Đến Côn Đảo, du khách không thể bỏ qua vẻ đẹp khó cưỡng của những cây bàng, bằng lăng, thị rừng cổ thụ… là những cây đã được vinh danh cây di sản Việt Nam.
Những ngày tháng Tư lịch sử này, đến Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vùng Tàu), ngoài tham quan những Di tích lịch sử đặc biệt, như: nhà tù Côn Đảo, cầu tàu 914, sân bay Cỏ Ống, nghĩa trang Hàng Dương, nghĩa trang Hàng Keo… du khách không thể bỏ qua vẻ đẹp khó cưỡng của những cây bàng, bằng lăng, thị rừng… là những cây đã được vinh danh cây di sản Việt Nam.
Hàng bằng lăng cổ thụ ở Côn Đảo là cây di sản Việt Nam
Trong số những cây được vinh danh là cây di sản Việt Nam nhiều nhất là bàng. Theo giới thiệu, ở Côn Đảo có 53 cây bàng được Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam.
Cụ thể, trên đường Tôn Đức Thắng có 19 cây, trên đường Lê Duẩn có 11 cây, Di tích trại Phú Hải (thuộc hệ thống Nhà tù Côn Đảo) có 8 cây, Di tích trại Phú Sơn (thuộc hệ thống Nhà tù Côn Đảo) 7 cây, Di tích nhà Chúa Đảo có 8 cây.
Cây bằng lăng cổ thụ 2 người ôm không xuể.
Ngược dòng lịch sử, ngày 28/11/1861, thực dân Pháp chiếm Côn Đảo. Ngày 1/2/1862, Thủy sư đô đốc Pháp Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo, đến nay đã gần 160 năm. Và, cũng như thế, những cây bàng ở Côn Đảo cũng chừng đó năm tuổi và chủ yếu được trồng trong sân các trại giam và mấy con đường xung quanh trại giam.
Bàng (tên khoa học là Terminalia catappa), là một loài cây thân gỗ lớn sinh sống ở vùng nhiệt đới, thuộc họ trâm bầu (Combretaceae). Bàng ở Côn Đảo có những cây gốc to 3-4 người ôm không xuể.
Bất kể nắng mưa, bão tố, thời tiết khắc nghiệt, bàng Côn Đảo lúc nào cũng xanh tốt, uy nghi. Vì thế, bàng được xem là loại cây là biểu tượng của đảo, là hình ảnh phản ánh một thời đau thương của người Việt Nam đã từng bị giam giữ tại “địa ngục trần gian”.
Những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo là cây di sản Việt Nam
Theo lời kể của người dân địa phương, bàng là loài cây rất gần gũi, gắn bó với người dân Côn Đảo, đặc biệt là với những người tù bị lưu đày ra Côn Đảo. Lá bàng được những người tù nhặt về cất giấu, lót trên nền đá của trại giam để nằm, mong chống chọi với thời tiết khắc nghiệt; quả bàng và cả những chiếc lá bàng non còn là thức ăn bổ sung dưỡng chất cho người tù chống lại bệnh tật do những ngày trong tù phải ăn uống thiếu thốn, khổ cực…
Điều du khách không thể bỏ qua khi đến với Côn Đảo là thưởng thức món hạt bàng đặc trưng của vùng đất này mà không một nơi nào có được. Hạt bàng ăn thơm, có vị ngọt của đường và vị mặn của muối hòa lẫn vị bùi, béo, khiến ai đã thử một lần sẽ không bao giờ quên.
Theo giới thiệu của người dân Côn Đảo, ở đây có hai loại hạt bàng là hạt bang rang muối và hạt bàng rang với đường, gừng. Hạt bàng là một món quà đặc sản mang đậm dấu ấn Côn Đảo, được tôn vinh là đặc sản của vùng đất này. Muốn có 1kg hạt bàng phải cần tới 50kg trái bàng. Trái bàng phơi khô, dùng dao chẻ từng trái một lấy nhân ra, rồi rang sao cho khéo léo để có cho ra lò món mứt này.
Cây thị rừng cổ thụ ở Côn Đảo
Trải qua hàng trăm năm, dù chống chọi với bao thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng cây bàng Côn Đảo vẫn phát triển, vẫn xanh tốt, vẫn tỏa bóng che mát những khoảng không, những con đường.
Nhìn bàng Côn Đảo sừng sững, uy nghi, ta lại nhớ đến những người tù dù phải trả qua bao thử thách nghiệt ngã của chốn lao tù nhưng vẫn kiên trung, bất khuất, đã vượt lên trên tất cả, bền bỉ đấu tranh, giữ trọn khí tiết của người chiến sĩ Cộng sản…
Ngoài những cây bàng, Côn Đảo còn nhiều cây bằng lăng, cây thị rừng cũng được vinh danh là cây di sản Việt Nam…