Print Thứ Bảy, 13/07/2019 11:09

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố (Sở Y tế), tính đến ngày 6-7, toàn thành phố ghi nhận 142 ca sốt xuất huyết, xuất hiện ở cả 13 quận, huyện (trừ quận Dương Kinh và huyện đảo Bạch Long Vỹ chưa ghi nhận ca bệnh), tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình này đòi hỏi các cấp, ngành cần tăng cường công tác phòng, chống, tránh dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.

Lực lượng chức năng phun thuốc phòng bệnh sốt xuất huyết tại ngõ 33 phố Lương Khánh Thiện. Ảnh: Minh Tú

Số ca mắc bệnh tăng, xuất hiện ổ dịch lớn

Ông Đỗ Văn Đìa ở số 3/33 phố Lương Khánh Thiện (quận Ngô Quyền) cho biết, con trai ông là anh Đỗ Tiến Đức, 38 tuổi bị sốt cao liên tục từ ngày 1-7, điều trị tại nhà 3 ngày không khỏi. Ngày 4-7, sau khám xét nghiệm, anh Đức được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết và nhập viện điều trị. Được biết, tính đến ngày 5-7, toàn quận Ngô Quyền ghi nhận 60 ca sốt xuất huyết (tăng 58 ca so với cùng kỳ năm 2018). Số ca mắc tập trung tại các phường: Máy Tơ (37 ca), Gia Viên (8 ca), Đằng Giang, Cầu Tre (4 ca)…

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Thư ký chương trình phòng, chống sốt xuất huyết (Trung tâm Y tế dự phòng thành phố), số ca mắc sốt xuất huyết trên toàn quốc năm nay ghi nhận cao hơn so với năm 2018.

Về các ổ dịch, năm nay trên địa bàn thành phố ghi nhận ổ dịch lớn ở khu vực chợ Lương Văn Can (quận Ngô Quyền) với 19 ca mắc. Đặc biệt, ở khu chợ này phát hiện số lượng dày đặc véc-tơ muỗi Aedes Aegupti, là véc-tơ chính để truyền bệnh sốt xuất huyết. Được biết, gần 10 năm nay, ở khu vực nội thành Hải Phòng không xuất hiện loại muỗi này mà chỉ có véc-tơ muỗi Aedes Albopictus cũng là muỗi gây bệnh sốt xuất huyết nhưng khả năng truyền bệnh không cao và nguy hiểm như muỗi Aedes Aegupti. Sự xuất hiện của véc-tơ muỗi mới lý giải vì sao trong khu chợ Lương Văn Can có nhiều người trong gia đình cùng mắc bệnh và dịch bệnh kéo dài (từ tháng 4 đến nay). Ngoài ra, cũng ghi nhận một số ổ dịch nhỏ ở khu vực Trường đại học Y Dược và huyện Vĩnh Bảo, quận Lê Chân…

Diệt muỗi, ấu trùng để phòng, chống và kiểm soát dịch

Bác sĩ Nguyễn Thu Hạnh cho biết, cách xử lý các ca bệnh hay ổ dịch giống nhau. Khi phát hiện các ca bệnh, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán và điều trị bệnh. Đồng thời, tăng cường giám sát, phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh ngay tại nhà người bệnh và hàng xóm chung quanh. Trong quá trình giám sát, phải gắn với tuyên truyền phòng, chống dịch tới người dân. Sau đó tiến hành tìm, phun hóa chất diệt loăng quăng, bọ gậy và diệt muỗi từ 1 đến 3 lần nếu chỉ số véc-tơ truyền bệnh còn cao. Giám sát, kịp thời phát hiện các ca mắc mới để xử lý, tránh lây lan sang gia đình khác. Cuối cùng là triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường trong khu dân cư.

Để công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đạt hiệu quả cao, cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị và sự hợp tác tích cực của người dân. Là địa phương có số ca mắc bệnh cao nhất hiện nay, UBND quận Ngô Quyền giao Phòng Y tế, Trung tâm Y tế quận tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng; giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tiến hành xử lý kịp thời; chuẩn bị đủ nhu cầu về trang thiết bị, phương tiện, thuốc…để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch chủ động, hiệu quả. Đồng thời, giao Bệnh viện đa khoa quận, Phòng và Trung tâm Văn hóa-Thông tin, Phòng Tài chính-Kế toán, các ban, ngành, đoàn thể, các phường, các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập phối hợp chặt chẽ để phòng, chống dịch.

Phó giám đốc Sở Y tế Phan Huy Thục thông tin, để phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ngay từ đầu năm, Sở ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch, chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông, giám sát dịch tễ. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cử các đoàn giám sát về các quận, huyện để kiểm tra kế hoạch phòng, chống dịch; hỗ trợ địa phương công tác xử lý như cử cán bộ, máy móc phun hóa chất và tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị kiện toàn đội cơ động phòng, chống dịch; dự trù các trang thiết bị, nhân lực, vật lực sẵn sàng chống dịch; cấp hóa chất diệt muỗi, bọ gậy cho cơ sở. Để công tác phòng, chống dịch hiệu quả, ngành Y tế kiến nghị thành phố, các địa phương cấp kinh phí phòng, chống dịch và có chế độ thỏa đáng với những người tham gia công tác này.

Tính đến hết cuối tháng 6, toàn quốc ghi nhận 81.132 ca mắc, tăng 3,1 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Thành phố Hải Phòng có 142 ca mắc bệnh, trong đó 109 ca có xét nghiệm dương tính với vi rút Dengue bằng kỹ thuật xét nghiệm MAC-ELISA và NS1; so với cùng kỳ năm ngoái tăng 111 ca (tăng gấp 4 lần). Sự khác biệt nữa so với năm ngoái là các ca bệnh xuất hiện ngay từ đầu năm. Tại Hải Phòng, dịch xuất hiện rải rác từ tháng 1. Trong khi ở miền Bắc, các ca dịch thường xuất hiện từ tháng 4, tăng cao trong 3 tháng 7, 8, 9; đến tháng 10 khi thời tiết khô hanh, dịch sẽ giảm.

Việt Hoàng

Theo Báo Hải Phòng

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết lan rộng trong cộng đồng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác