Print Thứ Bảy, 26/01/2019 23:50

Triển lãm chân dung gò đồng “Các văn nghệ sĩ và bạn bè văn chương” của nhà thơ Phạm Xuân Trường diễn ra đầu tháng 11 vừa qua gây được tiếng vang khá ấn tượng. Tranh gò đồng Hải Phòng, bên cạnh Phạm Xuân Trường, còn có những tên tuổi tiêu biểu khác, lớn tuổi có Nguyễn Ngọc Lâm, trẻ có Đào Song Thắng…Họ là những người tạo thêm “mảng màu” khác biệt trong “bức tranh” mỹ thuật đất Cảng.

 

Kỳ công gò đồng thành tác phẩm nghệ thuật

 

Diễn ra 10 ngày tại Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố, triển lãm chân dung gò đồng của nhà thơ Phạm Xuân Trường ngày nào cũng thu hút đông đảo người xem đến tham quan, thưởng lãm. Trong số ấy, không ít văn nghệ sĩ của trung ương, các tỉnh, thành phố lân cận “nghe tiếng” mà tìm về. Triển lãm giới thiệu 83 bức chân dung văn nghệ sĩ và bạn bè văn chương có tác phẩm tiêu biểu trong văn học, nghệ thuật của cả nước và có mối quan hệ thân thiết, được nhà thơ yêu mến. Trong đó, có 30 văn nghệ sĩ đã khuất, mà tên tuổi được nhiều thế hệ người Việt Nam biết tới, như: Nguyên Hồng, Trần Dần, Văn Cao, Phùng Quán, Phan Khôi, Nguyễn Bính, Ngô Tất Tố, Văn Cao, Trương Tửu, Nam Cao, Kim Lân, Lê Đại Thanh, Trịnh Công Sơn, Đoàn Lê, Thanh Tùng… Còn lại là những phác thảo về các văn nghệ sĩ đang sống và làm việc, như: Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Ma Văn Kháng, Ý Nhi, Nguyễn Hà, Bão Vũ, Tô Hoàng Vũ, Đặng Tiến, Hoàng Xuân Khóa…

 

Tác phẩm “Voi Trường Sơn” tranh gò đồng của họa sĩ Phạm Ngọc Lâm.

 

Ngắm nhìn các bức chân dung của Phạm Xuân Trường, người xem trầm trồ thán phục bởi ngoài việc giống ảnh thật, còn chứa đựng tình cảm của người sáng tác đối với các văn nghệ sĩ tiền bối hoặc đang có đóng góp nhất định cho văn học, nghệ thuật cả nước.

 

Chất liệu nhà thơ Phạm Xuân Trường lựa chọn để làm nên những bức chân dung văn nghệ sĩ là đồng lá. Trong nghệ thuật gò đồng, việc gò sẵn các chân dung rồi gắn trên miếng đồng đã khó, các bức chân dung nhà thơ Phạm Xuân Trường tạo nên còn khó hơn, đó là việc gò nổi chân dung trên những tấm đồng phẳng, khiến người xem khâm phục. Khi gò nổi trực tiếp, nếu không cẩn thận, không tập trung tâm sức, miếng đồng sẽ rách, toàn bộ công sức trước đó mất theo.

 

Cũng chọn chất liệu đồng để sáng tạo tác phẩm, nhà điêu khắc Phạm Ngọc Lâm, người được bạn bè yêu mến đặt tên “người chỉ huy ban nhạc đồng nát” bởi “Một đời cặm cụi gò đồng thành tranh”. Được coi là “nghề truyền thống của gia đình”, nhà điêu khắc Phạm Ngọc Lâm có sức lao động tỉ mỉ, kiên trì. Trong quá trình thực hiện tác phẩm, ông tạo nét riêng bởi là khâu gò ngược, với tư duy hình tượng đối nghịch âm dương. Vì thế, một số tác phẩm gò đồng của ông chinh phục người xem vì vẻ đẹp tinh tế, độc đáo và từng đoạt giải cao trong các cuộc thi, triển lãm cấp thành phố. Hay họa sĩ trẻ Đào Song Thắng, tháng 6-2017, anh gây tiếng vang trong giới mỹ thuật đất Cảng với 34 bức phù điêu gò đồng và nhôm ở triển lãm “Âm vang”, thể hiện phong cách mạnh mẽ và sự tiếp nối của thế hệ trẻ trong nghệ thuật gò đồng.

 

Phát huy tay nghề, thỏa niềm đam mê

 

Tại triển lãm mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng 2018, ngắm nhìn tác phẩm gò đồng “Trầm tích thu” của Đào Song Thắng, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: “Tác phẩm bước đầu thể hiện cái nhìn và hướng phát triển mới của một người trẻ. Nó càng quý hơn bởi trong triển lãm mỹ thuật này cũng như nhiều triển lãm mỹ thuật của các tỉnh, thành phố, khu vực, toàn quốc, số lượng tác phẩm điêu khắc, nhất là tác phẩm có chất lượng cao không nhiều. Mong họa sĩ, nhà điêu khắc trẻ sẽ phát huy nhiệt huyết, tay nghề để có những tác phẩm tốt hơn, hướng tới các cuộc thi, triển lãm mỹ thuật sắp tới”. Sau triển lãm, tác phẩm của họa sĩ trẻ Đào Song Thắng được giới thiệu tham dự giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

 

Đông đảo văn nghệ sĩ và người dân tham quan Triển lãm chân dung gò đồng của nhà thơ Phạm Xuân Trường. Ảnh: Đỗ Hiền

 

Không ham mê sáng tạo tác phẩm để tham dự các cuộc thi, nhà điêu khắc Phạm Ngọc Lâm chỉ mong có đủ sức khỏe để hoàn thành một số dự án-tác phẩm gò đồng về đề tài chiến tranh, về đồng đội của mình với vai trò là “người trong cuộc”. Còn nhà thơ Phạm Xuân Trường cho biết, thời gian tới, ông ấp ủ dự án thực hiện tiếp phần 2 triển lãm chân dung gò đồng “Các văn nghệ sĩ và bạn bè văn chương”. Trong đó, ông sẽ tiếp tục khắc họa chân dung các văn nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước. “Tôi muốn thông qua tác phẩm của mình để thể hiện sự tri ân của thế hệ đi sau với văn nghệ sĩ tiền bối và các bạn bè, đồng nghiệp đang tích cực lao động, sáng tạo, phục vụ sự nghiệp phát triển thành phố, đất nước”.

 

Họa sĩ Đặng Tiến, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hải Phòng đánh giá, mặc dù chưa được đánh giá cao ở góc độ tạo hình nhưng sự tâm huyết, đóng góp của những người làm tranh gò đồng đất Cảng- dù được đào tạo chuyên nghiệp hay “trái tay”, cũng góp thêm “mảng màu” khác, nét riêng cho mỹ thuật Hải Phòng. Những tác phẩm của họ ít nhiều gây được tiếng vang và nhất là thể hiện được tình cảm của mình với giới văn nghệ sĩ cả nước.


Đông Hải – Báo Hải Phòng 27/11/2018

Tiện ích thông tin
Nguồn tin
QR Code
QR CODE: Nét riêng trong tranh gò đồng đất Cảng
Chúng tôi trên Mạng Xã hội
QR Code Fanpage
Mã QR Code truy cập vào Fanpage Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng
Tin khác