Chủ xe thường có những rủi ro liên quan đến độ an toàn của xe. Người lái xe chỉ cần xao nhãng, tai nạn có thể xảy ra. Khi đó, người bị tai nạn phải được cấp cứu ngay để hạn chế thấp nhất thương tật, thiệt hại về người cũng như tài sản.
Do vậy, chúng ta có quy định các chủ xe cơ giới phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự và doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba khi xảy ra tai nạn. Đây là thông lệ của các nước chứ không chỉ ở Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều người dân không mặn mà mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là do bất cập ngay từ chính sách. Đó là giới hạn mức bồi thường, như thiệt hại vật chất là 100 triệu đồng/vụ, ngay cả thiệt hại về người đến mức tử vong cũng chỉ bồi thường tối đa 100 triệu đồng/người. Trong khi đó, chi phí điều trị thương tật đối với tai nạn giao thông thường rất tốn kém.
Chưa hết, cơ sở để giải quyết mức bồi thường là phải phân biệt được lỗi cụ thể của các bên. Trong nhiều trường hợp, cảnh sát giao thông chỉ xác nhận hai bên cùng có lỗi. Khi doanh nghiệp và người đi đường không hòa giải hay thương lượng được mức bồi thường, vụ việc sẽ được đưa ra tòa.
Và trong thực tế, việc đưa vụ việc ra tòa thường mất nhiều thời gian nên người thiệt hại không mặn mà theo đuổi để được bồi thường. Và đây cũng là lý do khiến các chủ xe không tích cực mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự.
Để doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường kịp thời cho bên thứ ba khi xảy ra tai nạn giao thông, công an cần xác định tỉ lệ lỗi của các bên. Chẳng hạn tại Singapore, tùy từng trường hợp, vụ tai nạn giao thông được xác định tỉ lệ lỗi của các bên tham gia giao thông, như bên A 10% và bên B 90% lỗi… Và chỉ cần nhìn sơ đồ hiện trường, công an kết luận luôn tỉ lệ lỗi mà không cần phải giám định cũng như ra tòa để phân xử mức bồi thường.
Ví dụ xe A đâm xe B, được xác định xe A gây lỗi 20% nhưng gây thiệt hại cho chủ xe B 100 triệu đồng, mức bồi thường là 20 triệu đồng. Xe B có lỗi 80% gây thiệt hại cho xe A 1 tỉ đồng, phải đền 800 triệu đồng.
Ngoài ra, cần bỏ ngay hạn mức trách nhiệm bồi thường, thay vào đó là bồi thương theo thiệt hại thực tế, tỉ lệ lỗi, đồng thời bổ sung thiệt hại tài chính gắn liền với quyền và tài sản bị thiệt hại. Như với người bị tai nạn, ngoài bồi thường về điều trị, còn có thiệt hại khác là giảm sút thu nhập trong và sau ngày nạn nhân điều trị.
Thậm chí, nạn nhân không thể làm việc như trước khi bị tai nạn cũng phải được bồi thường. Đối với phương tiện không may bị đâm va, bảo hiểm cũng phải bồi thường thiệt hại do xe ngừng kinh doanh.
Thủ tục bồi thường cũng phải đơn giản. Khi vụ tai nạn giao thông xảy ra, công an xác định được tỉ lệ lỗi của các bên, chủ xe có giấy yêu cầu bồi thường, thông báo tình hình tai nạn, xảy ra ở đâu… cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Chủ xe có thể ủy quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm lấy hồ sơ của công an, chứ người bị nạn không phải đến cơ quan công an để lấy hồ sơ. Căn cứ vào tỉ lệ lỗi của các bên do công an cung cấp và chi phí khám chữa bệnh, chi phí sửa chữa xe, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải bồi thường ngay cho người bị tai nạn có mua bảo hiểm.
PHÙNG ĐẮC LỘC (nguyên tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm VN) – L.THANH ghi