Sau 2 năm tạm ngừng do dịch Covid-19, Xuân Quý Mão năm nay, các lễ hội ở Hải Phòng đã được tổ chức trở lại làm sống dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc của miền đất cửa biển.
Mở đầu có thể kể đến Lễ dâng hương tại Đền thờ Nữ tướng Lê Chân đêm giao thừa; các Lễ Khai bút đầu Xuân diễn ra vào ngày mùng 4 tháng Giêng, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo); Lễ Khai bút đầu Xuân ngày mùng 6 tháng Giêng tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (thôn Đương Thắng, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy). Rồi nữa, đã thành lệ, vào mùng 4 tháng Giêng, ở huyện Thủy Nguyên, người dân các xã: Phục Lễ, Phả Lễ, Lập Lễ, Tam Hưng… lại tưng bừng hội hát Đúm. Tiếp theo là Lễ hội Núi Voi vào ngày 13, 14 và 15 tháng Giêng tại huyện An Lão; Lễ hội Minh thề, tổ chức vào 14, 15 và 16 tháng Giêng tại Khu Di tích quốc gia đền chùa Hòa Liễu (thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy); Lễ hội Từ Lương Xâm diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng tại Khu di tích quốc gia Từ Lương Xâm (phường Nam Hải, quận Hải An) kỷ niệm Chiến thắng Bạch Đằng và ngày Thánh hóa của Đức Ngô Vương Quyền… cùng rất nhiều các lễ hội lớn, nhỏ khác.
Điều rất đáng ghi nhận là song hành cùng với niềm tự hào về các lễ hội truyền thống đã được tái hiện, góp phần bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống, công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố vào dịp Xuân Quý Mão với sự vào cuộc của các ngành chức năng và các cấp chính quyền đã có những chuyển biến, thay đổi tích cực, đem lại nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng văn minh, lành mạnh, nhất là tại các điểm tâm linh.
Còn nhớ, những năm trước đây, khi yếu tố vật chất bị đẩy lên thái quá, nhiều người đã trông chờ vào các lễ hội để “chặt chém” du khách từ tiền gửi xe đến mua bán đồ vàng, mã. Đặc biệt, nạn “buôn thần bán thánh” với những dịch vụ tâm linh mà giá trên trời như coi bói, xem tử vi, tướng số, cờ bạc biến tướng nơi cửa thiền… hay nạn chèo kéo khách để bán hàng rong, “lễ thuế” trong khuôn viên và xung quanh các khu di tích, đền, chùa… gây bức xúc trong người dân và tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan, biến nơi thực hành nghi lễ tôn nghiêm thành chốn xô bồ, chợ búa chen lấn nhếch nhác. Tuy nhiên, giờ đây hiện nay, công tác điều hành, tổ chức và phục vụ du khách tại các lễ hội đã có những thay đổi lớn ai cũng có thể thấy rõ.
Điển hình như tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiện không còn tình trạng bát nháo trong việc tranh giành viết sớ với giá cả không rõ ràng tại khu vực cổng vào cùng nạn chèo kéo bán hàng rong, thậm chí là ấn, dúi hàng vào tay du khách của một số cá nhân cùng các chiêu trò lừa bịp bói toán len lỏi vào khuôn viên di tích.
Còn tại các lễ hội trên địa bàn huyện Kiến Thụy như: Hội Vật dân tộc tại Di tích lịch sử văn hóa Từ đường họ Mạc Cổ Trai; Lễ hội Minh thề tại Khu di tích quốc gia đền chùa Hòa Liễu… một số tệ nạn và biến tướng đã được giải quyết khá triệt để, góp phần đưa hoạt động lễ hội và nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân dần trở về với những giá trị truyền thống vốn có.
Đặc biệt, người dân thành phố cũng như nhiều du khách đều có chung một nhận xét, ở Hải Phòng đầu Xuân này các tệ nạn, hành vi lợi dụng lễ hội để tổ chức hoạt động trò chơi may rủi, cờ bạc trá hình đã được kiểm soát chặt chẽ.
Ông Nguyễn Trọng Đại, Chủ tịch HĐND phường Dư Hàng Kênh, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) Lễ hội truyền thống Đình Dư Hàng chia sẻ, Lễ hội năm nay được tổ chức một cách quy mô bài bản. Đảng ủy phường đã thành lập BCĐ, giao UBND phường trực tiếp điều hành mọi hoạt động. Trên cơ sở đó từng thành viên có nhiệm vụ rõ ràng trong việc giữ gìn văn hóa, giữ gìn ANTT. Các trò chơi dân gian phải bảo đảm các nội dung tích cực, nghiêm cấm các hành vi cá độ, cờ bạc dưới mọi hình thức. Đớn cử, tại khuôn khổ lễ hội, chọi gà là một trong những trò chơi dân gian được bảo tồn. MTTQ phường cùng Ban Quản lý đã thắt chặt ngay từ các nội quy, theo đó mỗi người tham gia gửi gà chọi đều phải đăng ký danh sách, có địa chỉ, số điện thoại, CCCD, đồng thời tất cả đều phải tuân thủ theo quy định của BTC Lễ hội.
Một vấn đề nữa, đó là khâu quản lý hoạt động đầu Xuân tại các đền, chùa trên địa bàn thành phố đều được tổ chức quy củ, an toàn, trật tự, văn minh; không gian sạch đẹp, gọn gàng; người đi lễ càng thể hiện nét văn hóa của người đất Cảng. Chùa Đỏ (quận Ngô Quyền) dù nằm trong khu phố nhỏ diện tích bị hạn chế nhưng đầu năm vẫn luôn tấp nập người đến. Sân và khu nội tự nhà chùa luôn sạch đẹp. Người đi lễ trang phục lịch sự, đồ lễ đặt các ban thờ cũng được bố trí gọn gàng, không có tình trạng tiền “giọt dầu” đặt tràn lan. Những lúc đông khách, nhà chùa bố trí người hướng dẫn các quy định và các phật tử đều thực hiện trang nghiêm.
Tựu trung lại, mùa Xuân này nhờ những nỗ lực trong công tác kiểm tra, quản lý của các cấp, ngành và địa phương cùng công tác tuyên truyền, vận động người dân những gì được làm và không được làm trong thực hành lễ hội; về cái hay, cái đẹp, cái xấu,… trong sinh hoạt lễ hội mà đầu Xuân này, các hoạt động nói trên tại thành phố đều diễn ra trong văn minh, an toàn và bảo đảm các yếu tố truyền thống. Có thể thấy, chính việc đề cao ý thức trách nhiệm, tuân thủ đầy đủ các quy định cho người dân và du khách đã góp phần “khơi trong” lại những giá trị đẹp vốn có, đưa dòng chảy văn hóa tâm linh của dân tộc ngày càng bền vững.
TÚ QUYÊN
Từ ngày 6-8/1, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ…
Virus (hMPV) lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn, hắt hơi, sổ mũi hoặc…
Thực hiện Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về một…
Để bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đầu tư xây dựng…
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay (8/1),…
Từ năm 2025 sẽ có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm:…
This website uses cookies. See Our policy to learn more.
Read More