Bạo lực học đường đang diễn biến ngày càng phức tạp dưới nhiều hình thức mới, trở thành nỗi bức xúc của ngành giáo dục. Ngăn chặn bạo lực học đường không chỉ là trách nhiệm riêng của gia đình, nhà trường mà của toàn xã hội.
Phiên tòa giả định về phòng, chống bạo lực học đường tại Trường THPT Thái Phiên là sân chơi pháp luật hữu ích, cần được nhân rộng.
Phiên tòa giả, câu chuyện thật
Chăm chú theo dõi phiên tòa giả định diễn ra tại Trường THPT Thái Phiên, nhiều học sinh không khỏi sững sờ khi nghe cáo trạng buộc tội 3 bị cáo. Vì muốn có tiền tiêu xài, nhóm học sinh bàn bạc, lên kế hoạch quay clip thân mật của 2 bạn cùng lớp để tống tiền. Hành vi xấu tưởng chừng trót lọt thì mâu thuẫn phát sinh, các em dùng vũ lực để giải quyết khiến một học sinh bị thương tích nghiêm trọng. Các em “trả giá đắt” khi tuổi đời còn trẻ, gia đình vướng nợ nần vì khoản tiền lớn bồi thường bị hại.
Dù chỉ là phiên tòa giả định do TAND và Viện KSND quận Ngô Quyền, Trường THPT Thái Phiên và Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước phối hợp tổ chức trong chuyên đề “Xây dựng tình bạn đẹp- Nói không với bạo lực học đường”, nhưng tình huống giả định dựa trên sự việc có thật trong cuộc sống khiến nhiều bậc cha mẹ, học sinh không khỏi trăn trở. Có mặt tại phiên tòa giả định, chị Lê Thị Nhung (phụ huynh học sinh Trường THPT Thái Phiên) chia sẻ: “Bận rộn với cuộc sống mưu sinh, nhiều bậc cha mẹ chưa dành đủ thời gian quan tâm, trò chuyện cùng con, đặc biệt, chưa phối hợp chặt chẽ nhà trường trong việc giáo dục con. Phiên tòa thức tỉnh chúng tôi về trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ bảo vệ con cái trước bạo lực học đường”.
Bạo lực học đường trong thực tế diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức, có xu hướng trẻ hóa, nữ hóa đang trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội. Mới đây là vụ việc nam sinh lớp 5 ở Bình Dương bị bạn ép nuốt 9 viên bi sắt. Trước đó, giữa tháng 9-2018, vụ bạo lực học đường nghiêm trọng xảy ra trước cổng trường THPT trên địa bàn xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên. Xuất phát từ mâu thuẫn do mượn sách vở, một học sinh lớp 10 bị đâm trọng thương. Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm vụ bạo lực học đường diễn ra mỗi năm. Theo thống kê trên địa bàn thành phố, hiện có 788 cơ sở giáo dục với tổng số 413.452 học sinh. Qua khảo sát, 80% số vụ bạo lực học đường, vi phạm pháp luật xảy ra tại các trường THPT, THCS; hơn 64% số vụ bạo lực học đường gây thương tích và hơn 51% số vụ việc xảy ra ở nông thôn.
Không chỉ bạo hành bằng thể xác như đánh nhau, ẩu đả mà bạo lực học đường xuất hiện hình thức xúc phạm nhân phẩm, danh dự bạn học thông qua mạng xã hội. Lý giải về hiện tượng này, bác sĩ Trịnh Thị Thanh Viễn, Khoa Vị thành niên-thanh niên, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố phân tích: Phần lớn mâu thuẫn trong học sinh xuất phát từ những vấn đề nhỏ nhặt nhưng nếu không được định hướng kịp thời có thể khiến “cái xảy nảy cái ung”. Nhu cầu khẳng định “cái tôi” trong giai đoạn tâm lý lứa tuổi thay đổi, cùng với buông lỏng quản lý, giáo dục từ phía gia đình và nhà trường là nguyên nhân gây nên bạo lực học đường. Bên cạnh đó, sự du nhập của văn hóa lai căng thiếu chọn lọc và việc tiếp cận những phim ảnh bạo lực tràn lan trên mạng xã hội ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ, lối sống và nhân cách nhiều học sinh.
Quản lý bằng nhiều hình thức
Cũng theo bác sĩ Trịnh Thị Thanh Viễn, bạo lực học đường xuất hiện nhiều hình thức nên việc quản lý học sinh không thể chỉ trong phạm vi trường học mà cần sự chung tay của “3 nhà” gồm: gia đình-nhà trường-nhà nước. Đặc biệt, vai trò của gia đình là yếu tố hàng đầu. Các bậc cha mẹ không chỉ quan tâm, đáp ứng nhu cầu vật chất mà nên trò chuyện, trao đổi để trở thành người bạn thân thiết, góp phần định hướng, giúp các em thay đổi thái độ, hành vi lệch chuẩn.
Thượng úy Trần Nam Khánh (Đội 1, Phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC67) Công an thành phố cho biết, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra trước, trong và sau giờ tan học tại khu vực cổng trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiện tượng học sinh gây mất trật tự an ninh khu vực công trường. Đồng thời, tích cực thông báo, liên lạc với nhà trường về những trường hợp vi phạm liên quan đến bạo lực học đường để có biện pháp ngăn chặn, giáo dục và xử lý kịp thời.
Bí thư Đoàn Thanh niên Trường THPT Lý Thường Kiệt (huyện Thủy Nguyên) Doãn Hoàng Trung cho biết, những năm học gần đây, nhà trường triển khai thực hiện sổ liên lạc điện tử để giáo viên chủ nhiệm thường xuyên trao đổi thông tin với bậc cha mẹ, phối hợp gia đình kịp thời ngăn chặn hành vi trái đạo đức, trái pháp luật. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền giúp học sinh nâng cao nhận thức, có lời nói hành vi đúng mực khi sử dụng mạng xã hội. “Để ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường, ngay từ đầu năm học, nhà trường yêu cầu phụ huynh và học sinh ký cam kết thực hiện nghiêm nội quy trường học, trong đó nêu rõ quy tắc ứng xử đúng chuẩn mực với bạn bè. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên nhà trường phối hợp Công an xã Thủy Sơn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với chủ đề văn hóa học đường, phổ biến kiến thức pháp luật…”, thầy Trung nói.
Còn bà Đào Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Hải Phòng cho rằng, bên cạnh tăng cường kết nối giữa nhà trường và gia đình, sáng kiến về phiên tòa giả định cần được duy trì, nhân rộng tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Qua đó, góp phần tạo nên những sân chơi giáo dục pháp luật bổ ích, giúp học sinh trau dồi kỹ năng sống, phòng, chống các tệ nạn xã hội, nhất là bạo lực học đường.
Theo số liệu từ Bộ Công an, từ năm 2011 đến hết quý 1-2018, cả nước xảy ra 18.571 vụ, 32.418 đối tượng liên quan đến bạo lực học đường, vi phạm pháp luật và 15.757 người trở thành nạn nhân các vụ bạo lực học đường.
MAI LÊ – Báo Hải Phòng 22/11/2018