

Diễn tập tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi tại Thanh Oai. Ảnh: Trọng Tùng

Người chăn nuôi vẫn chủ quan
DTLCP chính thức lây lan vào Việt Nam từ ngày 1/2/2019, đến nay đã nhanh chóng lan rộng ra 17 tỉnh, TP trên cả nước, với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là hơn 17.000 con. Sau khi dịch bệnh xảy ra, các địa phương đã thừa nhận nguyên nhân chính để phát sinh và lây lan bệnh DTLCP chủ yếu do tâm lý chủ quan của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.“Từ ngày 14/3, Nhà nước dừng hỗ trợ kinh phí để các địa phương thực hiện công tác lấy mẫu xét nghiệm DTLCP. Trong khi đó, trung bình mỗi ngày các tỉnh lấy từ vài chục đến vài trăm mẫu xét nghiệm DTLCP nên mức chi phí rất lớn, nếu dịch còn kéo dài thì địa phương càng khó khăn về kinh phí. Do đó, chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT có cơ chế hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm”.
Trưởng phòng Kế hoạch tổ chức Trung tâm Khuyến nông TP Hải Phòng Vũ Đức Hạnh
Dẫn chứng tại Hải Phòng, ổ dịch phát sinh trên đàn lợn 14 con của gia đình bà Nguyễn Thị Làn (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Nguyên nhân ban đầu được xác định là hộ này sử dụng trực tiếp nguồn nước mặt sông để rửa chuồng và cho lợn uống. Hay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tiếp giáp với một xã có DTLCP thuộc huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), nhưng các hộ nuôi lợn ở xã Yên Đức, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) vẫn điềm nhiên dùng nước sông để rửa chuồng và cho lợn ăn uống.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên cho rằng, khó khăn lớn nhất của công tác phòng chống DTLCP hiện nay là do lực lượng thú y còn mỏng, chủ yếu làm nhiệm vụ chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm nên thiếu nhân lực tham gia vào công tác kiểm soát giết mổ. Trong khi đó, trên địa bàn hầu hết là chăn nuôi nhỏ lẻ, khi phát sinh ổ dịch, chủ hộ không thông báo kịp thời, tự ý giết mổ hoặc tiêu thụ lợn nên gây khó khăn cho việc kiểm soát, dẫn đến dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Còn tại Hà Nội, tính đến ngày 14/3 đã có 6 quận, huyện phát sinh dịch DTLCP, chủ yếu từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong đó, có tới 60% số hộ chuyên lấy thức ăn thừa từ các bếp ăn tập thể, nhà hàng, cho lợn ăn mà không qua xử lý nhiệt. Đây là một trong những nguyên nhân chính mang mầm bệnh về cho đàn lợn của gia đình.
Chuyên gia hiến kế
Chia sẻ về biện pháp để ngăn chặn DTLCP trong thời điểm này, Phó Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y T.Ư (Bộ NN&PTNT) Ngô Văn Bắc cho rằng, hiện nay chưa có vaccine và thuốc điều trị được DTLCP, vì vậy đối với người chăn nuôi, giải pháp hữu hiệu nhất là áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. Trường hợp khi phát hiện đàn lợn có biểu hiện lâm sàng của bệnh DTLCP, cần lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh, nếu dương tính không thực hiện điều trị lợn bệnh mà cần báo ngay chính quyền địa phương và thú y cơ sở để tiêu hủy sớm đàn lợn. Sau đó, khẩn trương tiến hành vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng nuôi và xung quanh chuồng nuôi.
Nói về giải pháp tuyên truyền nâng cao tinh thần phòng chống dịch của người chăn nuôi và định hướng dư luận không quay lưng lại với thịt lợn, ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) cho rằng, cần thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh diễn ra tại các địa phương trên các kênh thông tin chính thức, để đảm bảo tuyên truyền một cách chính xác về tình hình dịch bệnh. Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế DTLCP. Bên cạnh đó, Bộ cần xây dựng và sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn; bổ sung chăn nuôi lợn vào danh mục ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện.
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay toàn TP có tổng số đàn lợn gần 2 triệu con, song chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngoài ra, mỗi ngày Hà Nội nhập từ các tỉnh, thành 4.000 con lợn và tiêu thụ trung bình trên 400 tấn thịt lợn/ngày. Đây là những nguyên nhân khiến DTLCP có nguy cơ lây lan rộng. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, giải pháp trọng tâm là các địa phương cần chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTLCP, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả để không lây lan diện rộng. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ lấy mẫu… đặc biệt là thực hiện hiệu quả “5 không, 4 tại chỗ”. (5 không: 1. Không giấu dịch; 2. Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; 3. Không vứt lợn chết ra môi trường; 4. Không giết mổ, tiêu thụ; 5. Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt). Cùng với đó, tổ chức khống chế và dập tắt ổ dịch không cho lây lan sang diện rộng.

Nguồn. Kinh tế & Đô thị

Tin khác

Hải Phòng: Không có việc tạm dừng các thủ tục hành chính liên quan giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền…

22/11/2024

Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo “Kinh tế số – Kinh tế xanh”

Chiều 22/11, trong khuôn khổ của Diễn đàn Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng…

22/11/2024

Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội

Ngày 22/11, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Hiệp hội Phần mềm và…

22/11/2024

Khai trương Dự án Chính quyền số thành phố Hải Phòng

Chiều 21/11, tại Trung tâm Hội nghị thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố…

21/11/2024

Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên

Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã…

21/11/2024

This website uses cookies. See Our policy to learn more.

Read More