Sáng 17/3, Thường trực Chính phủ họp trực tuyến với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị, cùng dự có các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại điểm cầu thành phố Hải Phòng, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố và đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham dự Hội nghị.
Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe và đời sống người dân
Các trường hợp mắc COVID-19 lần đầu tiên được ghi nhận ngày 29/12/2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc). Ngày 31/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Tính đến nay, thế giới đã ghi nhận trên 120 triệu ca mắc và trên 2,6 triệu ca tử vong tại 221 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Trải qua hơn một năm ứng phó với đại dịch, nhiều biện pháp quyết liệt như giãn cách xã hội, phong tỏa đã được triển khai trên khắp thế giới; chương trình tiêm chủng vắc xin đã bắt đầu từ cuối năm 2020 và hiện đã có hơn 360 triệu liều được tiêm tại 149 quốc gia và vùng lãnh thổ; tuy nhiên, đến nay dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới của vi rút và tiếp tục tác động sâu rộng tới sức khoẻ và đời sống của cộng đồng quốc tế, tới sự phát triển kinh tế-xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đến nay chia làm 3 giai đoạn. Tính đến nay, cả nước ghi nhận tích lũy 2.560 trường hợp mắc, trong đó có 1.564 trường hợp lây nhiễm trong nước (61,1%). Trong số các trường hợp mắc được ghi nhận, đã có 2.186 trường hợp được điều trị khỏi (85,4%), hiện còn 339 trường hợp đang được điều trị (13,2%) và 35 trường hợp tử vong (1,4%).
Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội
Trong nước, hơn một năm qua tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội bị tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng, song với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị; cùng với sự đồng lòng, đoàn kết, chia sẻ của toàn dân; sự nỗ lực, bền bỉ của toàn quân, công tác phòng, chống dịch đã đạt kết quả tốt. Việt Nam đã kiểm soát thành công nhiều đợt bùng phát dịch bệnh, được đánh giá cao là mô hình phòng chống dịch hiệu quả có chi phí thấp. Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách kịp thời, từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19. Việt Nam trở thành điểm sáng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh và vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Trong nước hiện cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn lây lan trên diện rộng, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch vẫn luôn thường trực, đặc biệt đối với các đô thị lớn, nơi tập trung đông người, có mật độ dân số cao; bên cạnh đó là nguy cơ xâm nhập dịch bệnh do tình trạng nhập cảnh trái phép. Trong thời gian tới, việc kiểm soát dịch phụ thuộc nhiều vào việc phát triển vắc-xin. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vắc xin nhập khẩu còn hạn chế và vắc xin trong nước dự kiến phải tới quý IV năm 2021 Việt Nam mới có thể có vắc-xin. Trước mắt cần tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K, đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản, kinh tế và hiệu quả trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương báo cáo về kết quả công tác phòng chống dịch đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai thực tế tại tỉnh Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam,… cùng các biện pháp cụ thể sẽ triển khai trong thời gian tới.
Thành phố Hải Phòng triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam cho biết: sau khi xuất hiện dịch tại tỉnh Hải Dương, Hải Phòng đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch, qua khai báo của người dân phát hiện một trường hợp người Hải Dương đưa con sang điều trị tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng dương tính với vi rút SARS-CoV-2, được chuyển về Hải Dương tiếp tục điều trị. Hải Phòng triển khai xét nghiệm diện rộng cho các trường hợp có nguy cơ cao nhiễm bệnh, qua đó xét nghiệm phát hiện trường hợp BN Đ.T.P là điều dưỡng Bệnh viện Giao thông Vận tải dương tính với SARS-CoV-2, từ đó rà soát xác định thêm 2 trường hợp là người thân của BN này nhiễm bệnh. Hiện các BN đang được điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2, tình trạng ổn định, không có biểu hiện lâm sàng.
Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, Hải Phòng thành lập hơn 2 nghìn tổ kiểm soát dịch tại các địa phương, kịp thời rà soát các trường hợp đi từ vùng dịch về áp dụng các biện pháp cách ly. Tại các cơ sở cách ly tập trung của thành phố thực hiện cách ly 2 người/ 1 phòng, đảm bảo khoảng cách giữa những người thực hiện cách ly, không cho tiếp tế đồ vào khu cách ly, không được giao lưu, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan trong khu vực. Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng áp dụng linh hoạt các biện pháp phòng chống dịch theo các Chỉ thị của Chính phủ, theo nguy cơ nhiễm dịch của từng địa phương, từng khu vực. Đến nay đã 22 ngày, Hải Phòng không có ca bệnh COVID-19 mắc mới tại cộng đồng.
Đến thời điểm này thành phố vẫn duy trì hoạt động các Tổ kiểm soát dịch bệnh COVID-19 ở các thôn của các xã tiếp giáp với tỉnh Hải Dương; các Tổ kiểm soát dịch ở các tổ dân phố khác trên toàn địa bàn thành phố chuyển sang hoạt động theo hình thức tự nguyện, tự quản. Cho phép hoạt động trở lại lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; các giải đấu thể thao; tổ chức ăn uống tập thể (đám hiếu, hỉ, tiệc liên hoan…); vẫn tiếp tục dừng hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đưa chuyên gia về Hải Phòng làm việc. Thành phố bố trí 10 khách sạn để tổ chức cách ly y tế tập trung cho các chuyên gia nước ngoài với tổng số 1.122 giường. Đến thời điểm này, thành phố đã thực hiện việc cách ly tập trung cho 6.653 chuyên gia nước ngoài, trong đó đã hoàn thành cách ly cho 6.012 chuyên gia, hiện nay đang còn 589 chuyên gia đang thực hiện cách ly.
Bên cạnh việc đảm bảo nguồn lực thực hiện công tác phòng chống dịch tại thành phố, Hải Phòng tích cực hỗ trợ các tỉnh bạn phòng chống dịch, trong đó ủng hộ thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Hải Dương mỗi địa phương 5 tỷ đồng cùng hàng trăm nghìn khẩu trang y tế, đặc biệt cử đoàn cán bộ, nhân viên y tế vào hỗ trợ thành phố Đà Nẵng dập dịch.
Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch bệnh, nêu cao tinh thần cảnh giác, không lơ là, chủ quan, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tiếp tục chỉ đạo phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Trên quan điểm luôn đi trước một bước tiếp, tục kiên định 5 nguyên tắc phòng chống dịch đã đề ra từ đầu và xuyên suốt các giai đoạn là “Ngăn chặn-Phát hiện-Cách ly-Khoanh vùng và Dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ; chú trọng vai trò của chính quyền địa phương và phát huy bài học huy động sức dân hoạt động hiệu quả của các tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm đợt cao điểm về phòng, chống dịch COVID-19; chủ động xây dựng các phương án chống dịch, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn. Thực hiện nghiêm túc phương châm bốn tại chỗ trong công tác phòng chống dịch.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh; thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, giao ban, diễn tập để chủ động chuẩn bị cho các tình huống xấu xảy ra. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, yêu cầu nhanh chóng, khẩn trương triển khai “truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp” và thực hiện cách ly tập trung ngay với tất cả các trường hợp tiếp xúc gần (F1), khống chế mầm bệnh, không để lây lan rộng ra cộng đồng và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp đối với từng khu vực trên địa bàn đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế-xã hội. Chỉ đạo mạnh mẽ thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện tốt thông điệp 5K và thực hiện các chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tốt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, khẩn trương, đúng đối tượng theo đúng Nghị quyết 21/NQ-CP.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh, xây dựng các phương án quản lý người nhập cảnh đặc biệt khi nới lỏng các hạn chế liên quan đến đi lại quốc tế; quản lý chặt chẽ các cơ sở được lựa chọn thực hiện cách ly; triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự và đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội, công an trong việc thực hiện nghiêm các quy định về quản lý người cách ly tại các cơ sở cách ly và cách ly tại nơi lưu trú. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các cơ sở cách ly tập trung được lựa chọn và tại nơi lưu trú.
Hồng Nhung